Những người mang chứng “Não trạng nạn nhân” luôn than phiền về những điều bất hạnh trong cuộc sống của chính mình. Họ tin rằng họ không kiểm soát được cách thức các sự kiện ập đến nên hiển nhiên cảm thức trách nhiệm đối với bản thân ở những người như vậy khá mơ hồ, hầu như không hiện hữu. Khoảnh khắc trước họ đang vào vai một nạn nhân với bao nỗi niềm cùng cực, khoảnh khắc sau họ quay ngoắt lại và làm tổn thương kẻ cố gắng giúp đỡ mình, để mặc kẻ-ngỡ-là-người-giúp-đỡ ấy đắm chìm trong hoang mang, thất vọng cùng cực.
Người có tâm thức nạn nhân bộc lộ sự giận dữ tiềm tàng- gây hấn thụ động- ẩn sâu bên trong họ khi tương tác với xã hội. Hành vi của những người này gây tổn thương chính mình và gần với sự bạo dâm vốn có động thái, màu sắc tự hoại bản thân, lấy đau đớn làm niềm vui, khoái lạc. Dạng thức nạn nhân này trở thành một mô hình tương tác xã hội- một lối sống định hướng hành vi: Tôi chịu bao khốn khổ thế nên tôi là kẻ đáng thương.
Trong bài này, tác giả nêu ra ba ví dụ điển hình của người mang chứng “não trạng nạn nhân” và đề ra một danh sách các mục để nhận biết “người khốn khổ”. Đồng thời, tác giả cũng sẽ bàn luận về lợi ích một người có thể có được-mối lợi thứ cấp– thông qua viêc kéo dài dai dẳng nỗi khốn khổ bản thân và nguồn gốc phát sinh của dạng tâm thức nạn nhân. Kết thúc bài sẽ là những lời khuyên làm thế nào để có thể giúp đỡ người mang chứng “não trạng nạn nhân”.
MỘT SỐ TỪ KHÓA ĐÁNG CHÚ Ý
Não trạng nạn nhân: victim syndrome
Rescuers: người cứu giúp
Masochistic: bạo dâm
Passive- aggressive: gây hấn thụ động
Self- defeating behavior: hành vi gây tổn thương bản thân
Blame game: đổ tội
Secondary gain: mối lợi thứ cấp
“Thương hại bản thân là loại thuốc phiện phi dược tính mang tính tàn hủy dễ dàng, mạnh mẽ nhất. Nó gây nghiện, đem lại khoái lạc nhất thời nhưng đủ để tách rời nạn nhân khỏi thực tại”
_ John Gardner_
“Nếu vấn đề chẳng phải lỗi của ta, ta chẳng bao giờ chịu trách nhiệm về nó. Nếu ta không thể chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra, ta sẽ chỉ là nạn nhân của vấn đề ấy.”
_ Richard Bach_
“Tự mình kiểm soát cuộc sống của bản thân và điều gì sẽ tới? Một điều đáng sợ: chẳng có ai mà ta có thể đổ tội cho.”
_ Erica Jong_
MỞ ĐẦU
Bạn đã bao giờ để ý đến những người luôn hành xử như thể họ là nạn nhân mọi sự? Những người luôn đổ tội cho kẻ khác khi điều xấu xảy ra trong cuộc sống? Những người trách cứ, than vãn, đổ tội cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và vô vàn thứ không tên mà họ cho đang giày vò họ? Thế giới những người này sống đơn thuần được phân thành nạn nhân, kẻ gieo rắc thống khổ, và ít ỏi lắm người cứu giúp. Và nếu có bao giờ bạn đã từng giúp đỡ họ, bạn có nhận ra rằng cứu giúp họ khỏi chất chồng rắc rối bủa vây xung quanh dường như còn làm mọi thứ tồi tệ thêm? Liệu bạn có cảm thấy bất bình, phẫn uất với cái cách mà từng lời khuyên của mình bị gạt sang một bên, bị từ chối thẳng thừng không thèm cân nhắc?
Nếu bất cứ kết quả quan sát nào đúng trong trường hợp của bạn, có lẽ bạn đang phải đối mặt với người mang “não trạng nạn nhân” (Fenichel, 1945; Zur, 1994). Đây là loại người luôn than thở, phiền muộn về những điều không may ập đến trong cuộc sống, bởi lẽ hoàn cảnh vượt quá tầm kiểm soát của chính họ. Chẳng bao giờ họ cảm thấy ổn, thấy cuộc sống diễn ra như mình mong muốn. Bất kì nơi đâu họ đến, rắc rối luôn ùn ùn kéo theo.
Vấn đề này được đặt ra không phải để nói rằng những người này là kẻ dựng chuyện. Ngược lại, luôn luôn có sự thật trong câu chuyện họ mang bên mình. Thực tế là xui rủi xảy ra với tất cả chúng ta, nhưng đó mới là cuộc sống. Cuộc đời nào phải vườn hồng trải thảm bao giờ. Nhưng luôn có nhiều cách khác nhau để giải quyết những rắc rối nảy sinh trong cuộc sống. Đa phần chúng ta, khi đối diện với các rào cản, thách thức trong đời, sẽ làm một điều gì đó và trở nên quen thuộc, không còn hoang mang, bực dọc với thứ cản đường như trước. Nhưng người với “não trạng nạn nhân” không có khả năng làm như vậy. Cách nhìn đời tiêu cực của họ về thế giới bên ngoài thường sẽ biến mọi thất bại thành một tấn bi kịch. Thậm chí ngay cách họ tiếp nhận, xử lí thông tin cũng dẫn đến nhiều rối rắm, căng thẳng. Để làm phức tạp thêm phương trình vốn dĩ đã mang quá nhiều biến số, người chịu chứng này có xu hướng làm đống hổ lốn chất ngất đang bủa vây quanh họ rối rắm, tệ hại hơn. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng họ thường tự khiến mình thành nạn nhân. Và mỉa mai thay, những nạn nhân này luôn thành công trong việc tìm thấy kẻ cố tình gieo rắc thống khổ cho cuộc đời mình.
Tệ hại hơn cả, rất khó để có thể giúp đỡ, thỏa hiệp với người mang chứng “não trạng nạn nhân”. Họ luôn mang trong mình cái nhìn u ám, cùng cực về cuộc sống, con người. Bởi vì không tin rằng mình có thể kiểm soát, giải quyết những điều run rủi diễn ra trong đời, họ mang nơi mình cảm thức trách nhiệm rất nghèo nàn. Mọi yếu tố khi đi ngược lại với nguyện vọng, mong muốn của họ chẳng qua do con người, hoàn cảnh bên ngoài gây nên- thứ họ không tài nào kiểm soát được. Mọi nỗ lực đặt ra để giúp đỡ họ, hay thậm chí để đề xuất cách thức giải quyết cho tình trạng họ đang đối mặt phải luôn vượt qua một nòng đại bác cỡ bự đầy lý do rằng tại sao chẳng có gì mang tính thực tiễn, chẳng có gì có thể thực hiện được, và thực tế là nhiều lý do trong đó khá thuyết phục. Chính vì vậy mà hóa ra những rắc rối họ ở vào là độc nhất, là không lối thoát. Những người này có xu hướng cố gắng chứng minh người giúp đỡ sai lầm nghiệm trọng. Dường như bất kì ai đã từng chuẩn bị để giúp họ đều bị bỏ mặc trong nỗi ấm ức, bất bình.
XU HƯỚNG TÍNH CÁCH
Người với tâm thức nạn nhân luôn thường có sự giận dữ thụ động, tiềm tàng trong cách tương tác với xã hội. Xu hướng giận dữ thụ động tiềm tàng là cách thức mơ hồ, gián tiếp để đạt được điều cá nhân mong muốn và sẽ khi sự giận dữ được bộc lộ ra thì cá nhân cũng không nhận thức được, không dám thừa nhận hay thậm chí không đối diện được với nó. (APA, 2000; Millon, 2004). Ai hay mang cảm giác bất lực thường sử dụng cơ chế giận dữ thụ động tiềm tàng này như phương thức cuối cùng. Khi cá nhân gặp khó khăn trong việc nhận thức, đối diện được với cơn giận dữ nơi chính bản thân mình (vốn là kết quả của việc nhìn nhận bản thể mình ra sao), khả năng thông cảm, thấu hiểu cho nhu cầu người khác của cá nhân ấy hầu như nông cạn, nhưng ngược lại, cá nhân ấy là chuyên gia của hình thức kháng cự thụ động.
Đổ tội là một phần trong điều người với “não trạng nạn nhân” có thể làm, có thể phô diễn. Dù rằng hành động là lời giải thích cho tình trạng họ rơi vào nhưng họ rất giỏi trong việc bao biện vì đâu mọi thứ không diễn ra theo cách họ mong muốn, không thể nào khắc phục thay đổi được. Cách thức thường thấy để đạt được điều những người này mong chờ là khiến người khác cảm thấy tội lỗi thông qua việc gửi đi các dạng thức tác động vào xúc cảm (Simon, 1996). “Nạn nhân” sẽ hờn dỗi, bĩu môi, bỏ ngang mọi thứ, phá đám, bao biện và nói dối. Khả năng của họ trong việc tác động vào cảm giác của người khác làm cho đối tượng họ nhắm vào trở nên thiếu cẩn trọng, không được phòng vệ và dễ bị tổn thương. Với những người mang tâm thức nạn nhân như thế, ta không bao giờ có thể chắc chắn được một trăm phần trăm điều gì đã được họ đề cập hay ta nên mong đợi ở họ điều gì.
Hành vi của những người này mang dạng gây tổn thương chính mình, khá gần với bạo dâm. Nó như thể bất kì ai trải qua vòng xoáy của tâm thức nạn nhân sẽ chờ mong cảm giác đớn đau, giày vò hoặc có thể thích thú, có thể bị cuốn vào những mối quan hệ đầy sóng gió, rối ren. Họ thất bại trong việc hoàn thành trách nhiệm cần thiết với đời sống thể chất, tinh thần của bản thân. Họ đặt kỳ vọng bản thân lên cao chỉ để khiến mình rơi xuống. Cái hẫng hụt vốn đang cồn cào man dại sau những cú rơi kia liên quan mật thiết đến xã hội, đến những tình huống kết thúc trong tuyệt vọng, thất bại, trong sự ngược đãi, dù rằng luôn tồn tại đó cho họ nhiều lựa chọn tốt đẹp hơn. Họ chối từ những cơ hội được nhẹ lòng, thỏa mãn, hay rụt rè, ngần ngại trong việc nhận thức rằng họ đang hài lòng với chính bản thân mình. Hi sinh bản thân là điều đúng với họ hơn, dù có thể người được nhận lấy sự hi sinh ấy chẳng hề đòi hỏi nơi họ điều gì (Millon, 2004). Những người mang “não trạng nạn nhân” có cách thức hành xử quyết liệt và dường như mang tính hủy hoại cao. Và theo cách nói, cách thể hiện tiêu cực nhất, hành xử của họ bao gồm cả việc chơi trò Russian Roulette(*), lái xe khi đã say mèm, nghiện hút thuốc nặng, lạm dụng ma túy, bài bạc quá độ, ham muốn tình dục cực độ, dùng dao khắc lên da, và thậm chí là tự tử.
(*) Russian Roulette: một trò chơi nguy hiểm. Người chơi cho một viên đạn vào khẩu súng đã được lên nòng, xoay ổ đạn rồi chĩa khẩu súng vào đầu mình và chờ xem liệu rằng súng có nổ hay không, viên đạn duy nhất ấy có kết liễu đời họ không.
BỘ BA NẠN NHÂN- KẺ GIEO RẮC THỐNG KHỔ- NGƯỜI CỨU GIÚP
Cuộc sống, thế giới này là một nơi đầy rẫy hiểm nguy cho kẻ mang tâm thức nạn nhân. Họ luôn phải chuẩn bị, đề phòng những tình huống xấu nhất bởi luôn có nhung nhúc người cố gắng làm tổn thương họ. Thực tế thì đây là môi trường khắc nghiệt của cả nạn nhân lẫn kẻ đem lại tai họa, người cứu khổ. Trung tâm kiểm soát của nạn nhân thường có vẻ như chỉ quẩn quanh vòng ngoài, điều này cũng có nghĩa là họ tin rằng những gì xảy ra với con người tùy thuộc vào sự kiện diễn ra ngoài họ, ngoài khả năng họ có thể làm chủ kiểm soát tình hình. Trong mắt họ, tầng lớp xã hội quyền lực, định mệnh số phận, hay cơ hội là các yếu tố cơ bản tác động đến sự kiện xảy ra trong cuộc sống con người (Rotter, 1966). Hệ thống niềm tin này có thể nói khá phù hợp với dạng tâm thức nạn nhân.
Phối hợp với cách nhìn đời tiêu cực, người mang não trạng nạn nhân biết rõ làm thế nào để khiến người khác phát điên lên hay khiến người khác rơi vào thế bị động phòng thủ (mặc dù họ có thể không tự ý thức được). Họ khéo léo cuốn kẻ khác vào mớ bòng bong hỗn độn do chính mình tạo ra và rồi khiến những kẻ ấy chênh vênh nhờ vào sự thiên biến vạn hóa nỗi lòng của họ. Phút giây trước họ hãy còn là kẻ đáng thương, phút sau họ vứt bỏ bộ da cũ mà mang vai vai trò gieo rắc đau khổ, làm tổn hại đến bất kì ai cố gắng giúp đỡ bản thân họ. Nạn nhân- kẻ mang đau thương- người cứu giúp: đây hóa ra cũng chỉ là một mớ hỗn mang, mối quan hệ đầy rẫy biến động.
Ngoài ra, người có não trạng nhân còn là bậc thầy điều khiển, kiểm soát và điều này khiến cho mối liên hệ với người khác trở nên mệt mỏi, mang nhiều nỗi bực dọc. Ta có thể ví von rằng “nạn nhân” gần như thể mời hẳn người khác đến giúp đỡ họ chỉ để cuối cùng chứng minh rằng nỗ lực giải thoát bỏ ra cũng chỉ là vô ích. Để khiến cho nỗ lực giải thoát kia trở nên thê thảm, đáng khinh hơn, “nạn nhân” đảo lộn mọi thứ, khăng khăng khẳng định thực chất sự giúp đỡ bỏ ra kia có chăng cũng chỉ làm mọi chuyện tệ hại hơn trước đây. Điều này tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của họ, tạo nên thói quen khó bỏ.
Khi được hỏi tại sao họ lại phải hành động như thế, họ sẽ nói rằng “tất cả đều có lý do của nó”. Và khi ta đòi hỏi một lý do rõ ràng, thuyết phục, những lý do cho cách ứng xử vô nghĩa kia (lắm khi cũng nông cạn, ngớ ngẩn) thường lại rất mù mờ, khó hiểu. Ngay đến người mang não trạng nạn nhân cũng không biết được vì sao họ làm thế và chỉ có trong tâm trí mình một góc nhìn hạn chế về lý do cho việc tự hủy hoại, làm hại đến bản thân. Thậm chí khi lý do đã được phơi bày ra ánh sáng, khi cách để vượt qua khỏi thống khổ tự tạo kia đã rõ ràng, họ chẳng để tâm mà ủ mình lại vào trong đám bùn bầy nhầy của chính mình. Có thể coi chính điều này là thứ làm cho hành vi, cách ứng xử của họ trở nên mơ hồ, rối loạn và gây khó chịu ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội xung quanh.
Cũng cần nhìn nhận rằng sự tiêu cực, thái quá của họ lại rất thu hút người khác. Nhờ vào trạng thái nghiêm túc, nghiêm trọng của tâm thức nạn nhân, lòng trắc ẩn quan tâm đồng loại được khơi gợi lên nơi tâm hồn kẻ khác. Vì chẳng ai nỡ lòng chối bỏ làm ngơ trước những lời thở than cầu cứu. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, sự tình nguyện giúp đỡ ấy cũng chỉ có hiệu lực thời gian ngắn. Như thiêu thân lao vào ngọn lửa, sớm muộn thì thiêu thân cũng bị chết trụi. Dường như chẳng nỗ lực nào, chẳng gì có thể cải thiện tình trạng thảm thương, thống khổ của nạn nhân. Mà điều ấy bắt nguồn khi mọi nỗ lực bỏ ra đều bị làm ngơ, đánh giá thấp hay phải đối diện với sự bùng nổ xúc cảm, ức chế.
Tất nhiên, câu hỏi quan trọng mà ta cần đặt ra phải là tại sao những nạn nhân dạng này lại đòi hỏi sự giúp đỡ buổi ban đâu? Họ có thực chất muốn được giúp đỡ hay chăng? Được trao tặng, tạo điều kiện đầy đủ, điều họ quan tâm, dự định sẽ làm khi ấy là làm sao để bản thân nổi bật. Ít ra thì có một viễn cảnh tiêu cực vẫn tốt hơn là chẳng biết điều, chẳng có lấy ý chí tự thân. Chúng tôi để ý rằng dạng thức nạn nhân này trở thành một mô hình tương tác xã hội- một lối sống định hướng hành vi: Tôi chịu bao khốn khổ thế nên tôi là kẻ đáng thương. Ví dụ sau đây có thể xem là một viễn cảnh thông thường đối với người mang xu hướng của bệnh này.
John, giám đốc điều hành của một công ty năng lượng bền vững, đang phải phân vân đau đầu tìm cách giải quyết đối với trường hợp của vị phó chủ tịch Amelia. Mặc dù không thể phủ nhận những đức tính tốt nhưng Amelia lại quá chi li, tiểu tiết đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Khi làm việc cùng nhau, Amelia tốn thời gian của anh nhiều hơn cả và hiếm khi nào cô hài lòng- những lúc như vậy cô hóa thành nữ hoàng kịch và dựng đủ loại kịch bản nếu mọi thứ không đi đúng theo ý mình. Và thực tế thì chẳng có thứ gì đáp ứng được tiêu chí của Amelia cả.
John cảm thấy thắc mắc trước câu hỏi vì đâu mà một người chuyên nghiệp được đánh giá cao như Amelia lại luôn phải vào vai một nạn nhân chịu bao điều thống khổ, bất công. Làm thế nào để một người sáng giá, tài năng như vậy lại không nhận thức được hành vi thiếu đứng đắn, thiếu cả sự chuyên nghiệp của mình? Những câu hỏi này lâu nay vẫn làm phiền John- người bào chữa, biện hộ nhằm đảm bảo sự đa dạng cân bằng giới tính trong công ty- mỗi khi Amelia vướng vào rắc rối cô lại đổ tội cho hệ thống chỉ toàn đàn ông bảo thủ, nhân viên cũ. John nhận ra rằng đây có chăng cũng chỉ lời ngụy biện yếu ớt bởi chẳng có bất kì người nữ nhân viên nào từng đề cập hay than phiền vấn đề tương tự. Anh thậm chí còn tham gia vào những chuyện bên lề ngoài công việc chỉ để hiểu cách nhìn nhận, suy nghĩ của những nữ quản lí cấp cao trong công ty mình. Và cái ý tưởng chính vì hệ thống bảo thủ, trì trệ của Amelia đã làm giảm năng suất lao động của nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ quả thực quá nực cười, vô nghĩa với anh.
Gặp mặt bàn bạc với Amelia chẳng khác gì trò xiếc đi trên dây mà không đồ bảo hiểm. Tệ hơn cả là mỗi kì báo cáo hai năm một lần với cô. Chẳng bao giờ có thể biết được cô sẽ phản ứng ra sao thế nên John ngán ngẩm với những kì như thế. Với anh, khuyên nhủ cô về việc lẽ ra cô có thể giải quyết tình huống, công việc hiệu quả hơn ra sao là phương thức ngoại giao chính.
Nhưng thực tế thì giờ đây khi đến lượt Amelia nhận xét nội bộ công ty, John đã phải trải qua nhiều đêm trằn trọc lo âu. Ký ức về việc Amelia đã bùng nổ, phát điên lên như thế nào khi anh đưa ra một số đóng góp, khuyên nhủ mang tính xây dựng vẫn còn ám ảnh anh trong tâm trí. Khi anh đề cập đến chuyện lẽ ra tình huống ấy có thể được giải quyết hiệu quả hơn ra sao, cô trở nên mất kiểm soát và mở màn cuộc tranh cãi nảy lửa đầy công kích về trình độ chuyên môn của anh cũng như phủ nhận hoàn toàn mọi chi tiết vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tại sao Amelia không để ý được rằng mỗi khi xảy ra chuyện thì sai lầm chỉ xoay quanh kẻ khác ngoài cô? Lần này John trở nên kiên quyết hơn và cố gắng cho cô thấy rằng cô đã không là người quan sát công minh, liêm chính trong vấn đề anh đặt ra thì Amelia đả kích anh hơn, khoác lên mình vai trò của một người bị hại đáng thương, vô tội. Sau chuyện này, anh cảm thấy bản thân ngớ ngẩn, thảm hại khi thực hiện phương thức ngoại giao này. Anh thầm tưởng mình như thể đã ngược đãi Amelia vậy. Anh nhận ra rằng lần nào cũng vậy, bất kì khi nào kết thúc buổi gặp mặt bàn bạc anh lại thấy thương cảm cho cô và cố gắng làm cô bình tĩnh lại. Anh thắc mắc vì đâu mà cách tiếp cận vấn đề, tình huống ấy của Amelia có thể hiệu quả đến thế, lặp lại liên tục được như thế.
Ngoài cuộc sống vẫn có rất nhiều Amelia chuyên nghiệp như thế, những người đóng vai trò nạn nhân cả trong đời sống cá nhân lẫn trong cộng đồng.
Trong vòng một tiếng đồng hồ tiếp theo, Victor giám đốc điều hành của một ngân hàng quốc tế sẽ gặp mặt Adam, một trong những người Victor đánh giá cao thuộc bộ phận giao dịch. Ông đoán rằng Adam sẽ muốn hỏi về phó giám đốc chi nhánh mới được bổ nhiệm gần đây vì người tiền nhiệm đã nghỉ hưu. Thực tế thì Victor cho rằng Adam chưa sẵn sàng để đảm đương một trách nhiệm lớn như phó giám đốc như vậy và lo lắng liệu rằng anh ta có thể giải quyết mọi rắc rối, khó khăn êm thắm hay chăng khi nó xuất hiện.
Victor đánh giá Adam như một người có phần thiếu chững chạc và không làm chủ được cảm xúc- điều anh cần luyện tập nếu muốn làm việc, hợp tác với các đối tác sau này. Có nhiều lý do để Victor tin vào sự hoài nghi của mình. Trước nhất là việc chưa bao giờ Adam nhận trách nhiệm khi có rắc rối xảy ra. Tất cả những gì anh làm chỉ là bao biện và đổ tội cho người khác. Adam thường cố gắng tránh đi những việc lẽ ra anh phải làm trên cương vị bản thân. Tiếp sau đó là sự lươn lẹo, thù dai nhớ lâu của anh. Bất kì ai làm trái ý anh, làm anh chệch khỏi con đường đã định ra sẵn sẽ chẳng bao giờ anh quên được. Thậm chí anh còn đưa ra một danh sách dài đầy những cái tên và hồ như chưa bao giờ danh sách ấy được rút bớt.
Trong một dịp trước đó, khi Adam không được thăng chức như anh đã mong đợi, anh lao vào phòng ông để vặn hỏi xem liệu có phải một đồng nghiệp đã nói xấu anh. Ông trả lời không phải và nêu lý do anh không được thăng chức bởi lỗi lầm ngớ ngẩn gần đây nhưng anh lại chẳng thèm để tai nghe lấy. Anh chối bay việc thừa nhận rằng chính lỗi lầm của mình đã dẫn đến tình trạng trì trệ trong một thời gian khá dài.
Và đó chẳng phải là lần duy nhất Adam tự hại mình. Với thiên hướng đặt mình vào những tình huống thuận lợi để có thể dễ đạt được thành công, anh có thể trở thành kẻ thù lớn nhất của chính bản thân mình. Kì đó, Victor đã phải làm anh bình tĩnh lại bằng cách thuyết phục anh rằng vị trí kia chỉ là nhất thời mà thôi. Song Victor cảm thấy bối rối vô cùng phải làm sao để kéo Adam ra khỏi tầng lớp những nghĩ suy lươn lẹo, nham hiểm, làm sao để ngăn được Adam không tự quăng mình vào những tình huống sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Tâm trạng ủ ê, mơ màng của Adam thật sự là một rắc rối bởi lẽ nó chẳng hề phù hợp khi bạn là nhân viên của một ngân hàng quốc tế hay thậm chí là bất kì ngân hàng nào. Và anh vẫn còn nhiều thứ để học bởi cuộc tiếp xúc gần đây nhất của họ đã chứng minh điều đó. Adam gửi mail cho Victor, mời ông đi ăn trưa cùng với anh. Victor đã hồi đáp ngay, từ chối lời mời do phải vắng mặt cả tuần ở nước ngoài để giải quyết một số công chuyện cá nhân. Victor những tưởng mọi thứ sẽ lắng xuống sau đó song chẳng có gì đúng như suy nghĩ của ông. Hôm trở về, thông qua viên thư kí của mình Victor biết được lời từ chối hôm nào nay trở thành tấn kịch đầy căng thẳng. Hóa ra Adam đã đổ lỗi cho Victor vì đã không ở đó cùng với anh, thuyết phục hết thảy rằng ông chẳng quan tâm gì anh hay bất kì ai khi có vấn đề ập đến (mặc cho mọi lời phản bác có chứng minh).
Adam có thể có nhiều đức tính song điều đó chẳng khiến Victor bớt chán ngán về anh, về những màn kịch anh tự mình đạo diễn. Tại sao mọi thứ lại phải được thổi phồng đến thế? Tại sao Adam lại phải biến mình thành đối tượng cho những công kích tinh thần của chính bản thân? Ông cảm thấy bị vây hãm khi Adam mang tâm thức nạn nhân, khi anh bộc lộ quá rõ mức tiêu cực nơi tinh thần mình. Liệu rằng tình trạng xúc cảm ấy của anh có trở thành hình mẫu sai lệch và ảnh hưởng đến nhóm anh ta nói chung và những nhân viên trong nhóm ấy nói riêng không?
Thế giới vẫn còn đó rất nhiều các nạn nhân đang phải vật lộn với khó khăn, thống khổ cực cùng. Song khi ta không phủ định tác động thực tế của việc ngược đãi, não trạng nạn nhân trở thành một tâm thức hiển nhiên của cá nhân. Chúng ta có thể chủ động giải quyết những tình huống khó khăn trong cuộc sống hay điều chỉnh lại tâm thức nạn nhân của mình. Luôn luôn có đó sự lựa chọn để biến những chông gai thử thách thành điều hiển nhiên trong đời, thành một vết hằn quá khứ thử thách ta. Tuy nhiên bất cứ khi nào ta chối bỏ trách nhiệm cho cách ứng xử, hành vi của bản thân, ta sẽ luôn vào vai nạn nhân mà chẳng hề hay biết. Cảm giác bị phản bội hay thua kém người khác là những cung bậc dai dẳng, ăn mòn tâm hồn của ta. Mặc dù khía cạnh tích cực của những cảm giác này ở chỗ ta chẳng phải chịu trách nhiệm gì nhưng mặt tiêu cực mới lại là các yếu tố gây ra bao náo loạn: tức giận, sợ hãi, tội lỗi, hay hoang mang chênh vênh.
LIỆU RẰNG BẠN CÓ TÂM THỨC NẠN NHÂN NƠI MÌNH?
Phần lớn chúng ta không thoải mái khi chứng kiến người khác gặp rắc rối và muốn giúp đỡ họ. Nhưng khi tình nguyện giúp đỡ của ta không được hồi đáp hay gặp phải sự khinh bỉ, khó chịu, dù rằng ta đã nỗ lực thế nào thì điều cần thiết lúc ấy là tự lo lắng, bảo vệ, xem xét lại bản thân. Nếu bạn làm việc với vai trò là người giúp đỡ, người hướng dẫn những ai đang phải chật vật với các vấn đề cá nhân hay chuyên môn, bạn nên giữ bản thân nhạy cảm, cẩn trọng với dấu hiệu cảnh báo về tâm thức nạn nhân. Sử dụng bảng kiểm tra này để xét xem người bạn đang cố gắng giúp đỡ thuộc vào đâu trên thang đo não trạng nạn nhân. Câu trả lời bạn đưa ra cho những câu hỏi dưới đây càng chắc chắn nhường nào thì đối tượng giúp đỡ của bạn càng có xu hướng mang não trạng nạn nhân.
- Bạn có đang đối mặt với người chẳng hài lòng bất kì điều gì cả?
- Có phải mọi cuộc đối thoại đều xoay quanh và rồi kết thúc ở rắc rối của họ?
- Họ có xu hướng lật bài “hãy thông cảm, thấu hiểu cho thân phận này”?
- Họ chăm chú, dành sự tập trung cao độ vào những vấn đề mang tính tiêu cực, những vấn đề hướng nhiều về bản thân?
- Liệu lúc nào họ cũng mong chờ điều tồi tệ nhất?
- Họ bị ám ảnh bởi quan niệm thế giới này tự thân vận động, tự thân điều chỉnh để đạt tới cân bằng và rằng họ chẳng thể làm gì đổi thay những thứ đã rồi ấy?
- Tin rằng hết thảy mọi người trừ họ đều có một cuộc sống hạnh phúc, giản đơn?
- Chỉ chăm chăm soi mói những mặt thiếu sót, tiêu cực?
- Họ chẳng bao giờ cảm thấy hối tiếc, tội lỗi vì hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm?
- Nỗi niềm thống khổ của họ có lan truyền, tác động đến người khác?
- Dường như họ bị lôi cuốn, đắm chìm mình thế hỗn mang, tiêu cực, đầy những tấn bi kịch?
- Đổ tội cho người khác có khiến não bộ của họ hoạt động nhanh lẹ, hiệu quả hơn chăng?
- Họ có hay không xu hướng nhờ người khác lánh cả phần trách nhiệm, nhiệm vụ của mình?
- Họ rất giỏi trong việc tìm ra, tạo ra người cứu giúp và kẻ rắc gieo độc ác?
VÀO VAI MỘT NẠN NHÂN THÚ VỊ RA SAO?
Với não trạng nạn nhân, “nạn nhân” được lợi như thế nào? Đâu là mặt tích cực khi vào vai một nạn nhân? Và vì đâu mà mặc cho việc tự chuốc vào thân mỏi mệt những người này vẫn tiếp tục đeo lên bộ mặt này?
Để trả lời được những câu hỏi này, chúng ta cần phải có cái nhìn rộng hơn, xa hơn điều hiển hiện trước mắt, phải thấy được rừng chứ không chỉ dừng lại ở cây. Đồng xu nào cũng có mặt phải mặt trái, vấn đề nào cũng có lấy điểm tích cực nếu ta biết khai thác, tận dụng. Để hiểu được tường tận vấn đề, ta phải cân nhắc đến mọi khía cạnh tích cực khi cá nhân quyết định vào vai nạn nhân. Tạm bỏ qua những điểm tiêu cực của nỗi niềm thống khổ, luôn có đó những lợi ích gắn liền với vai trò nạn nhân.
- Mối lợi thứ cấp (Secondary gain)
Trong giai đoạn nạn nhân, mối lợi thứ cấp luôn tồn tại như một câu hỏi, một nghi vấn rất quen thuộc với bất kì ai là người giúp đỡ, người hướng dẫn. Mối lợi thứ cấp là những lợi thế bên lề mà nạn nhân vô tình có được thông qua những lời kể thống khổ của mình dù rằng bản thân họ không nhận thức được chúng (Freud, 1926 và 1959; Fenichel, 1945, Leahy, 2001). Mối lợi thứ cấp trong trường hợp này được hiểu như lợi thế cá nhân nhận được nhờ vào thất bại khi giải quyết vấn đề vừa nảy sinh. Chúng nảy sinh khi khó khăn mà cá nhân phải đối mặt vẫn tồn tại đó, gắn liền với những tác động mạnh mẽ đến từ mục tiêu, động lực xúc cảm, thù lao, điều kiện tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, và rất nhiều yếu tố thúc đẩy khác. Đôi lúc họ vẫn nhận thức được lờ mờ nguồn cơn của các mối lợi thứ cấp, song đa phần họ chẳng ý thức được quá trình tâm lý làm nảy sinh mối lợi đang diễn ra trong tâm trí của họ.
Người mang não trạng nạn nhân thường lấy những mối lợi thứ cấp để xác định con đường, đạt được mục tiêu cho bản thân nhưng thường thì điều họ chọn lựa để làm chẳng hề được suy tính, suy xét trước sau cẩn thận. Thế nhưng khách quan mà nói, mối lợi thứ cấp chẳng thể giải quyết vấn đề, nâng tầm hay làm cuộc sống này dễ chịu thoải mái hơn, có thể điều này ngược lại hoàn toàn nếu xét theo góc nhìn chủ quan song đó cũng chỉ nhờ lợi ích trước đó được tích lũy dần đến thời điểm hiện tại. Đây được coi như một cơ chế quan trọng trong việc giải thích, đánh giá vì đâu mà nhiều người mắc chứng rối loạn chức năng hành vi, vì đâu họ khăng khăng ủ mình trong thống khổ mà chẳng thèm vùng vẫy hướng đến sự giải thoát. Một số người khác lại lấy làm thỏa mãn từ những rối loạn cảm xúc trong mình.
Nhưng đa phần nạn nhân không tự nhận thức được mối lợi thứ cấp. Họ không chủ đích thao túng hay ngụy tạo vấn đề mình đối mặ, vì lẽ những gì trải qua thực chất với cá nhân họ đầy rẫy xót xa, đau đớn để rồi với cơ chế phòng vệ họ không nhận ra lý do tại sao lại làm vậy. Sự kiểm soát của vô thức mạnh mẽ vô cùng, thậm chí nó còn ngăn cản, gây khó khăn cho người đó trong quá trình quan sát, tự thức rằng thay đổi đáng giá hơn nhiều so với việc giữ khư khư thách thức bản thân đang đối mặt.
Mối lợi thứ cấp có thể coi như yếu tố thiết yếu lâu dài trong giai đoạn “nạn nhân”. Không may khi hiện tại nó vẫn bị hiểu nhầm, lẫn lộn với sự giả vờ, ngụy trang. Bởi lẽ trong tâm lý học nền tảng ban đầu, có một quy tắc nhỏ ngầm hiểu với nhau rằng khi một người lặp đi lặp lại một hành vi riêng biệt nào đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng họ luôn nhận được một cái gì đó, một điều gì đó về sau.
- Những lợi ích có được
Vào vai nạn nhân có thể làm thỏa mãn những nhu cầu vô thức. Cách thức “đáng thương quá tôi ơi” của họ sẽ dấy lên niềm thương cảm và sẵn sàng giúp đỡ không chút chần chừ nơi người khác. Không thể làm ngơ rằng được để ý, được đánh giá cao là khát khao tự thân của mỗi cá nhân thế nên sẽ vô cùng dễ chịu khi được người khác quan tâm, chú ý, khi sự dựa dẫm đòi hỏi được làm ngơ, xem như điều hiển nhiên, cần thiết. Làm nạn nhân là cách thức lảng tránh hữu hiệu những vấn đề khó khăn, mông lung trong cuộc sống. Khi ấy chúng ta có thể ở yên một chỗ mà chẳng cần phải lo lắng sẽ chịu trách nhiệm ra sao cho hành động, vai trò của mình. Khi ấy chúng ta có thể lấy vai trò này làm lá chắn cho mình đồng thời có thể buộc người khác phải giải quyết hậu họa lẽ ra thuộc về bản thân ta. Nói cách khác, những thứ mà vai trò nạn nhân mang lại đánh vào góc khuất của con người, rất khó để có thể cưỡng lại bởi lẽ đổ tội cho người khác, né tránh những khó khăn quả thực tác động mạnh vào nhu cầu, khát khao lẩn khuất trong mỗi cá nhân. Đừng bao giờ đánh giá thấp cái cảm giác nhẹ nhõm, thảnh thơi đi cùng với việc đặt khó khăn, thống khổ của bản thân lên vai người khác, điều khác. Trong thực tế thì đây thường là phương án cuối cùng với rất ít ngụy họa, ít sự mạo hiểm và chúng ta lại không nhất thiết phải đợi thời cơ, nắm bắt cơ hội nào ngoài việc nhẹ nhàng vào vai.
Liên tục khẳng định nỗi thống khổ của bản thân tạo nên vỏ bọc hiệu quả cho xu hướng gây hấn tiềm tàng. Trò đổ tội mang trong mình cả sự bất lực lẫn sự tự vệ, nói cách khác là cả sự thụ động cũng như chủ động ở những người mang não trạng nạn nhân. Bởi lẽ thế giới này được coi như là địa ngục trần gian với bao sự tình khốn nạn, người mang não trạng nạn nhân thường đẩy lùi, giải thoát mình khỏi hoàn cảnh bằng cách thức như vậy có chăng là để bảo vệ họ khỏi sự tức giận, việc đổ lỗi không thể không tránh được đến từ người khác.
Còn có vô vàn các lợi thế khác khi thả mình xuôi dòng trên đại dương thống khổ. Thống khổ, đớn đau luôn hiện hữu cùng với sự đồng hành. Điều đó cũng có nghĩa là những người mang nỗi niềm thường sẽ tìm thấy sự đồng cảm với những ai giống họ. Những người mang não trạng nạn nhân thu hút người khác rất nhiều. Cảm giác cá nhân chẳng hề cô độc tạo nên chút gì đó của sự hỗ trợ, đồng lòng, thấu cảm nhau. Dường như ai trong chúng ta cũng nuôi dưỡng, nhâm nhi lấy mùi vị, hương thơm, tiếng lòng nơi nỗi niềm đau khổ của cá nhân có chăng cũng để chờ lấy vị cứu tinh nào đó giải thoát mình khỏi chính bản thân mình, dẫu rằng sự giải thoát này chỉ là tạm thời cho đến khi vòng xoay nạn nhân-kẻ gieo rắc đau khổ- người cứu giúp lại lặp lại lần nữa.
Thế nên ta có thể nhìn nhận được rằng vào vai nạn nhân có thể làm tổng hòa của sự sao chép chiến thuật, hình thức đọa đày, và cả nỗ lực tìm kiếm phương tiện, cách thức thực hiện. Điều hiển nhiên là vẫn còn những giới hạn mà một người có thể chịu đựng và giúp đỡ “nạn nhân” của mình bởi lẽ lời than thở liên tục khiến kẻ đối diện cũng mệt mỏi, thở than không kém. Cuối cùng thì nạn nhân cũng sẽ bị thua thiệt nếu tình hình chẳng đổi thay, trở nên khá khẩm hơn dù rằng cách thức giải quyết vẫn còn đó, vẫn có thể mang lại hiệu quả; còn không thì kẻ giúp đỡ cứu tinh kia rồi sẽ rơi vào sự kiểm soát của nạn nhân.
NÃO TRẠNG NẠN NHÂN KHỞI NGUỒN TỪ ĐÂU?
Sự phát triển nhân cách có thể đa dạng như giọt nước nơi đại dương, như cát trên bờ biển. Dù rằng chúng ta đều là con người, dù rằng chúng ta đều mang những trải nghiệm độc nhất, luôn có đó những mảng phân tranh trong sự phát triển cá nhân mà phần lớn mang màu sắc gần tựa nhau. Sự phát triển nhân cách cá nhân là kết quả bộc lộ ra bên ngoài của bản chất tự nhiên lẫn môi trường giáo dục. Dựa vào nền tảng của sơ đồ gen ta có thể nói rằng nhân cách của ta thành hình qua rất nhiều quá trình phát triển. Phần lớn yếu tố tạo nên não trạng nạn nhân có nguồn gốc từ phía gia đình. Vai diễn nạn nhân tuy thế lại chẳng hề mang chút gì của tư chất mà thật ra được dạy dỗ trước đó (Hawker và Boulton, 2000; Mullings, Marquart và Hartley, 2004; Harris, 2009). Nếu xui rủi xảy ra trong quá trình trưởng thành lớn khôn, những người ấy thường có thái độ, cách nhìn bi quan về nhân thế, về cuộc sống này.
Tùy thuộc vào cảm nhận về vai diễn nạn nhân mà phụ huynh có thể hoặc mang lại cho con cái một môi trường phát triển thân thiện, nhiều động lực thúc đẩy, hoặc tạo ra những tình cảnh ngược ngạo, những tình huống để lại ấn tượng xấu trong tiềm thức. Bên cạnh đó họ có thể mang lại những yếu tố tích cực cho cả một thế hệ, những yếu tố mà mối lợi thứ cấp chiếm ưu thế hơn cả. Đối với những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh ngược ngạo, chịu đựng là cách thức đòi hỏi sự quan tâm cũng như lảng tránh sự hững hờ, lời phê bình đay nghiến đến từ cha mẹ. Điều này tạo nên nhiều nghịch lý trong mối quan hệ mà ở đó đời sống dường như được cải thiện khi gặp xui rủi, rắc rối. Khi ấy các bậc phụ huynh trở nên hòa thuận hơn mỗi khi con mình trải qua những cung bậc cảm xúc tồi tệ. Một khi vấn đề của con trẻ được mọi người sẻ chia, đứa trẻ sẽ nhẹ nhõm hơn ngược lại hẳn với những trẻ phải chịu đựng không khí gia đình lạnh nhạt, hằn học.
Đáng tiếc thay, những gia đình có bầu không khí như vậy lại mang rối loạn chức năng trong mối quan hệ của mình. Cha mẹ trong những gia đình này không hề nhận thức được sự tiêu cực mà họ mang lại cho con cái mình cũng như trước kia cha mẹ họ chẳng hề quan tâm đến. Nhưng một quá khứ xám xịt không là lời bào chữa, ngụy xảo được cho quá trình dưỡng dục bàng quan, vô tâm vô ý. Sự tăng tiến, kéo dài liên tục của rối loạn phát triển (dysfunctional developmental cycle) chẳng phải tự nhiên mà có và rằng đã là mẹ cha thì cần phải ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình. Chúng ta không thể làm ngơ những nhu cầu căn bản của con cái mình. Chúng ta đợi chờ từ phía những con người trưởng thành sẽ đứng lên, chống lại sự ngược đãi và góp phần tạo nên sự phát triển hoàn toàn khác cho trẻ nhỏ.
Điều khiến cho vấn đề vừa được bàn tới trở nên cấp thiết, quan trọng ở chỗ những người mang não trạng nạn nhân, trong cuộc sống của mình, đã và đang chịu sự ngược đãi về thể chất, tinh thần, lẫn tình dục. Song trẻ em lại chưa đủ khả năng nhận thức, khả năng thấu hết xúc cảm để nhận ra những ngược đãi này, chưa bàn đến việc chúng có thể thoát khỏi hay không. Chúng bị buộc vào thế tiến thoái lưỡng nạn để rồi có thể cuối cùng coi những rối loạn phát triển kia là điều hiển nhiên chẳng hạn như hành vi bảo vệ bản thân quá mức, vượt ngoài tầm kiểm soát. Hoàn cảnh, quá khứ gia đình nay lại trở thành động lực, thành tác nhân khiến chúng tìm kiếm những tình huống ủ men và gặm nhấm nỗi đau khổ, chịu đựng. Cuối cùng họ tự nhủ với bản thân, đem thông báo đến tất thảy mọi người, “Thấy tôi khổ sở đến nhường nào chưa? Yêu tôi nhé, thương tôi nhé!”. Đây thực chất là nỗi ám ảnh, nỗi sợ sẽ bị bỏ rơi.
Những người mang não trạng nạn nhân chỉ cảm thấy được tình yêu khi họ rơi vào trong sự khổ sở. Thậm chí khi đau đớn không hiện hữu một thời gian, khi không còn nữa những ràng buộc kiểm soát, họ có thể cảm thấy chênh vênh, thiếu thốn, kém an toàn. Chính quá khứ, hoàn cảnh đã khiến họ lao mình vào loại người đày đọa kẻ khác chỉ vì đó là hình thức yêu thương họ biết rõ. Họ dành cả cuộc đời mình, từ hiện tại đến tương lai, để tìm kiếm những trải nghiệm quá khứ đã qua.
Dẫu cho trải nghiệm có được làm mới, được nghiệm ra nhiều khía cạnh khác nhau thế nào đi chăng nữa, tủi nhục luôn nổi going nổi bão trong lòng đứa trẻ bị ngược đãi. Bởi lẽ chúng bất lực, chưa đủ khả năng, tinh thần chưa đủ vững để có thể đứng lên và phản lại sự đày ải mình đang chịu đựng hay có thể cầu cứu giúp đỡ từ người khác. Trải qua năm tháng, chúng cố nhiên mặc định thế giới này đầy rẫy bất công, cố nhiên tự mình vực dậy bảo vệ bản thân để có thể chung sống, tồn tại được. Con người mang một cách thức phản ứng đầy lý trí ở chỗ lặp lại nguyên y những gì kẻ khác làm với mình. Dù rằng để ngâm ủ những chát chúa, xót xa với con người chẳng dễ dàng gì, dư vị còn lại của đau thương mới chính là yếu tố dấy lên sự căm ghét, làm hoang tàn cảm thông để rồi chỉ độc khát khao đáp trả. Trải nghiệm cảm xúc sai lạc ấy cũng dẫn đến vấn đề trong khả năng kiểm soát, kìm nén cơn giận. Nhưng cốt lõi ở chỗ sự trả thù kia chẳng qua chỉ để tìm kiếm, đạt được công bằng, sự công nhận từ phía mẹ cha. Xét về khía cạnh bạo lực, nếu hành vi gây hấn đối với họ là bình thường thì khi vào vai kẻ gieo rắc đớn đau thống khổ, cách thức họ phản ứng cũng tương tự, chẳng khác là bao.
Rất nhiều trẻ nhỏ trong thực tế đã ẩn đi sự căm hận với cha mẹ mình khiến cho chúng vô thức giữ lấy nơi mình những rối loạn chức năng kia như một cách để thu hút sự chú ý, để đọa đày chính bản thân mình. Rối loạn chức năng là cách thức họ chuyện trò cùng cha mẹ, để cha mẹ thấy được họ đã phá hỏng đời mình như thế nào; là cách thức tự hoại bản thân nhằm giải quyết vấn đề trước mắt, cách thức mà ngay cả họ cũng không tự ý thức được. Khát khao trả thù trong vô thức là yếu tố tác động, kiểm soát mọi hành vi. Điều này càng rõ ràng hơn cả thông qua việc trong khi họ chối bay chối biến họ hoang mang, không ổn định đến độ nào, họ đang cố tình không để bản thân hiểu được nối cay đắng mình tạo dựng phóng đại nên về cuộc sống, hay nỗi niềm mà mình chủ động muốn quên đi.
Những đứa trẻ thấy mình trong hoàn cảnh như vậy sẽ luôn tự vấn rằng vì đâu điều ấy lại chỉ xảy ra với mình mà thôi. Khi chúng hiểu được rằng đổ lỗi cho thế giới, xã hội này chẳng mang lại chút gì khả quan, thay đổi, chúng sẽ quay ngoắt lại và đay nghiến bản thân không đủ tốt. Cật vấn, đổ lỗi, trừng phạt chính mình là cách thức mang lại hiệu quả ngay lập tức, dễ dàng kiểm soát lại tạo được cảm giác thỏa mãn bản thân. Chưa nói đến việc chúng có chủ động làm những điều như thế hay không, thường thì trẻ con không thể thấy rằng những nỗi đau kia bắt nguồn từ chính chúng dù chúng hi vọng rằng sẽ làm tổn thương người khác được. Song, bằng cách đày đọa, đay nghiến bản thân như thế nào đi chăng nữa thì cảm giác sai lạc, không vừa lòng với bản thân vẫn quẩn quanh, bị đẩy lùi vào phần vô thức bên trong và liên tục tác động đến hành xử bên ngoài. Kết quả là những người tạo dựng cho chính mình bộ lọc tình huống, lọc lấy cuộc sống đáng mong chờ chỉ ngày càng khiến mình tin vào sự bất lực của bản thân (Seligman, 1975; Abraham, Seligman và Teasdale, 1978). Cảm giác vô thức kia, mặc cho con người có chối bỏ bao nhiêu, vẫn liên tục đổ màu vào các mối quan hệ cá nhân của họ.
Và rồi một đứa trẻ bị ngược đãi sẽ lớn lên thành một kẻ cay nghiệt dưới tác động của bất công trong thế giới này. Bất lực như thế, họ rồi sẽ tìm được sự dễ dàng, tìm được ý nghĩa của hành vi tự hoại vô thức; rồi sẽ lại khẳng định “Nhìn đi, cuộc đời này vốn dĩ làm gì có công bằng trong nó.” Có thể thấy rằng, đây là cách thức tự hoại dưới dạng sao chép: khi chỉ ra những góc khuất của cuộc đời, họ cũng đồng thời dự báo, tuyên án chính mình.
Những người mang xu hướng tự hoại là bậc thầy trong việc khơi nên thất bại, nhục nhã, sự trừng phạt mà họ cảm thấy họ đáng phải trải qua và phá hủy bất kì điều tốt đẹp may mắn nào xuất hiện trên con đường của họ. Điều duy nhất có nghĩa với họ là cảm giác phải thỏa mãn được bản thân mình.
Nỗi đau khổ thường thúc giục sự độ lượng, thương cảm mãnh liệt từ phía đối diện để rồi khao khát giúp đỡ, khao khát đồng hành chia sẻ trỗi dậy. Những người mang não trạng nạn nhân có xu hướng bi kịch hóa, phóng đại rắc rối, run rủi của mình, làm cho lời cầu cứu van xin giúp đỡ từ phía họ càng trở nên khẩn thiết, cấp bách hơn. Tuy vậy thỏa mãn lời van xin ấy chẳng phải là thuốc chữa hay con đường giải thoát khỏi thống khổ. Có thể thấy rằng, chính sự thương cảm của kẻ khác dành cho họ lại là nguyên do khiến cho họ mãi lặn ngụp, quẩn quanh trong tâm thức nạn nhân nơi mình. Tệ hơn, như đã đề cập trước đó, điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc tự dự báo, tuyên án chính mình bởi người có não trạng nạn nhân sẽ bắt đầu hủy hoại đi hạnh phúc, thành công gầy dựng của bản thân để làm sao cho mọi điều xấu chỉ quay quanh chính họ. Và rồi những kẻ giúp đỡ phải tự nghi hoặc vì sao phải cố gắng giúp đỡ họ làm gì. Cơ chế tự hoại này trở thành một phản ứng phòng vệ gắn liền với việc thỏa mãn nhu cầu vô thức bằng cách cáo buộc gánh nặng lên vai người khác để người khác nhận ra mình đã làm gì không phải với họ. Đây là cách trả thù tinh tế, khéo léo những ai đã gây ra tổn hại. Dù được thể hiện ở phương diện hình thức nào sự gây hấn quá mức hay im lặng tự hoại bản thân, trả thù mới là điểm cốt lõi của những cách thức, quá trình này, sự trả thù ám đầy những mong đợi đen tối, hiểm độc được phủ lên kẻ khác sự khốn khổ mà mình đã phải chịu đựng. Sau đây là một ví dụ minh họa cho điều này.
Ngày còn nhỏ, Peter luôn vướng vào không vấn đề này cũng đến vấn đề khác. Điều đó dường như trở nên hiển nhiên, khó có thể tránh khỏi và là điềm báo tương lai chẳng mấy xán lạn. Mẹ anh phải đối mặt với thời kì khó khăn, đấu tranh để giữ được người đàn ông của đời mình còn cha anh, một gã nát rượu, vũ phu đã bỏ bà sang thành phố khác sinh sống và kết hôn lần nữa. Peter cùng người anh của mình, người đã cùng anh chịu đựng sự hành hạ ngược đãi của ông bố vũ phu, ngoài mừng vui nhẹ gánh họ chẳng tiếc rẻ, đoái hoài gì đến sự ra đi, biến mất ấy.
Mẹ Peter nổi tiếng là một nữ hoàng diễn xuất, luôn thổi tung mọi thứ bất cứ khi nào bà có cơ hội. Hỗn loạn cùng bi kịch theo sau bà mọi nơi và giả như rắc rối, thống khổ thiếu mất, bà biết chính xác làm thế nào để gieo rắc nên. Thường thì bà chính là đạo diễn kiêm biên kịch cho chính những vở diễn, vai diễn của mình. Đa số những người cố gắng giúp đỡ bà thường bỏ cuộc đầu hàng trong mỏi mệt. Thế nên chẳng lạ gì khi bà luôn gặp khó khăn để giữ được một công việc nào đó và vì đó mà kinh tế của gia đình ngày Peter còn nhỏ bấp bênh khôn cùng.
Đàn ông đến rồi đi qua cuộc đời bà, để lại cho Peter cùng người anh của mình một người anh, một người chị cùng mẹ khác cha. Nhìn lại phần đời đã qua này, Peter tự thừa nhận trong tiềm thức rằng thật chẳng dễ dàng gì để có thể trưởng thành trong căn nhà ấy, dưới sự nuôi dưỡng của mẹ mình. Dẫu vậy một số người bạn của anh đã nhận xét rằng anh không hay anh giống bà ấy đến nhường nào.
Ngay từ những ngày đầu, Peter đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong trường học. Anh mắc chứng khó đọc, khả năng tập trung kém và thường xuyên bị xao nhãng thế nên anh thường xuyên bỏ học với lý do không khỏe trong người. Sự tin tưởng tuyệt đối và có phần ngớ ngẩn của mẹ anh lại là điều kiện thuận lợi để anh trốn học, đó là chưa kể lắm lúc cả hai cùng bao che lẫn cho nhau. Giúp Peter tìm ra lời biện chữa, thông báo về sự vắng mặt nơi trường lớp mang bà trở lại cảm thức về giai đoạn nạn nhân. Bất cứ khi nào Peter vướng vào rắc rối, bà luôn làm mọi điều bà cho là cần thiết để có thể giúp đỡ, giải thoát cho anh. Mặc dù bà có thể nghiêm khắc phê bình hay chỉ trích, cuối cùng bà cũng cứu anh ra khỏi mớ bòng bong. Nhưng chính việc tước đoạt Peter khỏi phải chịu đựng những hậu quả hiển nhiên đến từ lựa chọn của chính anh, mẹ anh đã tước đoạt anh khỏi rất nhiều cơ hội để anh có thể học được sai lầm trong quá khứ.
Cách thức đối diện đầy rối loạn, biến động với cuộc đời của Peter khiến anh ngày càng bị phụ thuộc vào người khác. Sự giúp đỡ đầy nhã ý của mẹ tuy thế đã từng bước gửi tới tước khỏi anh khả năng kiểm soát, tạo cho anh một tâm thức, não trạng nạn nhân. Thời gian trôi qua, mọi thứ lại càng trở nên tồi tệ. Khi đang ở trong độ tuổi thanh thiếu niên, Peter tìm đến chất gây nghiện và dần dần kết quả trường học của anh càng tụt dốc không phanh. Ngoại trừ môn toán, môn học mà anh yêu thích nhất, Peter không hề tìm ra được ý nghĩa của trường học hay của việc đi đến trường nhưng ít ra anh tìm được niềm tin, ý nghĩa từ toán học. Với sự giúp đỡ từ giáo viên có tâm của mình, anh đã cố gắng vực được bản thân tốt nghiệp ra trường và đậu vào một cao đẳng địa phương.
Trong suốt quãng thời gian ở trường cao đẳng, Peter tìm đến phụ nữ. Ban đầu, anh kiếm tìm những cô gái cùng tình yêu có thể bỏ rơi, làm tổn thương anh để rồi cuối cùng anh dừng chân với người con gái lo lắng quan tâm cho anh hết mình. Có thể thấy được rằng tất cả đều bắt nguồn từ những rối loạn, những vấn đề gia đình và như chính cha mẹ của anh, mối quan hệ của Peter với người con gái này dần trở nên khó khăn, đầy xích mích, là định hình tiêu biểu cho bộ ba nạn nhân- người gieo rắc khổ đau- người cứu giúp. Nhìn lại thời kì này, Peter hiểu rằng cả hai đều đang vô thức lặp lại những bi kịch tuổi thơ bằng cách làm tổn thương người đối diện qua niềm tin, chỉ trích cá nhân mình. Anh sẽ đổ tội cho cô ấy và cô ấy đổ tội cho anh, tất cả chỉ nhằm giúp cho đôi bên thoát khỏi mớ hỗn độn mà bản thân đang vùng vẫy thoát ra. Đấu đá, tranh cãi dường như là cách thức gắn kết họ lại, là cách thức lạ lùng cho một mối quan hệ yêu đương để rồi Peter nhận ra anh có xu hướng chối từ những ai đối xử tốt với mình, khiến cho mọi giúp đỡ từng có trở nên vô ích.
Trưởng thành cùng tâm thức não trạng nạn nhân, ngày qua ngày Peter nhận ra bản thân càng trở nên nóng nảy. Ở nhà anh bộc lộ sự giận dữ mang màu sắc tự hoại bản thân cho con trẻ. Thậm chí anh còn làm điều này ở chỗ làm việc. Ví dụ như khi anh được đề cử để đảm nhận một vị trí cao hơn trong công ty, anh trở nên lo lắng cùng cực và chính năng suất giảm của anh đã thu hút sự chú ý tất cả mọi người. Dường như anh tôi luyện được cho bản thân mình tài năng khiến cho bản thân trở đi khiếm khuyết và tạo ra vô vàn chướng ngại cho màn thể hiện được diễn ra tốt đẹp. Khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát, ấy là do lỗi của người khác chứ không phải anh. Và khoảnh khắc anh mất việc, vợ anh đâm đơn li dị, Peter nhận ra cần phải có gì đó thay đổi. Mọi thứ không thể cứ tiếp diễn như thế này.
Với hoàn cảnh gia đình, Peter lớn lên trong dự đoán, trong nỗi ám ảnh rằng anh sẽ hóa thành nạn nhân, bị ngược đãi, đối xử không hề thương tiếc. Để hoàn thành những “kì vọng” ấy, một lần nữa anh bọc mình lại trong những rối loạn và cảm giác bất lực, không giúp gì được mà anh từng trải nghiệm trong quá khứ. Đây là điều anh biết, điều khiến anh cho rằng một mối quan hệ nên như thế. Tức là nên nhận biết, ám ảnh thất vọng tương lai, hủy hoại mọi thứ khi chúng đang trên đà tốt đẹp. Tức là nên khuyến khích người khác hãy lợi dụng, hãy khai thác anh đi. Đồng thời anh vô hiệu mọi sự cứu giúp đang tìm đến bản thân mình. Như khi được thăng chức, Peter không ngừng ngược đãi bản thân, chỉ đến khi anh bị đuổi việc và nhận lấy một vị trí khác thấp hơn nhiều, anh mới cảm thấy yên lòng, thỏa mãn.
Nạn nhân của bạo hành gia đình thời thơ ấu có thể sẽ trở thành kẻ gây đau khổ, nạn nhân hoặc cả hai. Nỗi đau cùng sự giận dữ bắt nguồn từ bạo hành, bội phản sẽ chuyển hướng, ẩn sâu vào trong tâm khảm sau đó tự hủy hoại bản thân mình hoặc cũng có thể hướng ra bên ngoài, biểu lộ theo cách gây hấn thụ động với mọi người. Đổ lỗi cho hết thảy từ con người đến hoàn cảnh cho những khó khăn của mình là cách thức quen thuộc, thông thường nhất. Thêm vào đó, nạn nhân thường bị thu hút bởi những ai có xu hướng bị cuốn vào các mối quan hệ hành hạ, ngược đãi nhau. Luôn có ở đó sự bất lực do học hỏi được trong hành vi của họ. Hồ sơ tâm lý của việc hành hạ nạn nhân bao gồm cả cảm thức thụ động vô cùng phổ biến, mất kiểm soát, suy nghĩ tiêu cực, không thấu đáo cẩn thận cũng như cảm giác tội lỗi, xấu hổ, trầm uất. Tất cả những điều này đều có thể dẫn đến sự bất lực và tuyệt vọng khôn cùng.
Câu chuyện của Peter cho thấy rằng người mang não trạng nạn nhân có thể đóng góp một phần mắt xích trong việc truyền lại chứng rối loạn này từ đời này sang đời khác. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn áp dụng với con em mình nhiều hình thức dạy dỗ đã được dùng lên họ khi xưa.
SỐNG THEO HOẠCH ĐỊNH
Liệu rằng người mang não trạng nạn nhân có thể thoát khỏi quá trình tự hủy hoại bản thân mình hay chăng? Làm thế nào để có thể giúp họ thay đổi tâm thức chính mình? Có cách nào ngăn họ không hủy hoại chính mình không? Liệu rằng họ có thể sống theo hoạch định, kế hoạch? Người thích vào vai nạn nhân phải thử thách niềm tin lâu dài của họ, phải học cách nhận lấy trách nhiệm về mình, và chăm sóc bản thân hơn thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nơi nào vô định.
Khi giúp đỡ người mang triệu chứng nạn nhân có thể sống một cuộc sống do chính họ hoạch định, điều cần thiết là đặt câu hỏi liệu rằng họ nhận được lợi lộc gì khi cứ ôm khư khư vào mình những vấn đề không thể giải quyết. Họ có mất gì không giả như họ giải quyết chúng? Điều này có thể khiến họ thất thần phần nào bởi câu hỏi lạ lùng như thế, song khi cố gắng trả lời chúng họ sẽ nhận ra được sự chịu đựng nay đã biến thành một phần quan trọng trong cách họ tương tác. Giả như họ từ bỏ việc xây dựng mối quan hệ theo cách ấy, cuộc đời họ có đổi khác gì hay không?
Nhận thức được những mối lợi thứ cấp gắn liền với tình trạng hiện tại của một người là bước đầu tiên trên con đường nhận thức, phát triển bản thân. Người mang não trạng nạn nhân cần biết được chính họ là kẻ gây ra nỗi thống khổ của mình. Hiếm khi nào họ ý thức được thứ họ gầy dựng nên tác động rộng đến độ nào. Đã bao giờ họ dừng lại để nghĩ tại sao họ tự khoác lên mình vai diễn nạn nhân, tại sao lại phải tìm kiếm kẻ rắc gieo đau khổ hay mời mọc sự ngược đãi tới bản thân mình? Rất thường xuyên khi họ đã nhận ra được những mối lợi thứ cấp từ những câu hỏi ấy, nó mất đi giá trị ban đầu.
Giúp đỡ người khác vượt quá não trạng nạn nhân đòi hỏi sự phân tích kỹ lượng về bản chất cũng như chất lượng những mối quan hệ cá nhân của họ (Ochberg và Willis, 1991). Một khi nạn nhân đã có thể hiểu được và nhận thức được rõ ràng cơ chế của mối lợi thứ cấp khi chúng hoạt động, sẽ dễ dàng hơn cho họ rất nhiều để nhận ra rằng những cơ chế vô thức kia chính là yếu tố cốt lỗi cho vấn đề, rắc rối của họ. Nhìn nhận rõ ràng, đào sâu chi tiết giúp họ hiểu rằng chính mối lợi thứ cấp là tất cả những gì nương kéo, tạo điều kiện cho sự phòng vệ, sự thất bại cá nhân. Đây là bước đầu trên con đường nhìn nhận, thấu hiểu, học hỏi các cách thức sao chép và tìm kiếm cách riêng, hơn là trầm mình mãi trong vòng xoáy tự diệt chính mình.
Tuy nhiên cách giúp đỡ người mang não trạng nạn nhân tốt nhất là tạo lập nên cách nhìn nhận cuộc đời, lý tưởng sống tích cực, lạc quan khỏe khoắn. Họ cần trở nên thấu suốt hình ảnh nạn nhân nơi bản thân mình và biến đổi nó thành một điều gì khác, một vai khác có tính xây dựng hơn. Sự chuyển biến này cần lấy trước hết sự thay đổi trong nhận thức-tình cảm của cá nhân, cách nghĩ mới về bản thân họ. Họ cần đào sâu để tìm thấy một cái tôi mới mẻ nơi mình bởi cá tính dựng xây trên nền tảng của sự bất lực giờ đây chẳng còn được chấp nhận nữa. Họ cần cảm thấy hài lòng về bản thân mình trước nhất. Tuy vậy, điều hiển nhiên là để hình thành một cái tôi, một thái độ khác biệt tốn chẳng ít thời gian, công sức.
Người mang não trạng nạn nhân cũng cần phải học được cách dừng khiến cho kẻ khác khiến mình thêm khổ sở. Họ nên nhận ra rằng chính sự gây hấn thụ động, hành vi kiểm soát của họ thường gây nên những phản ứng thù địch trong người khác ra sao. Thay cho những hành vi sẽ tạo điều kiện để não trạng nạn nhân ngày càng phát triển, họ cần chú ý tìm cho mình nhiều phương thức giao tiếp khác nhau mà ở đó vẫn có khoảng không cần thiết cho cá nhân. Họ cần phải hiểu được rằng các mối quan hệ không nhất thiết, không cần xây dựng trên nền tảng của vai diễn nạn nhân.
Đối với người đang cố gắng giúp đỡ các cá nhân mang não trạng nạn nhân, điều cần chú ý là phải phân biệt rõ đâu là giúp đỡ, đâu là cưu mang cứu giúp. Với sự cứu giúp, sẽ chẳng có bất cứ một kế hoạch, tiến triển nào và nạn nhân vẫn loay hoay trong tình trạng phụ thuộc, dựa dẫm vào yếu tố bên ngoài như cũ. Sự cứu giúp tạo điều kiện để nạn nhân giao phó tất thảy sự kiểm soát, trách nhiệm của mình cho người khác dù rằng ngay từ đầu họ đã biến cuộc sống của mình theo ước vọng nào xa xôi, lạ lẫm bên ngoài. Vả chăng cũng chẳng có gì khó hiểu vì đâu họ lại làm như thế. Chẳng hạn như Peter lộ ra những khuyết điểm tinh thần như không tin, không cảm, chẳng hề quan tâm điều gì là ý nghĩa, để rồi anh ấy nghi ngờ cả năng lực của chính mình. Anh mắc kẹt trong vòng xoáy không lối thoát của sự bất lực, sự vô vọng bắt nguồn từ bản thân. Để rồi ta có thể thấy được rằng nếu một người bị ám ảnh bởi những điều như vậy, sẽ rất khó khăn cho người ấy để có thể thật sự là chính mình, không ai khác ngoài mình thôi. Lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ bản thân, tất cả đều biến con người ta thành nạn nhân đến khi nào ta có thể thấu hiểu, nắm bắt, kiểm soát được cảm xúc nơi mình.
Trong mọi trường hợp mà sự thay đổi sẽ diễn ra, kể cả thay đổi vì lợi ích tốt đẹp hơn, tiếp thu cách nhìn khác biệt về cuộc đời về con người chưa hề dễ dàng bao giờ. Rất nhiều người chấp nhận thà tiếp tục làm nạn nhân bởi họ lường thấy quá nhiều khó khăn khi phải làm lành vết thương lòng, phải sống một cuộc sống chủ động, tích cực hơn. Nếu giai đoạn nạn nhân kia đã và đang trở thành chủ đề chủ đạo trong cuộc sống của một người thì ý chí duy trì nó không thể gạt bỏ trong ngày một ngày hai. Nó có thể dễ chịu, thoải mái hơn nhiều cho người mang não trạng nạn nhân khi họ tiếp tục được đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, không kiểm soát được bất cứ lúc nào có điều gì không diễn ra như ý. Đây là cách hữu hiệu để chuyển hóa cơn giận của họ về những thứ diễn ra trong cuộc sống và biến nó thành ký ức, thành trải nghiệm cá nhân, nhưng chính vì thế đã dẫn đến quan niệm chẳng gì có thể thay đổi, kiểm soát được số phận mình.
Để giải quyết vấn đề ấy, người mang não trạng nạn nhân cần phải thực hành các dạng thức khác nhau của việc tương tác xã hội, song sự tương tác này đòi hỏi nâng cao được ý thức cá nhân về chính trở ngại tự tạo, trở ngại họ đang phải gánh. Nếu họ không thể nhìn nhận bản thân mình khác đi, họ sẽ rơi ngày một sâu hơn vào vũng lầy của tuyệt vọng, mất niềm tin. Thay bằng sự khước từ được những lợi ích đến từ việc vào vai diễn nạn nhân như lời biện chữa cho những khi họ vô tình hay cố ý đổ lỗi cho kẻ khác là chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân mình. Có như vậy họ mới hoàn toàn làm chủ được cuộc sống cá nhân, làm chủ cuộc sống ấy cũng có nghĩa là chân thật với chính bản thân mình, hiểu rõ mình đã kiểm soát người khác ra sao, đã vào vai nạn nhân, đã sử dụng những câu chuyện thương tâm để khơi nên lòng cảm thông, thấu hiểu ở người khác như thế nào.
Họ cần nhận ra được rằng họ đã chẳng không còn bất lực như thời thơ ấu nữa. Người mang não trạng nạn nhân phải học được rằng thay vì để sự vô thức dẫn đường, quyết định thay cho mình tốt hơn hết là đưa ra lựa chọn kỹ lưỡng, cẩn thận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phá bỏ đi sự bất lực, nâng cao hơn lòng tự trọng của mình cũng như hoàn toàn thành thật với bản thân. Họ cần từ bỏ đi cách học lấy sự bất lực, đánh đổi một cuộc sống khác mà ở đó chẳng còn nữa sự lệ thuộc kẻ khác để có được bình yên an toàn (Abrahamson, Seligman và Teasdale, 1978).
Khi con người ý thức được quyền uy tự thân của mình, con người cũng bắt đầu chấp nhận chỉ có mình, không ai khác ngoài mình có thể điều khiển, thay đổi cuộc sống cá nhân này. Với lòng tự trọng cùng sự tự tin mà quyền uy tự thân mang lại, họ sẽ có được lòng dũng cảm để đối mặt với vô vàn chông gai, thử thách trên đường đời, để tự mình tìm ra được cách riêng mà vượt qua. Từ đó họ sẽ vượt thoát khỏi vai diễn nạn nhân của mình, khỏi nỗi sầu thương quỵ lụy chính mình để rồi sẽ không cần nữa tự hủy hoại mình hay đổ lỗi cho mọi người xung quanh.
Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp việc từ bỏ đi một phần quan trọng tính cách của họ. Chính những thống khổ, tổn thương là điều định hình nên con người họ một thời và rằng họ đã đóng vai diễn nạn nhân vốn dĩ quá lâu. Sự ác ý, thâm cay trong ngôn từ của họ hồ như chẳng hại được ai ngoài chính bản thân họ. Khao khát trả thù vắt kiệt sức lực con người và trong những trường hợp tồi tệ nhất nó khiến cá nhân trở thành nô lệ, nạn nhân của chính khao khát này. Nhưng tất thảy đều có thể được cân bằng khi họ có thể từ bỏ những cảm xúc mãnh liệt kia và nâng cao hơn lòng vị tha, độ lượng. Và mặc dù họ có thể thứ tha cho những tổn thương, những xúc phạm, không có nghĩa là họ có thể hòa giải được với những ai dày vò họ. Bởi lẽ hòa giải đòi hỏi người ngoài nhận thấy được những vết thương gây ra bởi đau khổ rắc gieo, đòi hỏi sự ăn năn cũng như tìm thấy được phương hướng giải quyết, sửa chữa.
Chỉ khi chân thành, thấu hiểu được cảm xúc bản thân cá nhân mới đủ khả năng để có thể vượt qua não trạng nạn nhân. Tuy vậy rất nhiều người chẳng nắm bắt được bao nhiêu những cung bậc dao động, những cảm giác cá nhân trong đời sống và phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác để có thể nhận ra được chuyển biến tinh tế nơi xúc cảm của mình. Đối với các tình trạng này, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như nhà tâm lý học, nhà phân tâm học, hay thậm chí là huấn luyện viên có thể giúp họ đối mặt với đớn đau, thương tổn bắt nguồn từ não trạng này. Trên con đường tìm kiếm phương thức, cơ hội để có thể chịu trách nhiệm toàn vẹn cho hành động của mình, họ sẽ nhận ra rằng dẫu cho họ chẳng thể nào kiểm soát được những nguy cơ xảy đến nhưng họ luôn có thể chọn lựa, kiểm soát lấy phản hồi, tương tác của bản thân. Khi đã chấp nhận được điều này, hoàn cảnh cuộc sống sẽ chẳng thể nào ràng buộc, kiềm giữ được tinh thần họ bởi họ đã tự đưa ra lựa chọn, phản ứng riêng. Có thể, chịu trách nhiệm cho cuộc sống này là công việc nặng nhọc, vất vả bao gồm cả việc đưa ra bao nhiêu quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến cả hiện tại tương lai song nếu ta luyện tập điều hòa, làm chủ, ta sẽ dần quen thuộc với cuộc sống này mà thôi. Chúng ta cũng cần phải nhắc nhở bản thân rằng chịu trách nhiệm không chỉ dừng lại với những việc ta làm mà còn với cả việc ta chẳng hề động chân tay. Bởi như tiểu thuyết gia Joan Didion từng nói: “Sẵn lòng sẻ chia trách nhiệm với cuộc sống kẻ khác là nguồn gốc để lòng tự trọng được thăng hoa.” Chịu trách nhiệm cho những trách nhiệm cá nhân là điều hiển nhiên, bắt buộc. Và rằng chúng ta chẳng thể thay đổi được hoàn cảnh, mùa màng hay thời tiết song chúng ta luôn có thể thay đổi chính bản thân này.
#TAMLYHOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét