Nói chung não của chúng ta không tiến hóa ở các thành phố. Nhưng chỉ trong một vài thập kỷ sắp tới, gần 70 phần trăm dân số thế giới sẽ sống trong môi trường đô thị. Mặc dù chúng ta thường liên hệ thành phố với sự thịnh vượng, nhưng đô thị hóa là một thách thức lớn đối với sức khỏe. Các thành phố, cùng với đời sống nhộn nhịp hối hả, có thể gây căng thẳng. Và các hệ quả đang được nhận thấy trong bộ não và hành vi của những người lớn lên hoặc đang sống ở thành phố.
Xét về mặt tích cực, cư dân thành phố nói chung đang giàu có hơn và nhận được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và vệ sinh tốt hơn so với người dân nông thôn. Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, họ đang tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, trong một môi trường xã hội nhiều đòi hỏi hơn và áp lực hơn, và sự bất bình đẳng cũng sâu sắc hơn. Trong thực tế, người dân thành phố có nguy cơ cao hơn 21% đối với các rối loạn lo âu và gia tăng 39% khả năng gặp các rối loạn cảm xúc.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã cho thấy mối liên hệ giữa cuộc sống thành phố với việc dễ bị stress trong các mối quan hệ xã hội. Hình chụp MRI cho thấy việc tiếp xúc nhiều hơn với môi trường đô thị có thể làm tăng mức hoạt động ở hạch hạnh nhân, một cấu trúc não liên quan đến cảm xúc như sợ hãi và tiết ra các hormone liên quan đến stress. Theo nghiên cứu, hạch hạnh nhân “có liên quan mạnh mẽ đến các chứng bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm, và các hành vi khác như bạo lực đang gia tăng ở các thành phố”.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người sống ở các thành phố trong 15 năm đầu đời của họ có sự gia tăng hoạt động ở một khu vực của não giúp kiểm soát hạch hạnh nhân. Vì vậy, nếu bạn lớn lên ở thành phố, bạn có nhiều khả năng trường kỳ tạo ra sự nhạy cảm với stress hơn những người chuyển đến ở đó khi đã trưởng thành.
Tác giả, giáo sư David Gessner nói chúng ta đang biến thành loài động vật có chủ yếu là cơ vân co rút nhanh. Nó giống như chúng ta có một đồng hồ báo thức cứ rung chuông trong não của mình mỗi 30 giây, bào mòn khả năng tập trung dài hơn của chúng ta. Cuộc sống đô thị yêu cầu chúng ta phải thường xuyên lọc thông tin, tránh xao lãnh, và đưa ra quyết định. Chúng ta dành quá ít thời gian để não hồi phục.
Làm thế nào để chúng ta làm cho mọi thứ chậm lại? Thiên nhiên dường như là câu trả lời. Giả thuyết của nhà tâm lý học nhận thức David Strayer là “hòa mình vào thiên nhiên cho phép phần vỏ não trước trán, trung tâm chỉ huy của não, giống như một cơ (bắp) bị sử dụng quá mức, được giảm tải và nghỉ ngơi”.
Nghiên cứu cho thấy thậm chí chỉ những tương tác nhỏ với thiên nhiên cũng có thể làm dịu não của chúng ta. Gregory Bratman của Đại học Stanford đã làm một thí nghiệm trong đó người tham gia được chia làm 2 nhóm đi bộ trong 50 phút, một nhóm đi bộ trong môi trường thiên nhiên và một nhóm đi bộ trong môi trường đô thị. Những người đi bộ trong thiên nhiên đã thực sự giảm lo lắng, suy tư, và cảm xúc tiêu cực và tăng trí nhớ.
Đội nghiên cứu của Bratman nhận thấy rằng đi bộ trong môi trường tự nhiên có thể làm giảm sự ngẫm nghĩ, một thói quen không lành mạnh nhưng rất thông dụng, cứ suy nghĩ tới nghĩ lui về nguyên nhân và kết quả của những trải nghiệm tiêu cực. Nghiên cứu của họ cũng cho thấy hoạt động thần kinh trong một khu vực của bộ não liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần đã được giảm xuống đối với những người tham gia đi bộ trong thiên nhiên, không như những người đi bộ trong môi trường đô thị.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc nghiên cứu sự khác biệt trong hoạt động của não khi tình nguyện viên chỉ nhìn vào khung cảnh thành thị so với khung cảnh thiên nhiên. Đối với những người xem khung cảnh đô thị, hình ảnh MRI cho thấy lưu lượng máu đến vùng hạch hạnh nhân đã tăng lên. Ngược lại, đối với những người xem những cảnh thiên nhiên thì khu vực của não liên quan với sự đồng cảm và vị tha lại đột nhiên sinh động lên.
Tại Nhật Bản, các nhà khoa học nhận thấy những người dành nhiều thời gian trong tự nhiên – gọi là “shinrin-yokuor” nghĩa là “tắm rừng” – họ hít vào cơ thể “những vi khuẩn có lợi, các loại tinh dầu có nguồn gốc thực vật, và các ion âm-tính” tương tác với vi khuẩn đường ruột giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và cải thiện cả sức khỏe tâm thần và thể chất.
Thường xuyên dành nhiều thời gian trong thiên nhiên không phải là phương thuốc trị bách bệnh cho sức khỏe tâm thần nhưng đó là một phương cách phụ trợ thiết yếu cho sức khỏe và tâm lý. Thiên nhiên giúp chúng ta trụ vững và hồi phục trước những thử thách trong cuộc sống. Ngay cả các cư dân đô thị cũng có thể tìm thấy thiên nhiên ở gần mình – một khu vườn, một công viên gần nhà, hay một con đường – để cho bộ não đã quá tải của họ có chút giải lao.
Hãy dành tình yêu cho bộ não – cho cơ thể của chúng ta. Hãy đi ra ngoài!
Mỗi mùa xuân, Quỹ David Suzuki kêu gọi công dân Canada tham gia vào cuộc thi dành nhiều thời gian ngoài trời hơn để tốt cho sức khỏe và tâm thần. Thử thách 30 x 30 với thiên nhiên yêu cầu người tham gia dành ít nhất 30 phút mỗi ngày ngoài thiên nhiên trong 30 ngày trong tháng 5. Khi tham gia 30 x 30 tại 30×30.DavidSuzuki.org bạn sẽ nhận được nghiên cứu mới nhất về lợi ích sức khỏe từ việc dành thời gian ở với thiên nhiên cùng các bí quyết thực tế để có thêm thời gian “xanh” vào thời gian biểu hàng ngày của bạn.
Được viết với sự đóng góp của Aryne Sheppard, Chuyên gia cao cấp về giao tiếp công chúng (senior public engagement specialist) của quỹ David Suzuki. Bài viết này được đăng tại David Suzuki Foundation.
Nguồn dịch: Vietdaikynguyen
#TAMLYHOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét