Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] LÀM TÊ LIỆT CẢM XÚC TIÊU CỰC, TRIỆT TIÊU CẢ CẢM XÚC TÍCH CỰC

Làm tê liệt và giảm tác động của những cảm xúc tiêu cực
Tôi từng trò chuyện với rất nhiều người tham gia nghiên cứu, những người đang loay hoay tìm kiếm giá trị của bản thân mình. Khi nói về cách đương đầu với những cảm giác khó chịu (như hổ thẹn, đau buồn, sợ hãi, tuyệt vọng, thất vọng và buồn chán), tôi được nghe đi nghe lại về nhu cầu làm tê liệt và giảm bớt tác động của những cảm giác gây ra tổn thương, bực bội và đau đớn. Họ miêu tả những cách thức giúp cho bản thân họ không còn cảm thấy tiêu cực nữa, hoặc giúp họ tránh xa nỗi đau. Một số người hoàn toàn ý thức được hành vi của họ có tác dụng làm tê liệt cảm xúc, trong khi số khác có vẻ không quan tâm đến điều này. Khi tôi phỏng vấn những người mà tôi cho là đang sống Toàn Tâm Toàn Ý về chủ đề tương tự, họ đều chia sẻ rằng, Nên cố gắng trải nghiệm cảm giác tiêu cực, để ý đến những hành vi làm tê liệt cảm xúc, và tìm cách đối diện với những cảm xúc không thoải mái.
Tôi biết đây là khám phá quan trọng trong nghiên cứu của mình, thế nên tôi thực hiện thêm hàng trăm cuộc phỏng vấn khác nhằm hiểu rõ hơn về hệ lụy của việc làm tê liệt cảm xúc và liệu những hành vi làm giảm bớt tác động tiêu cực của cảm xúc tiêu cực có khiến người ta bị nghiện hay không. Và sau đây là những gì tôi phát hiện:
Đa số chúng ta có những hành động (dù có ý thức hay không) giúp ta làm tê liệt và giảm bớt tác động của những cảm xúc khiến ta tổn thương, đau buồn và khó chịu.
Bị nghiện nghĩa là thường xuyên và ép buộc bản thân mình triệt tiêu những cảm xúc không mong muốn.
Chúng ta không thể chọn lựa làm tê liệt cảm xúc nào. Khi ta làm tê liệt những cảm xúc đau đớn, ta cũng làm tê liệt những cảm xúc tốt đẹp.
Phần lớn những cảm xúc mạnh mẽ mà ta cảm nhận được đều sắc bén, không khác gì một cái gai nhọn. Khi chúng đâm thấu tâm can ta, chúng gây nên sự khó chịu, thậm chí đau đớn. Chỉ cần thái độ đề phòng hoặc sợ sệt những cảm xúc này thôi cũng đủ kích thích cơn tổn thương vô tận trong ta. Ta biết nó đang ập đến. Với nhiều người, phản ứng đầu tiên trước cảm giác tổn thương, đau đớn không phải là đối diện với nó và chế ngự nó, mà là làm cho nó biến mất bằng cách làm tê liệt và giảm tác động của cơn đau thông qua bất cứ cách thức gì mang lại tác dụng nhanh nhất. Chúng ta gây tê chính mình bằng rất nhiều thứ, có thể là rượu bia, ma túy, thức ăn, tình dục, tiền bạc, cờ bạc, tìm cách khiến bản thân mình bận rộn, ngoại tình, mua sắm, lập kế hoạch, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, thay đổi xoành xoạch và lướt web.
Làm tê liệt cảm xúc tiêu cực, triệt tiêu cả cảm xúc tích cực
Hết sức bất ngờ ở chỗ, nghiên cứu của tôi còn cho tôi biết thêm một điều: Chúng ta không thể chọn lọc cảm xúc nào cần tê liệt, cảm xúc nào không. Cảm xúc con người cực kì đa dạng và một khi ta làm lu mờ những cảm xúc tăm tối, những cảm xúc tươi sáng cũng bị lu mờ theo. Khi tôi cố “giảm tác động” của sự đau đớn và tổn thương, tôi đã vô tình xóa nhòa những thứ tốt đẹp như cảm giác vui sướng.
Cảm giác vui sướng cũng sắc bén và gai góc như bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào. Để yêu một ai đó nồng nàn, để tin tưởng một điều gì đó hết lòng hết sức, để đón chào một cảm xúc lướt qua đúng lúc, để thật sự sống một cuộc đời không bảo đảm chỉ toàn màu hồng – bạn cần chấp nhận những rủi ro gắn liền với tổn thương và đau đớn. Nếu không chịu đựng được cảm giác khó chịu, ta cũng không thể tận hưởng niềm vui. Thật ra, nghiên cứu về các chứng nghiện cho thấy những trải nghiệm tích cực mạnh mẽ nhất cũng hay quay trở lại với ta không kém gì những chuyện đau buồn sâu sắc. (1)
Ta không thể lập danh sách những cảm xúc “tồi tệ” và tự nhủ, “Mình sẽ làm tê liệt hết mấy cảm xúc này”, sau đó viết ra danh sách những cảm xúc tích cực và bảo, “Mình sẽ tận hưởng tối đa những cảm xúc này!” Bạn có thể phát hiện ngay nhiều lỗ hổng trong cách suy nghĩ lệch lạc trên: Tôi không trải nghiệm được nhiều niềm vui nên khi đối mặt với khó khăn, tôi không biết tìm vui nơi đâu để vượt qua. Mọi thứ càng trở nên đau đớn, thế nên tôi phải làm tê liệt cảm xúc. Đã tê liệt cảm xúc rồi thì không còn thấy vui nữa. Rồi cứ thế.
Bây giờ, khi những cảm xúc tiêu cực đang quay lại cuộc đời tôi với những chiếc gai nhọn hoắt, tôi nhận ra rằng việc ý thức và đối diện với cảm giác khó chịu do tổn thương gây ra dạy cho ta cách sống trọn vẹn với nềm vui và lòng biết ơn.
(1) Gerard J. Connors, Stephen A. Maisto, và William H. Zywiak, “Male and female alcoholics’ Attributions Regarding the onset and Termination of Relapses and the maintenance of Abstinence”
Trích từ cuốn sách “The gift of imperfection” của tiến sỹ Brene Brown
Tựa tiếng Việt “Món quà của sự không hoàn hảo” của dịch giả Uông Xuân Vy và Vi Thảo Nguyên.
#TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét