Tại sao chấp nhận thực tại như nó là lại quan trọng đến thế?
Trong tất cả những ngôn từ hiện hữu trong lời ăn tiếng nói của ta, từ “lẽ ra nên” (should) có lẽ là từ gây nên nhiều khổ sở nhất. Mọi khía cạnh đời sống đều bị ảnh hưởng, ám ảnh bởi nó: tôi “lẽ ra”nên như thế này, “lẽ ra” anh chị nên, cuộc đời tôi “lẽ ra” nên diễn ra như thế, khoảnh khắc ấy “lẽ ra”…. Đôi lúc chúng ta bật ra thành tiếng, đôi lúc ta lại nghĩ về chúng trong tâm tưởng của mình hay lắm khi chúng quá tinh vi biểu hiện dưới một dạng thức hoàn toàn khác để ta có thể nhận thức được. Nhưng cốt lỗi vấn đề nằm ở chỗ: Điều “lẽ ra nên” khác đi ấy thường hướng đến một thứ gì khác hẳn với hiện thực đang có đây.
Mỗi buổi sáng, khi Lesley (mọi tên trong bài viết này đều đã được thay đổi) thức dậy trong căn hộ của mình cô đều than vãn một tràng dài “lẽ ra”: lẽ ra tôi nên làm một cái gì đó tuyệt vời tuần này, lẽ ra tôi nên đi du lịch và trải nghiệm những điều mới mẻ, lẽ ra tôi nên sống một cuộc đời khác hẳn với bây giờ.
John chịu đựng nhiều hơn cả những điều “lẽ ra” mà anh đặt lên người khác. Trong khi người vợ ngày càng trưng ra bộ mặt vô cảm, không quan tâm, không đoái hoài, vốn dĩ rất ái ngại và làm tổn thương anh, tất cả những gì anh làm, những cuộc đối thoại anh có chỉ xoay quanh việc: cô ấy lẽ ra nên nhạy cảm hơn với nhu cầu của mình, cô ấy lẽ ra nên để ý hành vi của mình đang làm tổn thương anh.
Mới đây thôi khi tôi vừa hoàn thành xong một số việc trên blog cá nhân, tôi vội vàng đến cuộc hẹn với một người bạn. “Lẽ ra tớ nên có một ngày thú vị hơn”, cô nhận xét khi chúng tôi phải né những vũng nước đọng lại trên con đường tới bữa trưa đợi chờ phía trước. Đây là kì nghỉ đầu tiên của cô ấy sau nhiều tuần làm việc và cô ấy cảm thấy bị dối lừa, cảm thấy mình bị tước đoạt đi một ngày nắng êm ả, dịu nhẹ mà đáng lẽ nên xuất hiện. Trải nghiệm của cô chẳng được như cô mong muốn như “lẽ ra” nó phải thế, chính vì vậy mà bạn tôi cảm thấy tồi tệ vô cùng.
Suy nghĩ “lẽ ra” kia thường nổi lên khi chúng ta không muốn, không thích những gì đang diễn ra. Khi mà toàn bộ năng lượng cũng như mục đích của suy nghĩ “lẽ ra” hướng chúng ta tới điều ta mong muốn và giảm bớt sự khổ sở đi thì hệ quả cuối cùng thực tế chẳng gì hơn ngoài tạo ra nhiều khổ sở, chán nản hơn những gì ta hiện tại đang cảm thấy. Khi ta thêm “lẽ ra” vào thực tại vốn dĩ ta chẳng mong muốn này, cuối cùng ta vẫn chỉ loay hoay trong đống thực tại bầy nhầy, chán nản ban đầu mà thôi. Song tệ hơn cả là việc phải chịu đựng sự dằng xé nội tâm bên trong trước điều ta mong với điều thực chất diễn ra ngoài kia.
Phần lớn trường hợp, thực tại mà ta nghĩ ta chẳng mong muốn kia ta đều có thể chịu đựng, có thể vượt qua nếu ta dừng đánh giá, oán trách nó. Điều này thậm chí có thể chứa đựng những niềm vui ẩn tàng mà ta tìm kiếm, hưởng thụ nếu ta thoải mái với chính mình hơn. Trong khi đó, thứ không thể chịu đựng được lại chính là niềm tin rằng mình đang bị dối lừa bởi một hiện thực mà lẽ ra mình chẳng thuộc về. Sự khổ sở lớn nhất đến từ cuộc chiến của bản thân ta với hiện thực này, chẳng phải từ hiện thực.
Từ bỏ lời than vãn “lẽ ra” thật chẳng dễ, phần vì chúng ta quen tin rằng nếu ta từ bỏ cuộc chiến với thực tại không mong muốn kia, chúng ta sẽ bị bao vây, sẽ đồng ý với chính thực tại không mong đó và rồi ta sẽ bị cuốn vào nó mãi mãi về sau. Thay đổi mối quan tâm từ cái “nên là” thành cái “là” theo cách hiểu thông thường mang nghĩa từ bỏ và thuận theo cuộc sống chúng ta vốn dĩ chẳng ưa. Chấp nhận hay thuận theo thực tại thường bị coi là sự nhu nhược, đớn hèn. Song đây chỉ là cách hiểu nhầm, hiểu sai lệch ý nghĩa thực sự của chấp nhận, thuận theo thực tại.
Khi ta dừng đấu tranh với điều “lẽ ra”- vốn xuất phát từ quan điểm lý tưởng của bản thân- sẽ chẳng gì nhiều ngoài một điều giản đơn duy nhất. Chấp nhận thực tại như nó là thực ra chẳng liên quan gì đến hành động của ta, đến ý định muốn đổi thay sáng tạo thực tại mới cũng như chẳng liên quan đến việc ta nhu nhược ra sao nếu để mình thuận theo. Chấp nhận chỉ đơn thuần mang nghĩa là để cho sự hoài nghi, phản kháng vô tổ chức không cơ sở của mình- sự hoài nghi về điều đang thực sự diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài tâm thể này- có thêm nhiều thời gian ngẫm nghĩ.
Đối với người bạn của tôi, chấp nhận rằng trời đang mưa, rằng cần phải dừng tưởng tượng mong mỏi điều “lẽ ra” phải xảy ra theo lý tưởng của cô không đồng nghĩa với việc cô phải thích cơn mưa ấy hay cô nên để chiếc ô của mình ở nhà. Từ bỏ điều “lẽ ra”, trong trường hợp này, chỉ đơn thuần là từ bỏ đi bất mãn với thực tại, thôi buộc tội trời đất khi trời đất làm điều trời đất phải làm, từ bỏ cả sự cương quyết, tiếc nuối dai dẳng về mong ước đáng lý cô nên làm điều gì đó hay ho hơn vào kỳ nghỉ của mình. Khi đã từ bỏ được sẽ chỉ còn lại cơn mưa kia, những giọt nước kia là điều cô phải đối mặt (hay hưởng thụ), điều này dẫu khó đạt tới song sẽ tổn thương tâm hồn cô ít hơn so với việc cứ mãi vẫy vùng, loay hoay, dày vò bản thân mình chỉ vì tiết trời thay đổi.
Nếu Lesley có thể nhận ra rằng thành phố cô đang vào hè, có lẽ cô đã có thể tận hưởng khoảnh khắc hiện tại nhiều hơn. Hiện tại của cô có thể hơi nóng, hơi ồn ã hay cô đơn nếu cô phải sống một mình, nhưng điều ấy sẽ vẫn tiếp diễn bình yên, thú vị nếu chẳng có điệp khúc thở than “lẽ ra”. Thay vì thở than về những dịp cuối tuần đã bỏ lỡ, cô đã có thể tận hưởng khoảnh khắc hiện tại cô đang sống nhiều hơn, hay tận hưởng hiện tại cô tự tạo ra cho mình. Ví như từ căn hộ của mình trong đô thị sầm uất, cô vẫn đặt được một chuyến đi tới bãi biển hay một cuộc viếng thăm bạn bè ở ngoại ô. Mọi thứ đều có thể xảy ra nếu ta bắt đầu từ thực tại mình đang có, trong khi đó tất cả chỉ là ảo giác, là huyễn hoặc nếu ta chỉ dậm chân nơi lời thở than “lẽ ra” từ mình.
Một thân chủ của tôi nhận ra rằng khi cô từ bỏ nỗi thống khổ, dày vò dằn vặt “Tôi nên có một cuộc đời thú vị hơn”, chỉ duy nhất một khoảnh khắc rất nhỏ cô phải đối mặt với bất mãn, với tình huống khó nhằn. Thậm chí khi “lẽ ra” biến mất, chỉ còn lại hiện thực ngay lúc này đây, cô nhận thấy hóa ra cuộc sống của mình chẳng đến nỗi nào mà còn vô cùng thú vị. Khi không còn nữa “cuộc đời tiểu thuyết”, cô có thời gian nhìn rõ hơn cuộc sống thực của mình, đi sâu vào trong nó hơn: đi xem phim, đi dạo, lắng nghe một khúc nhạc hay nằm dài trên bãi cát để tận hưởng ánh nắng mặt trời. Thay vì tính toán xem nên làm gì để đạt được cuộc đời như mơ, cô bắt đầu khám phá cô muốn gì, làm gì hiện tại, trong thế giới thực này. Cô như trở lại làm một thiếu nữ lần đầu có được chiếc xe hơi cho riêng mình, cô sung sướng cảm nhận luồng hơi thở tự do, sung sướng nhận ra mình có thể đi bất kì đâu, làm bất cứ điều gì mình ham thích.
Thực chất thì khi ta dừng để bản thân bị ám ảnh bởi mọi thứ “lẽ ra nên thế này thế khác” và chuyển mối quan tâm của mình vào thực tại, ta sẽ thấy rằng, ngược với điều số đông hay tâm niệm về khái niệm chấp nhận đồng nghĩa với thụ động, giải pháp ấy dành cho thực tại đáng chán kia giờ đây sáng tạo hơn và chủ động hơn nhiều. Nếu đủ ý chí để nhìn, để cảm nhận bản chất thực tại, những giải pháp khác nhau sẽ xuất hiện không ngờ tới được, thậm chí lại căng tràn táo bạo, tươi mới. Một giải pháp xuất phát từ trải nghiệm thực tế chứa đựng nguồn năng lượng không ngờ, mạnh mẽ hơn hẳn bất kì điều gì nảy sinh trong cơn lo lắng, hấp tấp tách rời khỏi hiện tại.
Nhiều năm liền tôi đặt mình trong mối quan hệ với người tôi nghĩ “lẽ ra” phải hoàn toàn khác. Tôi cứ ở mãi trong mối quan hệ này, mệt mỏi nhưng luôn tự nhủ phải nghe theo ảo tưởng “lẽ ra” của bản thân. Tới một thời điểm nhất định, khi đã chịu đựng với thực tại đủ lâu (dù rằng chẳng có mấy gánh nặng đến từ thực tại) tôi bắt đầu từ bỏ “câu chuyện như mơ” của mình. Từ chỗ chán nản, mệt mỏi với nỗi bất hạnh, với những sai lầm của người kia, tôi đẩy mình vào cuộc chiến chống lại nỗi bất hạnh, sai lầm từ người khác. Tôi bắt đầu nhìn thẳng vào con người thật của anh ta thay vì liên tục bị ám ảnh việc tôi muốn anh ta nên là người như thế nào. Tôi dần cảm nhận được những gì mình đã thật sự trải qua trong mối quan hệ này thay vì cố gắng lừa dối rằng mình đang hạnh phúc. Khi ấy thay cho những tức giận, trầm kha trước đây, tôi cảm thấy được một chân lý nào đó nảy nở trong chính tâm hồn mình mang theo nó sự yên bình tĩnh tại. Và rằng chẳng gì xót xa hơn sự thật, điều cuối cùng chẳng thể tránh khỏi: tôi không muốn ở bên người bạn đồng hành kia lâu dài thêm nữa.
Đó chính là sự thật mà cái “lẽ ra” ảo tưởng của tôi giữ tôi tránh phải đối mặt. Và thực vậy, những điều “lẽ ra” cho ta được sống trong sự phủ định, sống mà phải lẩn tránh nỗi đau khổ do sự thật gây ra và tránh cả việc ta cần phải làm gì đối với hiện thực của mình. Chúng ta vẫn tin rằng chấp nhận thực tại tạo ra sự thụ động nhưng thực chế thì chúng kiến tạo một mảnh đất quyền năng, kiếm tạo những đổi thay không thể tránh khỏi được.
Giả như chúng ta tiếp cận cuộc đời mình với lăng kính lý tưởng: lẽ ra cuộc đời mình chẳng phải như vậy đâu. Cuộc đời ta có thể một ngày tới sẽ khác đi nhưng hiện tại đây mới là cuộc đời ta đang có.
Điều mỉa mai ở chỗ dẫu ta có “cho phép” thực tại diễn ra hay không, thực tại vẫn còn đó, như nó đang là. “Cho phép” thực tại diễn ra chỉ là một ý tưởng nung nấu trong đầu mỗi cá nhân. Thực tại không đi đâu cả vì chúng ta có cho phép hay không cũng chẳng khác gì, sự kháng cự của ta không tác động gì đến bản thân thực tại và chỉ thực tại mới có thể tác động được đến ta. Thực tại luôn chiến thắng. Thay vì cố gắng chống lại sự thật, vốn chẳng khiến nó bớt thật hơn, ta có thể làm cuộc sống này nhẹ nhàng, yên bình hơn bằng cách từ bỏ ảo tưởng.
Mỗi khi ta nghe bản thân mình nghĩ vẩn vơ về điều “lẽ ra” nên xảy ra, nhìn thật kỹ xung quanh và trả lời câu hỏi, “Điều gì đang diễn ra vậy?”. Từ bỏ cuộc chiến chống lại thực tại, từ bỏ quan điểm “lẽ ra” của mình bạn sẽ phát hiện ra rằng thực tại khác biệt hẳn so với những gì đang diễn ra trong đầu bạn. Cách chắc chắn nhất để tìm được bình yên không phải là chiến thắng cuộc chiến mà là dừng lại các cuộc giao đấu, cạnh tranh.
#TAMLYHOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét