Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] JOSEPH BRODSKY – NGỢI CA NỖI BUỒN CHÁN

“Ngợi ca nỗi buồn chán” của Joseph Brodsky là bài nói chuyện của nhà thơ trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho hơn 1000 sinh viên Dartmouth College, tháng 7-1989. Tôi dịch bài viết này với nhiều cảm xúc, đặc biệt đến đoạn gần cuối, tôi đã tự cho phép bản thân mình dịch thoát hơn nguyên bản của Brodsky một số chi tiết, bởi lẽ những gì ông nói với các sinh viên cũng là những điều tôi từng ao ước giá như có ai nói với mình trong ngày ra trường, và mình cũng muốn nói với những bạn sinh viên sắp ra trường bây giờ. Không phải là một lời chúc thành công, một động viên về nghị lực, một hứa hẹn về cơ hội… mà là sự đối mặt với nỗi buồn chán như là phần tất yếu của đời sống.
*
image
Một phần đáng kể đón đợi bạn phía trước sẽ được xác nhận bởi nỗi chán. Lý do hôm nay tôi muốn nói về nỗi buồn chán với các bạn, trong một dịp trang trọng như thế này, là vì tôi nghĩ không có một trường đại học nào sẽ giúp bạn chuẩn bị cho tình huống sẽ xảy ra đó. Dartmouth không là ngoại lệ. Không một ngành nhân văn hay khoa học nào lại mở những khóa học về sự buồn chán. Cùng lắm, trường học chỉ giúp bạn làm quen với cảm giác ấy bằng việc làm bạn phải chịu đựng hay nếm trải nó. Nhưng đâu là sự tiếp xúc thông thường với căn bệnh muộn phiền vô phương cứu chữa này? Giọng nói đều đều, đơn điệu từ bục giảng kinh hay những cuốn giáo trình làm hoa mắt người bằng một thứ Anh văn khoa trương chẳng là gì nếu so với một sa mạc tâm trạng mênh mông bắt đầu ngay từ phòng ngủ của bạn và hất tung mọi chân trời.
Cùng trường nghĩa với một loạt từ chỉ trạng thái khác – đau khổ, sầu muộn, mỏi mệt, uể oải, tẻ nhạt, vô vị, thờ ơ, bơ phờ, dửng dưng, hờ hững, yếm khí, buông xuôi, v.v… – sự buồn chán là một hiện tượng phức tạp và nhìn chung, là sản phẩm của sự lặp lại. Như thế, dường như phương thức tốt nhất để chống lại căn bệnh này sẽ là sự sáng tạo, phát kiến không ngừng. Đấy là những gì mà các bạn – những con người trẻ trung, tươi mới – hy vọng. Nhưng hỡi ôi, cuộc đời lại không dành cho bạn lựa chọn ấy vì phương tiện chính của đời sống lại chính là sự lặp lại.
Đương nhiên, người ta có thể lập luận rằng những nỗ lực lặp đi lặp lại hướng đến sự sáng tạo, phát kiến là động lực của tiến bộ – và đồng thời – của văn minh. Tuy nhiên, như là một nhận thức muộn, đây lại không phải là điều có ý nghĩa nhất. Vì nếu ta phân định lịch sử loài người bằng những phát kiến khoa học – đấy là chưa đề cập đến những khái niệm đạo đức – kết quả sẽ không có lợi cho ta. Nói một cách chính xác, cái chúng ta sẽ thấy là hàng bao thế kỷ chán nản. Chính ý niệm về sự sáng tạo hay cách tân lại nảy sinh từ sự đơn điệu của hiện thực thường nhật, của đời sống mà phương tiện của nó – không, nói đúng hơn, đặc trưng của nó – là sự buồn tẻ.
Theo nghĩa đó, đời sống phân biệt với nghệ thuật mà như các bạn đã biết, kẻ thù tồi tệ nhất của nghệ thuật là sự sáo mòn. Một ngạc nhiên nho nhỏ là chính nghệ thuật cũng không giúp bạn làm thế nào để xoay sở với sự buồn chán. Một vài tiểu thuyết xoay quanh chủ đề này; hội họa càng ít hơn, còn âm nhạc, về cơ bản, đó là một thứ nghệ thuật phi ngữ nghĩa. Nói chung, nghệ thuật ứng xử với nỗi buồn chán theo phương thức tự vệ, mang tính châm biếm. Điều duy nhất để nghệ thuật trở thành nơi an ủi bạn khỏi nỗi chán chường, khỏi đời sống vốn dĩ vận hành theo xu hướng trở thành sự dập khuôn là bạn hãy trở thành nghệ sĩ. Song, đâu phải ai cũng có số thành nghệ sĩ, triển vọng này có vẻ cũng khó khả thi.
Nhưng ngay cả khi bạn bước ra buổi lễ phát bằng này và đến ngay bên bàn viết, toan vẽ hay cây dương cầm, bạn cũng sẽ không tránh khỏi nỗi chán chường hoàn toàn được. Nếu sự lặp lại là mẹ của nỗi buồn chán, thì bạn, những con người trẻ trung, tươi mới, sẽ nhanh chóng thấy ngạt thở khi không được thừa nhận cũng như được trả giá rất thấp cho những thể nghiệm của mình, cả hai đều là tình trạng kinh niên trong thế giới nghệ thuật. Ở phương diện này, làm việc cho một hãng luật, một ngân hàng, thậm chí trong một phòng thí nghiệm còn tốt hơn là viết văn, vẽ tranh hay soạn nhạc.
Dĩ nhiên, ở đây, ta thấy được ân cứu rỗi của nghệ thuật. Không phải thứ sinh lợi, nghệ thuật chịu thua nhân khẩu học một cách tất yếu chứ không phải miễn cưỡng. Vì, nếu như ta vừa nói ở trên, sự lặp lại là mẹ của nỗi buồn chán thì ngành nhân khẩu học (vốn có tầm quan trọng trong đời sống của bạn lớn hơn nhiều so với tất cả những lĩnh vực ta vừa kể) là một bậc cha mẹ khác của nó. Điều này nghe như giọng của kẻ khinh ghét loài người, nhưng tôi nhiều gấp đôi tuổi các bạn, tôi đã sống và thấy dân số toàn cầu tăng lên gấp đôi. Đến khi bạn bằng tuổi tôi, con số đó sẽ tăng lên gấp bốn và không hoàn toàn trong hình hài mà bạn chờ đợi. Chẳng hạn, đến năm 2000, sẽ có sự cấu trúc lại văn hóa và tộc người thách thức lại ý niệm của bạn về nhân tính.
Riêng điều này thôi sẽ giảm thiểu những triển vọng về sự độc đáo, phát kiến như là thuốc giải độc cho sự buồn chán. Mà thậm chí trong một thế giới đơn sắc, rắc rối khác đối với sự độc đáo hay phát kiến lại chính là ở chỗ người ta có thể mua được nó – từ “mua” ở đây hoàn toàn theo nghĩa đen. Giả định rằng hoặc bạn có khả năng sáng tạo hoặc có khả năng tài chính, bạn sẽ nhanh chóng có đời sống sung túc, vương giả. Cuộc sống ấy có vẻ đáng khao khát thật đấy nhưng phần lớn chúng ta lại cũng nhớ ngay rằng không ai dễ chán nản như những người giàu có, vì tiền thì mua thời gian và thời gian thì mang bản chất của sự tái diễn, lặp lại. Giả định rằng bạn không sa vào cảnh khốn cùng – vì nếu không, có lẽ bạn đã không bước chân được vào trường đại học – người ta sẽ mong đợi bạn sẽ bị nỗi chán chường đánh gục ngay khi những công cụ làm bạn tự thỏa mãn sẵn có cho bạn.
Nhờ công nghệ hiện đại, những công cụ này giờ đây cũng nhiều vô số như những từ đồng nghĩa với buồn chán. Nhìn từ chức năng của chúng – trao cho bạn sự thừa mứa thời gian mà bạn không ý thức được – ta mới thấy chúng dồi dào như thế nào. Cùng với sự dồi dào của những công cụ này, ta cũng thấy rõ hơn ham muốn truy cầu quyền lực của chính chúng ta, thứ quyền lực ngày càng gia tăng, được thao túng bởi những cú nhấp, cú bấm một thứ máy móc nào đó khiến việc bạn bỏ về trong buổi lễ phát bằng này thôi cũng sẽ được cha mẹ hay họ hàng của mình nhìn thấy. Đấy là một cảnh tượng tiên tri, thưa các quý ông quý bà của khóa học 1989 này, vì các vị đang bước vào một thế giới nơi việc ghi lại một sự kiện sẽ thu nhỏ chính bản thân sự kiện – thế giới của các phương tiện nghe nhìn, điều khiển từ xa, trang phục thể thao, máy tập thể dục giúp bạn vừa vặn để sống lại quá khứ của mình hay của ai khác: những khoái cảm đóng hộp sẽ xác nhận thay cho những gì bằng xương bằng thịt.
Bất cứ thứ gì mang tính khuôn mẫu đều chất chứa chán chường. Điều này đúng với cả tiền bạc và đúng ở nhiều bình diện, cả ở trên tờ giấy bạc lẫn ở việc sở hữu chúng. Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là quảng cáo cho sự nghèo khốn như là lối thoát khỏi sự buồn chán, dù dường như Thánh Francis đã làm theo đúng cách này. Tuy nhiên, trước tất cả sự tước đoạt xung quanh ta, ý tưởng về những phép tắc theo đường lối khổ tu kiểu mới có vẻ không phù hợp lắm trong thời đại Ky-tô video hóa này. Thêm nữa, các bạn trẻ, các bạn có lẽ hào hứng khi làm công việc từ thiện ở Nam Phi hay nơi nào đó khác hơn là ngay cạnh nhà mình, sẵn sàng từ bỏ nhãn hàng soda mình yêu thích hơn là mạo hiểm thử một thứ chất gây nghiện khác. Vì thế không ai quảng bá sự nghèo khốn cho các bạn cả. Tất cả những gì tôi muốn gợi ý ở đây chỉ là một chút hiểu biết hơn về tiền bạc, vì số không trong tài khoản của bạn lại có thể khơi dậy những năng lượng tinh thần bên trong bạn.
Về sự nghèo khốn, buồn chán là phần tàn nhẫn nhất trong nỗi khốn cùng của họ và xuất phát điểm từ đó, có những hình thức cực đoan hơn: nó dẫn đến những hành vi nổi loạn bạo lực hay nghiện ngập. Những hình thức giải thoát này đều chỉ có tình tạm thời mà nỗi khốn khổ lại là vô tận; và bởi sự vô tận này nên hai hình thức trên đều đòi phải trả giá. Nhìn chung, một người tiêm heroin vào tĩnh mạch của mình cũng có lý do từa tựa như khi ta mua một cuốn video: để né tránh sự thừa mứa thời gian. Song khác biệt ở chỗ anh ta tiêu tốn nhiều hơn anh ta nhận được, phương tiện giải thoát của anh ta cũng dồi dào không kém cái mà anh ta muốn thoát khỏi đồng thời chúng lại còn giúp anh ta giải thoát nhanh hơn cách của bạn nữa. Về cơ bản, sự khác biệt về mặt thủ thuật giữa một mũi xi-ranh với một nút bấm âm thanh nổi, nói một cách thô sơ, tương ứng với sự khác biệt giữa sự sắc nét và mờ đục của tác động thời gian lên kẻ không có và có. Tóm lại, dù nghèo hay giàu, sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị khốn khổ bởi sự thừa mứa thời gian.
Rồi sẽ đến một ngày bạn sẽ thấy chán công việc của mình, chán bạn bè, chồng vợ, tình nhân, chán phong cảnh từ cửa sổ nhà mình, chán đồ đạc hay giấy dán tường trong phòng, chán nghĩ suy của mình, chán chính bản thân mình nữa. Rồi theo đó, bạn sẽ nghĩ đến những cách giải thoát. Ngoài những phương tiện giúp bạn tự thỏa mãn mà ở trên đã nói đến, bạn có thể nghĩ đến chuyển chuyển nghề, chuyển nơi ở, công ty, đất nước, vùng khí hậu; bạn cũng có thể bắt đầu sống phóng đãng hơn, sa vào rượu, mải mê xê dịch hay nấu nướng, mà cũng có thể xài ma túy hay cần đến những cách trị liệu phân tâm học.
Thực ra thì bạn có thể thử tất cả những giải pháp này và trong một lúc, có thể chúng sẽ hiệu nghiệm. Tất nhiên, cho đến một ngày, khi bạn tỉnh dậy trong phòng ngủ giữa một gia đình mới, với giấy dán tường mới, ở một bang khác, một khí hậu khác, với cả xấp hóa đơn của hãng du lịch và của văn phòng bác sĩ tâm thần, bạn sẽ lại nhìn thứ ánh sáng tràn qua ô cửa nhà mình với nỗi chán chường như xưa. Bạn lại muốn tiếp tục biếng lười chỉ để phát hiện ra rằng sự lười nhác ấy không đủ sức mạnh để nâng bạn khỏi những gì bạn nhận thức được. Tùy thuộc vào khí chất hay độ tuổi của bạn, bạn sẽ thấy hốt hoảng hoặc cam chịu chấp nhận sự quen thuộc của cảm giác; hoặc bạn cũng có thể một lần nữa thể nghiệm lại tất cả những giải pháp không đến đâu này.
Chứng loạn thần kinh chức năng và sự chán đời sẽ nhập vào kho từ vựng của bạn; đủ loại thuốc sẽ có mặt trong hộp thuốc của bạn. Về cơ bản, chẳng có gì sai khi biến cuộc đời thành sự truy tìm không ngừng những sự thay thế khác, thử nhảy việc, thay người yêu, thay môi trường như thay áo, miễn là bạn có đủ tiền để cấp dưỡng và trí nhớ không bị rối tung lên. Phương thức này, thực ra, đã được tôn vinh trên màn bạc và trong thơ ca lãng mạn rồi. Tuy nhiên, cái khó là ở chỗ đã từ lâu, cuộc kiếm tìm này trở thành một mối bận tâm choán hết thời gian, với nhu cầu của con người cần có cái gì đó thay thế tương tự như liều thuốc hàng ngày của một kẻ nghiện ma túy.
Song vẫn còn có cách khác để thoát khỏi tình trạng buồn chán này. Không hẳn là cách tốt hơn, từ điểm nhìn của bạn, và cũng không chắc chắn bảo đảm, nhưng trực tiếp và không đắt. Những ai từng đọc bài thơ “Servant to Servants” của Robert Frost có thể còn nhớ câu thơ này của ông: “Cách tốt nhất để thoát khỏi bao giờ cũng là đi qua”. Vì thế, những gì tôi gợi ra đây chính là một biến tấu từ câu thơ vừa dẫn.
Khi chạm mặt với nỗi buồn chán, hãy cứ điềm nhiên đón nhận. Hãy cứ để nó chà xát lên bạn, để nó nhấn mình xuống, vùi xuống tận đáy. Nói chung, với những thứ khó chịu, quy luật là, càng sớm chạm đáy bao nhiêu, bạn càng nhanh nổi lên bấy nhiêu. Ý tưởng ở đây là, để nhắc lại một nhà thơ vĩ đại khác của văn chương Anh ngữ, hãy nhìn thật chăm chú vào chính điều tồi tệ nhất. Lý do để sự buồn chán xứng đáng được chú mục là nó phản ánh dòng thời gian thuần khiết, nguyên chất trong tất cả vẻ lộng lẫy được lặp đi lặp lại, trở thành thừa mứa, đơn điệu của nó.
Nói theo cách nào đó, nỗi chán chính là cửa sổ của bạn để nhìn thời gian, nhìn về những đặc điểm của nó mà người ta vốn muốn phớt lờ đi, xem như thể mối nguy đối với trạng thái cân bằng tinh thần của mình. Nói gọn hơn, nó là cửa số để bạn nhìn thấy sự vô tận của thời gian, điều đó cũng có nghĩa là bạn nhìn thấy ý nghĩa của chính mình. Có lẽ điều này giải thích vì sao người ta có thể ngồi lặng thẫn thờ trong những buổi chiều cô quạnh, vì sao người ta đôi khi lại có khoái thú ngắm những hạt bụi li ti cuộn bay lửng lơ trong nắng, và ở đâu đó, đồng hồ điểm nhịp đều đều, ngày thì nóng nực và sức mạnh ý chí của con người chỉ còn là không.
Khi cảnh cửa này mở ra, đừng cố đóng sập nó; ngược lại, hãy mở toang nó ra. Vì nỗi chán nói ngôn ngữ của thời gian, chính nó sẽ dạy bạn những bài học giá trị nhất trong cuộc đời – những bài học bạn sẽ không thu nhận được ở đây, trên những bãi cỏ xanh này – bài học về sự vô nghĩa tuyệt đối của bạn. Điều này thực sự rất ý nghĩa với bạn đấy, và cả với những người mà bạn đang tựa vai vào nữa. “Mi là thân phận hữu hạn”, thời gian nói với ta như thế, bằng giọng của sự buồn chán, “và bất kể mi làm cái gì, từ điểm nhìn của ta, đều là vô nghĩa cả.” Giống như âm nhạc vẳng bên tai bạn, điều này, cố nhiên, cũng có thể chẳng mấy quan trọng; tuy nhiên cảm quan về sự vô nghĩa, về ý nghĩa rất hạn chế của ngay những hành động tốt nhất, nhiệt huyết nhất của bạn vẫn tốt hơn những ảo tưởng về kết quả từ những hành động ấy và từ sự phóng đại bản thân đi kèm.
Vì nỗi chán là sự xâm nhập của thời gian vào trong tập hợp những giá trị của bạn. Nó đặt sự hiện sinh của bạn vào trong góc nhìn của nó – một mạng lưới, mà từ góc nhìn này, ta sẽ thấy ta chính xác và nhỏ bé. Cần nhớ rằng việc đặt mình vào góc nhìn thời gian sẽ làm phát sinh cảm thức về sự hiện hữu của chính mình. Càng hiểu rõ sự nhỏ bé của mình bao nhiêu, ta càng khiêm nhường hơn, càng dễ cảm thông hơn với những gì nhỏ bé như chính mình, như hạt bụi lửng lơ trong nắng kia hay đang nằm yên trên bàn của bạn. Đã bao cuộc đời đã hóa thành những hạt bụi li ti này? Không phải từ điểm nhìn của bạn, mà từ điểm nhìn của bụi mới khơi lên nỗi băn khoăn ấy. Tương quan giữa ta và bụi không khác gì tương quan giữa ta với thời gian; đó là lý do vì sao trông bụi lại nhỏ nhoi đến thế. Và bạn có biết bụi nói gì khi ta lau nó đi trên bàn không?
“Nhớ tôi nhé bạn,
Hạt bụi thầm thì”
Sẽ chẳng có gì đi xa khỏi lịch trình tinh thần của bất kỳ ai trong các bạn, những con người trẻ trung, tươi mới, hơn là tình cảm được biểu hiện ở hai câu thơ trên của nhà thơ Đức, Peter Hutchel, người nay đã qua đời.
Tôi trích dẫn hai câu thơ ấy không phải vì tôi muốn gieo nơi các bạn niềm trắc ẩn đối với những sự vật nhỏ bé – hạt giống, cỏ cây, cát, muỗi – chúng đều nhỏ và đồng thời cũng rất nhiều. Tôi trích dẫn chúng vì tôi thích, vì tôi nhận ra bản thân mình trong hai câu thơ ấy, rằng, bất cứ một sinh vật sống nào cũng sẽ đến lúc bị chùi, bị quét khỏi bề mặt hiện có. Nhớ tôi nhé bạn/Hạt bụi thầm thì. Và người ta sẽ nghe được lời thầm thì đó nếu như ta học về chính bản thân mình từ thời gian, và có lẽ thời gian, đến lượt nó, sẽ học được gì đó từ chính chúng ta. Đó sẽ là điều gì? Không phải là cái gì to tát về ý nghĩa lắm đâu, nhưng chúng ta hơn thời gian ở khả năng nhạy cảm.
Và đấy là điều tôi muốn nói – đừng sợ sự vô nghĩa. Nếu phải cần đến một sự buồn chán đến tê liệt ý chí để trải nghiệm sự vô nghĩa này thì hãy cứ xin chào nỗi buồn. Bạn vô nghĩa vì bạn hữu hạn. Nhưng một sinh thể càng hữu hạn bao nhiêu, nó lại càng chất đầy sự sống, xúc cảm, hoan lạc, sợ hãi, cảm thông bấy nhiêu. Vì cái vô hạn lại không chứa thật đầy sự sống, thật đầy cảm xúc. Nỗi buồn chán của bạn, ít nhất, nói với bạn về điều ấy rất nhiều. Vì nỗi buồn chán của bạn là nỗi buồn chán về sự vô hạn.
Vậy đó, hãy trân trọng cội nguồn của nó – như thể đấy cũng chính là cội nguồn của bạn. Vì nó là sự tiên cảm về cái vô hạn trơ ì, thiếu vắng sự sống động, điều này lý giải cho độ căng của những tình cảm nhân tính, thường dẫn đến một hình dung về một cuộc sống mới. Nói như thế không có nghĩa là bạn được hình thành từ sự buồn chán, hay cái hữu hạn này phát sinh cái hữu hạn kia (dù cả hai có thể đều đúng). Đúng hơn, nó cho thấy đam mê chính là đặc quyền của sự vô nghĩa.
Và vì thế, hãy nuôi dưỡng đam mê, hãy trả sự hững hờ, lãnh đạm của bạn cho những vì sao. Đam mê, hơn tất thảy, là phương thuốc chống lại nỗi buồn chán. Một phương thức khác, dĩ nhiên, là sự đớn đau – nỗi đau trên phương diện thể xác cũng có ý nghĩa không kém nỗi đau tinh thần, hậu quả thường xuyên của đam mê; mặc dù thật lòng tôi không muốn các bạn phải nếm trải đớn đau cả ở thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, khi bạn đau, ít nhất, bạn biết rằng bạn không bị đánh lừa (bởi thân thể hay tinh thần của bạn). Vì vậy, điều tích cực của nỗi buồn chán, sầu muộn, cảm giác về sự vô nghĩa của chính mình, của sự hiện hữu của mọi thứ khác là ở chỗ đó không phải là sự đánh lừa.
Bạn có thể thử đọc tiểu thuyết trinh thám, xem phim hành động – những thứ sẽ để bạn ở lại nơi bạn chưa từng ở đó, nếu xét về mặt tinh thần, hình ảnh hay ngôn từ – không gian ấy sẽ được duy trì liên tục, nhưng chỉ trong đôi ba giờ đồng hồ. Hãy tránh xa ti vi, nhất là đừng loay hoay chuyển kênh này kênh nó – đó là hiện thân của sự thừa mứa. Thế nhưng nếu những giải pháp này thất bại thì cứ để nỗi buồn xâm chiếm bạn, “nương tâm hồn mình theo dải ánh sáng mờ mờ ảm đạm đang lớn dần, lớn dần”. Hãy ôm lấy, hay hãy để nó ôm lấy bạn, nỗi buồn chán, muộn phiền ấy. Nó, dù sao đi nữa, cũng rộng lớn hơn bạn. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy nội tâm mình trĩu nặng, thế nhưng hãy cố chịu đựng điều đó đi, ở mức cao nhất bạn có thể chịu đựng, thậm chí thêm một chút cũng được. Trên hết, đừng nghĩ hình như trên đường đời mình đã đi, có một nơi nào đó tử tế hơn, đừng cố tìm lại dấu chân mình để sửa chữa sai lầm. Không, như nhà thơ đã nói, “Hãy tin vào nỗi đau của bạn.” Nỗi sầu muộn ôm xiết lấy bạn, làm bạn ngạt thở, nhưng đó không phải là sự nhầm lẫn. Hãy cứ khổ đau đi, đó không phải là sự quấy rầy. Hãy nhớ rằng không có sự ôm xiết nào trên thế giới này mà cuối cùng bạn lại không tìm được cách nới ra.
Nếu bạn cho rằng tôi đang nói những điều thật ảm đạm, có lẽ bạn chưa hiểu thế nào là sự ảm đạm. Nếu bạn thấy những điều này thật chẳng liên quan gì đến mình, tôi hy vọng thời gian sẽ chứng minh là bạn đúng. Nếu bạn bực bội vì tại sao tôi lại nói với các bạn những điều như thế trong một dịp trang trọng như hôm nay, tôi sẽ không đồng ý đâu.
Đúng, ngày hôm nay là lễ kỷ niệm thời gian học tập tại trường của các bạn, nhưng đồng thời nó cũng đánh dấu sự xuất phát của các bạn. Ngày mai thôi, bạn sẽ rời khỏi trường vì cha mẹ của các bạn chỉ trả học phí cho bốn năm học của bạn mà thôi, không thêm một ngày nào. Vì thế, bạn phải đi đến một nơi nào đó, lập nghiệp, kiếm tiền, xây dựng gia đình, gặp gỡ định mệnh dành riêng cho bạn. Về cái nơi nào đó chưa xác định được ấy, không có ngôi sao nào cho ta biết trước, mà các ngôi sao cũng đâu có để ý rằng hôm nay là buổi lễ ra trường của hơn một ngàn tân cử nhân trẻ trung.
Bạn sẽ rời khỏi nơi này, những thành viên của khóa học 1989. Bạn sẽ bước vào thế giới, nơi sẽ rậm rạp hơn rất nhiều cánh rừng trong khuôn viên của trường này, nơi bạn sẽ ít được chú ý hơn rất nhiều so với bốn năm đại học. Bạn đang đi một mình trên con đường lớn. Để nói về ý nghĩa, về tầm quan trọng của bạn ư, hãy cứ so sánh tương quan giữa 1.100 các bạn, những tân cử nhân của trường Dartmouth này với dân số 4.9 tỉ của nhân loại này. Sự thận trọng, khiêm nhường, bởi thế, cũng cần thiết trong dịp này không kém niềm kiêu hãnh, vinh dự.
Tôi không chúc các bạn điều gì hơn ngoài sự hạnh phúc. Thế nhưng sẽ còn nhiều những giờ khắc tối tăm, mà tệ hơn nữa, trống rỗng mà thế giới bên ngoài cũng như chính tâm trí của bạn tạo ra. Bạn cần phải được làm cho trở nên bình tinh để đối mặt với chúng theo cách nào đó, đấy cũng là việc tôi gắng làm ở đây, theo cái cách của một kẻ vốn dĩ yếu đuối, dù hiển nhiên điều này là không đủ.
Vì phía trước bạn là một hành trình thú vị đấy, nhưng cũng mỏi mệt: hôm nay, nói một cách hình ảnh, bạn đang lên một chuyến tàu. Không ai có thể nói với bạn những gì đón đợi ở phía trước, nhất là những người còn ở lại phía sau. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đó không phải là một hành trình theo đường vòng. Vì thế, hãy cố tìm một vài sự động viên, an ủi từ ý niệm rằng bất kể sân ga này hay sân ga kia có ngột ngạt, bốc mùi, xấu xí thế nào đi nữa thì con tàu cũng đâu có dừng ở đó mãi. Như vậy, bạn chẳng bao giờ bị mắc kẹt cả – thậm chí ngay cả khi bạn cảm tưởng thế, nơi chốn hôm nay sẽ trở thành quá khứ của bạn. Từ giờ trở đi, nơi này sẽ lùi lại, sẽ khuất sau lưng bạn vì con tàu kia không ngừng chạy. Nó vẫn cứ sẽ lùi lại, khuất dần ngay cả khi bạn nghĩ mình đang bị tắc lại… Vì thế, hãy nhìn lại lần cuối nơi này, dẫu không gian này chỉ có quy mô rất bình thường, dẫu nó còn chưa đi vào một bức ảnh nào. Hãy nhìn nơi đây với tất cả sự dịu dàng mà bạn có, vì bạn đang lặng ngắm quá khứ của mình đấy. Nói thế nào nhỉ, hãy nhìn chăm chú nơi đây như nhìn điều tốt đẹp nhất. Vì tôi ngờ rằng bạn còn có thể thấy nơi nào đẹp hơn nơi đây.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Joseph Brodsky, “In Praise of Boredom”, in trong On Grief and Reason – Essays, NY: Farrar Straus Giroux 1996, trang 104-113.
#TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét