Làm vui lòng người khác bằng cách hứa những điều mà chúng ta không thể thực hiện
A: “Cậu nói sẽ có mặt ở đây cách đây nửa tiếng rồi! Khoảng khi nào thì cậu mới đến?”
B: ”Xin lỗi. Sẽ nhanh thôi.”
A: ”’Nhanh’ không có cho tôi biết được là khi nào cả. Nhanh cỡ nào?”
B: ”15 phút.”
B đến nơi 45 phút sau đó:
A: “Vậy mà cậu bảo 15 phút!”
B: “Ừ, tôi đã nghĩ mình có thể sẽ trễ hơn 15 phút nhưng tôi không muốn làm cậu nổi giận.”
A: “Nhưng tôi bực gấp đôi vì cậu đã làm tôi chờ thêm nửa tiếng 2 lần.”
B: ”Tôi có ý tốt mà.”
Không vui vẻ gì khi làm người khác thất vọng, vì vậy khi chúng ta thấy có cơ hội nào để giữ cho họ vui vẻ ở một thời điểm, chúng ta bị cám dỗ tóm lấy nó ngay, thậm chí là nếu sau đó kết quả là làm cho người đó khó chịu hơn. Tôi gọi hiện tượng này là thái độ “hai mặt để vui vẻ” (happy-two-faced): một thái độ hoà nhã để tránh làm người khác thất vọng nhưng kết cục là làm cho chúng ta trở nên hai mặt.
Những ông sếp là những người nổi như cồn về khía cạnh “hai mặt để vui vẻ” này. Bạn cảm thấy nặng nề về công việc. Ông sếp cố đảm bảo với bạn rằng mọi thứ sẽ tốt hơn. Nếu bạn hỏi ông sếp cụ thể tốt hơn như thế nào, ông có thể sẽ đưa ra một hình thức cải thiện nào đó một cách hết sức ảo diệu, chẳng hạn như, “Tôi đang định sẽ thuê thêm nhân viên để hỗ trợ để mọi thứ dễ thở hơn.”
Bạn quay bước đi cảm thấy rất nhẹ nhàng, tin tưởng, và sau đó cảm thấy tồi tệ gấp bội một tuần sau đó khi hình thức cải thiện mà ông đưa ra biến mất không vết tích, như thể chưa từng tồn tại, có thể ông sếp sẽ xin lỗi vì đã huỷ bỏ dự định đó với lý do là kế hoạch đó không khả thi, hoặc thậm chí tệ hơn, ông ta cũng chẳng thừa nhận là đã huỷ bỏ. Ông sếp bị mất đi sự tin tưởng của cấp dưới, và cấp dưới trở nên đa nghi đối với mọi việc ông nói sau này. Nhưng ông nghĩ rằng ông là một ông sếp tốt và rộng lượng vì đã cố gắng giữ cho bạn được vui vẻ.
Khuôn mẫu của việc “hai mặt để vui vẻ” là một chủ đề thường xuất hiện trong loạt phim truyền hình “Công sở” (The Office), nhưng không phải chỉ có ở những ông sếp. Chúng ta có thể thấy được hiện tượng này ở cha mẹ, bạn bè, bạn đời, và chắc chắn là trong chính trị nơi mà những lời hứa trong chiến dịch ứng cử làm cho những người đi bầu cảm thấy vui vẻ phấn khởi nhưng không bao giờ thành hiện thực.
Xu hướng “hai mặt để vui vẻ” làm cho chúng ta phải đoán xem liệu chúng ta đang phải giao tiếp làm việc với hạng người nào. Ông sếp có biết ông sẽ không thực hiện lời hứa về việc cải thiện môi trường công việc? Nếu có, vậy là ông ta là một kẻ thích thao túng người khác đầy dối trá.
Có phải ông thực có ý thực hiện việc cải thiện nhưng lực bất tòng tâm? Nếu vậy thì không hẳn hoàn toàn là lỗi của ông ấy.
Hay là ông thực sự có ý tốt khi nói ra điều đó, nhưng đơn giản là không thể nghĩ xa hơn việc làm bạn cảm thấy nhẹ nhõm tức thời khi đó thôi, và trong tình huống như thế, có lẽ ông ta chỉ là một người thiển cận kém khôn ngoan.
Hỏi thẳng ông sếp về chuyện cải thiện công việc có lẽ sẽ không cho bạn sự tỏ tường nào. Mấy ông sếp có thể rất ngốc, hay họ có thể “ngu như một con cáo”, không biết đến sự thất bại trong việc thực hiện lời hứa của mình bởi vì “không biết không có tội”.
Khi chúng ta phản ứng trước những người “hai mặt để vui vẻ”, thường chúng ta khinh ghét họ, như thể chúng ta không đời nào có thể vô trách nhiệm và thiếu nhạy cảm như thế. Nhưng đừng nên quá chắc chắn về bản thân như vậy.
Những vị trí chịu áp lực cao thường sẽ sinh ra những hành vi “hai mặt để vui vẻ” tồi tệ nhất trong mỗi người chúng ta. Nhưng vâng, một số dạng tính cách sẽ có xu hướng hành xử như thế nhiều hơn so với những dạng tính cách khác, nhưng phần lớn hành vi “hai mặt để vui vẻ” đó hàm số của những tình huống mang tính áp lực.
Những người ở vị thế cao thường có rất ít quyền lực, thực sự là vậy. Để giữ vị thế của mình, họ sẽ bị cám dỗ bởi việc bám víu vào giấc mơ có nhiều quyền hạn vượt vị trí của họ, và có xu hướng làm cho bạn tin rằng họ có nhiều quyền lực hơn họ thực sự có. Các chính trị gia ngày nay là những ví dụ rất rõ ràng cho xu hướng này. Trong sự bế tắc chính trị, họ dường như không có tí quyền lực nào, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ không nghe thấy việc đó trong các ghi chép về chiến dịch ứng cử của họ.
Có lẽ bạn đã phải ứng phó với những người không giỏi lắm trong việc đưa ra chính xác thời gian dự đoán họ sẽ đến cuộc gặp mặt như trong ví dụ đầu bài. Và cũng có thể bạn đã từng là một trong số họ, có lẽ vào một thời điểm nào đó mà lịch trình của bạn dày đặc việc nhiều hơn khả năng thu xếp của bạn.
Trần Đình Tuấn dịch
#tamlyhoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét