Gần đây, chúng ta đã được cảnh báo về khả năng chứng ái kỉ (narcissism) có thể trở thành một bệnh dịch nghiêm trọng ở nước ta. Tuy nhiên, tôi thì tin rằng chính người em kế xấu xa của chứng ái kỉ mới thật sự là tác nhân gây ra nhiều vấn đề nhất đến cuộc sống mọi người. Sự thù ghét bản thân (self-hatred) không phải thứ để chúng ta khoe khoang. Chúng ta thường giấu nhẹm nó đi giống như “thiếu tự tin” hay “xem thường bản thân”. Sự thật rành rành đó là phần lớn thời gian chúng ta dành ra để thù ghét bản thân. Suốt một ngày, chúng ta va phải chướng ngại của những suy nghĩ tiêu cực nhưng nó mềm mại đến mức chúng ta còn chẳng biết chúng ta va phải nó. Chứng ái kỉ có thể là một sự bù trừ cho sự thiếu tự tin, nhưng sâu thẳm, chúng ta là kẻ thù truyền kiếp của chính mình.
Khi nói về sự thù ghét bản thân ở tuổi trẻ thì những con số thống kê có vẻ tiết lộ khá nhiều. Một nghiên cứu trên 3000 cô gái lứa tuổi thanh niên đã chỉ ra 7/10 trong số đó tin rằng họ chưa hài lòng về bản thân. Họ cảm thấy họ chưa hài lòng về ngoại hình, kết quả học tập và những mối quan hệ cá nhân. Một nghiên cứu tương tự chỉ ra 75% những cô gái hay tự ti thường có liên quan đến những “hoạt động thiếu lành mạnh” như rối loạn ăn uống, tự hành xác, bạo hành học đường, hút sách, hoặc rượu chè khi họ cảm thấy tệ về bản thân. Nhưng ngược lại với những gì thường được báo cáo, không phải chỉ có những người trẻ mới phải vật lộn với vấn đề lòng tự trọng (self-esteem). Năm 2011, tổ chức tâm lý học Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu rằng trong khi lòng tự trọng ngày càng tốt hơn trong lứa tuổi thiếu niên và tăng dần trong giai đoạn đầu trưởng thành, thì “không có sự khác biệt lớn về lòng tự trọng trong những giai đoạn này ở cả nam và nữ.”
Sự thật là, chúng ta không cần những nghiên cứu để thấy rằng lòng tự trọng thấp rõ ràng đang là vấn đề tồn tại trong xã hội hiện nay. Hãy thử nói chuyện với một đứa tuổi teen, hoặc đứa trẻ nhỏ về vấn đề này, và hỏi chúng rằng liệu chúng có điểm nào đáng bị đánh giá từ bản thân. Kết quả là bạn sẽ thấy sốc. Tôi chưa gặp một đứa trẻ nào mà không thủ sẵn một danh sách dài như danh sách giặt ủi mà chúng tự đánh giá tiêu cực về bản thân và sẵn sàng sổ ra khi cần.”Tôi béo ú” “Tôi phiền phức” “Những đứa khác không thích tôi” “Bố mẹ thất vọng về tôi”. Những niềm tin tiềm tàng này không mất đi khi chúng lớn lên. Sự thật thì, điều mà cha tôi, tiến sĩ Robert Firestone và tôi đã tìm ra trong 30 năm nghiên cứu đó là những suy nghĩ này ảnh hưởng đến chúng ta trong mọi lĩnh vực cuộc sống, tạo ra cái thứ mà chúng ta thường gọi là “tiếng thì thầm bên trong“. Chúng ta cũng có thể sẽ truyền “tiếng thì thầm” này cho những thế hệ sau. Tiếng nói này đến từ đâu, tại sao nó tồn tại và chúng ta có thể làm gì với nó chính là chủ đề chính trong cuốn sách của chúng tôi Làm chủ giọng nói chỉ trích bên trong (Conquer Your Critical Inner Voice) và hội thảo trực tuyến “Hãy dừng việc thù ghét bản thân: Phương pháp để chế ngự lời chỉ trích bên trong” (Stop Hating Yourself: A Method to Overcome Your Inner Critic). Ở đây, tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn nguyên nhân và ảnh hưởng của những suy nghĩ tự ghét mình này và giới thiệu cho bạn một phương pháp để vượt qua chúng.
LÒNG CĂM GHÉT BẢN THÂN ĐẾN TỪ ĐÂU?
Có hai khía cạnh ảnh hưởng lớn đến sự tự nhận thức bản thân. Đầu tiên đó là cách mà cha mẹ hay người nuôi dưỡng nhìn nhận và đối xử với chúng ta. Thứ hai là cách mà những người có ảnh hưởng này nhìn nhận về bản thân họ. Cha mẹ cũng là con người, cho nên họ không hoàn hảo. Họ cũng yêu và ghét chính mình, và họ truyền lại những cảm giác này cho đời sau của họ (con cái họ).
Cá tính của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cách mà chúng ta được đối xử trong môi trường gia đình từ sớm. Thái độ lành mạnh và ủng hộ mà chúng ta được đối xử trong giai đoạn tuổi thơ giúp xây dựng mặt tích cực của lòng tự trọng – “bản chất thật” của chúng ta. Đây là cái phần làm cho ta cảm thấy quý trọng bản thân, vị tha và tự tin. Tuy nhiên, những thái độ mang tính gây nguy hại hướng chúng ta đến mặt tiêu cực của sự tự nhận thức – “phần chống lại bản thân” của chúng ta. Nếu, ví dụ như, chúng ta có những người bố mẹ cứ cho chúng ta là chậm chạp hay lười biếng, chúng ta có thể lượm lặt những thái độ này từ cách mà họ hành động: vẻ khó chịu hay những cái thở dài của sự thất vọng. Có thể, họ chỉ trích chúng ta một cách trực tiếp: “Có vấn đề gì với mày vậy? Nhanh lên coi. Mày luôn làm tao trễ. Mày không động não được à?”
Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cách mà cha mẹ nói hoặc cảm nhận về bản thân họ. Trong cuộc nghiên cứu về những người phụ nữ trẻ đã nói ở trên, có hơn một nửa những cô gái có những người mẹ tự chỉ trích chính mình. Khi cha mẹ nhìn vào gương với vẻ ghê tởm, họ thể hiện họ là một sự thất bại như thế nào hoặc không cảm thấy hạnh phúc khi sống cuộc đời của họ, họ mang vai trò như một hình mẫu để con trẻ phát triển nhận thức cá nhân của chúng.
SỰ CHÁN GHÉT BẢN THÂN ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA RA SAO.
Khi chúng ta lớn lên, chúng ta thường chủ quan hóa những thái độ tế nhị và không tế nhị của cha mẹ chúng ta. D không hề nhận ra, chúng ta lấy những quan điểm này vào thế giới quan của chúng ta. Chúng trở thành cơ sở của những giọng nói đánh giá bên trong và được chuyển ngữ để trở thành những lời bình luận chạy trong đầu bạn. Khi bạn đến một buổi hẹn hò, nó mớm cho bạn những suy nghĩ nho nhỏ như, “Mày nói chuyện ngố vãi. Nó không thích mày đâu.” Khi chúng ta chuẩn bị bước vào phòng phỏng vấn, nó nhắc chúng ta rằng, “Mày sẽ chỉ làm trò hề thôi, ai mà đi nhận một thằng thất bại như mày?”
Giọng nói này len lỏi vào những lúc chúng ta không để ý nhất, ngay khi chúng ta thành công hoặc đạt được điều gì chúng ta muốn. Chúng cũng có thể ra vẻ tốt lành bảo chúng ta hãy chăm sóc và bảo vệ bản thân. “Đừng lo về việc gặp gỡ người khác. Bạn sẽ ổn khi ở một mình. Ở nhà và tận hưởng đi.” Tuy nhiên, giọng nói đánh giá đó là một kẻ 2 mặt và nó sẽ quay sang trừng phạt bạn nếu bạn nghe theo lời nó: “Thằng thảm hại! Mày còn chẳng có lấy một mống bạn. Mày chả bao giờ vui nổi đâu.”
Với mỗi người, có những lĩnh vực nhất định trong cuộc sống mà giọng nói này lớn hơn và kinh tởm hơn. Đôi khi chúng ta kiểm soát được nó trong lĩnh vực này, và nó lại xuất hiện ở một lĩnh vực khác. Nếu để nó không kiểm soát, ảnh hưởng của nó sẽ ngày một mạnh hơn. Nó phá hủy những mối quan hệ, làm sụp đổ sự nghiệp, ảnh hưởng đến cách dạy con của chúng ta và giết chết những mục tiêu trong tương lai. Nếu chúng ta không đối mặt với những lời chỉ trích này từ bên trong, nó có thể sẽ truyền lại cho con cháu chúng ta và tạo ra nhiều thế hệ thù ghét bản thân.
LÀM GÌ VỚI NHỮNG SUY NGHĨ THÙ GHÉT BẢN THÂN NÀY?
Điều đầu tiên phải nhận ra đó là chúng ta không phải cái giọng nói đánh giá đó, và chúng ta hoàn toàn không phải con người mà giọng nói đó diễn tả. Chỉ bởi chúng ta đang phải chịu đựng những giọng nói chỉ trích này không có nghĩa là chúng đang vẽ ra một hình ảnh chân thực về chúng ta. Nên nhớ, mỗi người chúng ta đều có những cảm xúc tách biệt về bản thân. Lời nói chỉ trích nên được xem như một ý kiến ngoại lai, một kẻ không mời mà đến và chiếm lấy nhận thức của ta. Nó thật sự là một thứ “chống lại bản thân” (anti-self) được tạo ra từ quá trình phát triển của những trải nghiệm tối tăm nhất của chúng ta. Giọng nói này không phải bạn chúng ta. Nó cho chúng ta những lời khuyên sai trái và không bao giờ muốn tốt cho chúng ta.
Dĩ nhiên, chúng ta không hoàn hảo toàn diện, nhưng khi chúng ta nghe theo lời giọng nói trong chúng ta, chúng ta thường khuếch đại và chỉ trích thậm tệ những khiếm khuyết của bản thân. Chúng ta mất đi chính kiến và thất bại trong việc thực tập lòng từ bi đối với bản thân điều mà đem chúng ta đến với cuộc sống trọn vẹn nhất. Phương pháp trị liệu tiếng nói (Voice Therapy) được phát triển bởi tiến sĩ Robert Firestone giúp những cá nhân nhận ra giọng nói từ bên trong họ, hiểu được nguồn gốc của nó, tách khởi khỏi nó và đối xử với nó theo một cách thực tế và từ bi nhất. Thách thức sự thù ghét bản thân là bước quan trọng để chấm dứt những hành vi tự hại bản thân và hạn chế bản thân. Nó mở ra những cánh cửa trong cuộc sống mà chúng ta không biết là chúng ta đã vô tình đóng chúng lại và cho phép chúng ta sống một cuộc sống đầy cá tính và thỏa mãn hơn.
Dịch: Phạm Thành
#TAMLYHOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét