Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] TẠI SAO MUỐN HƠN NGƯỜI LẠI LÀM BẠN ÍT HẠNH PHÚC (VÀ THÀNH CÔNG)

Một hiểu biết sâu sắc về lý do tại sao việc theo đuổi ham muốn hơn người là một “tội lỗi chết người đối với hạnh phúc”
Chúng ta liên tục bị thúc giục bởi những người xung quanh ta – từ bố mẹ và giáo viên đến những người cố vấn và các lãnh đạo – theo đuổi ham muốn hơn người. Đó là, chúng ta bị thúc đẩy trở nên giỏi hơn, hay hơn những người xung quanh trong bất kì việc gì ta làm. Sự thúc đẩy này diễn ra theo những cách tinh tế và không tinh tế lắm. Tôi nhớ có một lần khi con trai tôi về nhà sau khi tham gia một trận bóng đá. Một người họ hàng của tôi đến nhà vào lúc đó, và câu đầu tiên mà ông ẩy hỏi thằng bé là “Cháu ghi được mấy bàn?” Sau đó là câu hỏi “Có ai ghi được nhiều bàn hơn cháu không?” Rồi thì con trai tôi được khen ngợi, ôm hôn vì thằng bé là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất.
image
Nếu bạn từng được nuôi dạy theo cách đó, bạn có thể kể lại trải nghiệm được khen ngợi khi bạn “hơn người”. Bạn cũng có thể thuật lại những trải nghiệm không được khen – hoặc thậm chí bị phạt, đánh đập – nếu bạn “thua kém” người khác. Không chỉ ở trong gia đình, chúng ta tiếp xúc với những thông điệp củng cố theo đuổi ham muốn hơn người; mà chúng ta còn tiếp xúc với nó ở khắp mọi nơi. Ở trường, chúng ta thấy những học sinh “hơn người” nhận được nhiều nguồn lực hơn, và những vận động viên “hơn người” có người yêu xinh đẹp hơn. Ở công ty, chúng ta thấy những nhân viên “hơn người” có thu nhập cao hơn và bổng lộc nhiều hơn. Và trên báo chí, chúng ta thấy họ chú ý nhiều hơn đến những công ty thành công – một thứ được biết đến như “thiên kiến người sống sót.” Ở mức độ rộng hơn, nền văn hoá “người chiến thắng-có-tất cả” ngày càng trở nên phổ biến (theo nhà kinh tế học Robert Frank) nhấn mạnh thêm nữa tầm quan trọng của việc trở thành “số 1”.
Có một vài lý do chính đáng tại sao tất cả mọi người thúc đẩy chúng ta theo đuổi ham muốn hơn người. Trong quá khứ tiến hoá của chúng ta, hơn người – đó là, nhanh hơn, to hơn, mạnh hơn, đẹp hơn…- có cơ may sống sót tốt hơn. Ngay cả trong thời hiện đại, đối với nhiều người chúng ta, sự sinh tồn không bị đe doạ, thì xu hướng xếp hạng con người nhằm một mục đích hữu ích: nó giúp chúng ta xác định người nào thì phù hợp nhất trong những công việc cụ thể. (Nếu không xếp hạng con người, chúng ta sẽ không biết được liệu nên thuê một nhạc sỹ hay một thợ sửa ống nước để sửa cái toilet của chúng ta.)


Vậy nên xu hướng xếp hạng và đánh giá con người còn tồn tại.
Nhưng nó không có nghĩa rằng theo đuổi ham muốn hơn người là điều tốt. Tại sao? Vì, nó không chỉ làm giảm hạnh phúc của chúng ta mà còn làm giảm cơ hội thành công của chúng ta, đặc biệt trong những công việc trí óc. Khi bạn tập trung vào việc đứng số 1 thì bạn không thể tập trung tốt vào nhiệm vụ trước mắt, do đó thành tích của bạn trở nên tệ hơn. Ví dụ, hãy tưởng tượng, bạn đang sắp thuyết trình, và người trước bạn vừa có một bài thuyết trình đáng chú ý. Bạn càng muốn “đánh bại” người này thì bạn sẽ càng ít có khả năng tập trung vào những điều bạn muốn nói và do đó phần trình bày của bạn sẽ càng kém.
Tôi không nói rằng nhu cầu hơn người chẳng có vai trò gì trong sự thành công. Nó có thể thúc đẩy chúng ta làm việc nhanh hơn , thúc đẩy chúng ta theo đuổi mục tiêu. Ví dụ, nếu bạn biết rằng, một năm kể từ bây giờ, bạn sẽ nhận được một phần thưởng lớn nếu trở thành “nhân viên bán hàng của năm,” điều đó sẽ thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ hơn bây giờ. Nhưng trong lúc này, khi bạn đang bán hàng trên thực tế—nhu cầu hơn người (ví dụ, tự hỏi mình đang làm tốt ra sao so với người khác) sẽ không giúp được bạn; trên thực tế, nó sẽ cản trở thành công của bạn.
Ngoài việc làm giảm cơ hội đạt được thành công, theo đuổi ham muốn hơn người làm giảm hạnh phúc vì hai lý do.
Đầu tiên, nó khuyến khích xu hướng tham gia vào những so sánh xã hội. Lý do cho điều này thật đơn giản: nếu bạn theo đuổi ham muốn hơn người, bạn sẽ muốn biết bạn tốt hơn người khác như thế nào (giàu hơn, nhanh hơn, đẹp hơn…) Và cách dễ nhất để tạo được đánh giá này là bằng cách so sánh với những người khác. Và hoá ra so sánh với người khác là một trong những cách chắc chắn làm giảm hạnh phúc của bạn. Bạn có thể cảm thấy tự hào khi sự việc tiến triển tốt, nhưng khi chúng không như mong đợi (điều này sớm muộn chắc chắn xảy ra), bạn sẽ thấy bất hạnh. Có lý khi người ta nói, “trèo cao ngã đau.”


Thứ hai, theo đuổi ham muốn hơn người có thể làm bạn sống nặng về vật chất, và những người theo chủ nghĩa vật chất thì không hạnh phúc. Lý do của việc theo đuổi ham muốn hơn người làm người ta sống nặng về vật chất là vì xu hướng so sánh bản thân với người khác thúc đẩy họ sử dụng những tiêu chuẩn có thể xác định số lượng, đo lường được để so sánh. Vì dễ dàng so sánh với người khác theo những tiêu chuẩn so sánh có thể đo lường được (sự giàu có, số lượng người theo dõi twitter, thứ bậc trong các tổ chức…) hơn là những thứ khó mà đo lường như kĩ năng hoặc thái độ. Cho nên những người theo đuổi ham muốn hơn người lúc nào cũng trở thành những người sống nặng về vật chất. Và người trọng vật chất, như tôi đề cập từ trước, thì bất hạnh. Có nhiều lý do giải thích điều này, bao gồm sự thích nghi (chúng ta thích nghi với những đồ đạc vật chất nhanh hơn) và sự cô lập xã hội (mọi người không thích người nặng về vật chất).
image
Vì nhiều lý do khác nhau, theo đuổi ham muốn hơn người làm giảm hạnh phúc. Và gì nữa nào, nó còn làm giảm cơ hội thành công của chúng ta.
Vậy tại sao quá nhiều người chúng ta chạy theo ham muốn hơn người? Một lý do, như đề cập ở trên, là nó đóng một vai trò hữu ích trong việc thúc đẩy chúng ta theo đuổi mục tiêu. Lý do khác là chúng ta bị điều kiện hoá – bởi gen và bởi những thông điệp xã hội của chúng ta – đến nỗi nó trở thành bản năng thứ hai của chúng ta
Tất cả điều này dạy chúng ta điều gì? Nó cho rằng, nếu chúng ta có thể tìm được cách khác để thúc đẩy bản thân – cách khác để theo đuổi mục tiêu—chúng ta sẽ vứt bỏ được nhu cầu hơn người.
Nhưng có một động lực thay thế khác có thể giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu? Và nếu có thì nó là gì?
Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ trình bày trong bài tiếp theo.

Rubi dịch
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/sapient-nature/201506/why-pursuit-superiority-lowers-happiness-and-success
#TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét