Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] MỘT HỌC THUYẾT MỚI VỀ SỰ XAO NHÃNG

Chúng ta luôn cố gắng để không bị mất tập trung. Nhưng nếu sự xao nhãng cũng là một phần tạo nên cái tôi của ta thì sao?
“Vào những thời điểm khó khăn, khi ta chẳng thể viết nữa và đọc thôi cũng không đủ, thì ngữ pháp và từ điển là những thú tiêu khiển tuyệt vời,” nhà thơ Elizabeth Barrett Browning đã viết như vậy vào năm 1839. Những ngày huy hoàng. Browning vẫn đúng, tất nhiên rồi: cứ thử hỏi bất cứ ai đọc Wikipedia hay Urban Dictionary mà xem. Bà chỉ có vẻ lỗi thời bởi chẳng một người hiện đại nào cần lời khuyên là làm thế nào để mất tập trung. Giống như việc đánh máy, Google, hay lái xe, mất tập trung giờ đã là một khả năng mà ai cũng có. Trong việc này, chúng ta đều là chuyên gia.
Tuy vậy, bất chấp sự thành thục của chúng ta, mất tập trung vẫn mang một màu sắc bí ẩn. Thật khó để giải thích về vấn đề này: Nó có thể là một nhân tố bên trong hoặc bên ngoài, do thói quen hoặc xảy ra đột ngột, gây khó chịu hoặc dễ chịu. Nó được định hình bởi quyền lực: như là một ông sếp thấy một nhân viên mất tập trung, còn nhân viên thì lại thấy sếp mình độc đoán. Nhiều khi nó có thể khá có ích: nha sĩ của tôi, từng là một hướng dẫn viên trượt tuyết, kể rằng những người mới học trượt tuyết sẽ học tốt hơn nếu giáo viên của họ, bằng cách nói chuyện, khiến cho họ không để ý rằng họ đang trượt xuống một ngọn núi. (Bản thân ông ta cũng là một nhà gây mất tập trung bậc thầy trong nghề của mình; lần cuối cùng làm sạch răng cho tôi, ông ngân nga bài “You Make Loving Fun”, bao gồm cả đoạn độc tấu ghi-ta.) Nói ngắn gọn thì, có rất nhiều dạng trải nghiệm mất tập trung khác nhau. Và thật khó để khái quát hóa một hiện tượng hay thay đổi như vậy.


Một nguyên nhân khác cho sự khó hiểu về vấn đề này là sự gia tăng rõ rệt của việc mất tập trung. Có hai học thuyết giải thích vì sao tình trạng này lại trở nên phổ biến. Học thuyết đầu tiên lý giải bằng vật chất: Xã hội đô thị hóa và công nghệ cao đã làm cho chúng ta mất tập trung nhiều hơn. Vào năm 1903, nhà xã hội học người Đức Georg Simmel trong một bài luận gây khá nhiều ảnh hưởng The Metropolis and Mental Life, (Tạm dịch: Cuộc sống thành thị và tinh thần) lý luận rằng, trong một thành phố bão hòa về công nghệ thì “sự kích thích, quan tâm, và việc lấp đầy thời gian và sự chú ý” biến cuộc sống thành “một dòng chảy mà hiếm khi cần đến những nỗ lực cá nhân cho sự tồn tại của nó.” (Trong khi ở vùng quê, bạn phải tự mua vui cho mình). Vì vậy, một cách để hiểu sự bùng nổ của việc mất tập trung là thông qua sự phát triển của cuộc sống đô thị: không chỉ là tốc độ đô thị hóa của thế giới, mà cả những thiết bị điện tử đã cho phép chúng ta mang những trải nghiệm đô thị đến bất cứ nơi nào ta đi.

//
Học thuyết thứ hai nghiêng về mặt tinh thần – rằng chúng ta bị mất tập trung bởi vì tâm hồn chúng ta thấy không thoải mái. Nghệ sĩ hài Louis C.K. có lẽ là người nổi tiếng nhất hiện nay ủng hộ tư tưởng này. Một vài năm trước, trong chương trình “Đêm muộn” với Conan O’Brien, ông cho rằng mọi người bị nghiện dùng điện thoại vì “họ không muốn cảm thấy cô đơn dù chỉ trong một giây vì việc đó quá khó khăn.” (David Foster Wallace cũng nghĩ về việc mất tập trung theo hướng này.) Cách lý giải theo trường phái tâm linh này thậm chí còn lâu đời hơn cách lý giải bằng vật chất: vào năm 1874, Nietzsche viết rằng “vội vàng là một tình trạng phổ biến vì mọi người lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng rời khỏi thời điểm hiện tại”; vào thế kỉ 17, Pascal nói rằng “mọi đau khổ của con người bắt nguồn từ việc họ không thể ngồi yên trong một căn phòng yên lặng một mình.” Theo nhiều cách thì, trong hai giả thuyết, thuyết vật chất sẽ làm người ta thấy yên tâm hơn. Nếu sự gia tăng của việc mất tập trung là do công nghệ, vậy thì công nghệ có thể đảo ngược nó, trong khi nếu thuyết tinh thần đúng thì sự mất tập trung sẽ luôn tồn tại. Tuy vậy, đây không hẳn là một sự cạnh tranh; trên thực tế, hai vấn đề về công nghệ và tinh thần này có thể bổ trợ cho nhau. Sự kích thích có thể dẫn đến nhàm chán, và ngược lại.
Đáng tiếc là, chúng ta để mọi thứ đi quá xa: chúng ta giờ bị nghiện sự tự do, và cho rằng bất cứ hoàn cảnh nào – một bộ phim, một cuộc nói chuyện, một cuốc đi dạo xuống ngã tư kế tiếp trên phố – là một dạng cầm tù.
Matthew Crawford đã trình bày một phiên bản khác khá tương đồng với thuyết đồng hỗ trợ này trong quyển sách mới của ông, The World Beyond Your Head: Becoming an Individual in an Age of Distraction (Farrar, Straus & Giroux) (Tạm dịch: Thế giới ngoài tầm trí não bạn: Trở thành một cá nhân trong kỉ nguyên của sự xao nhãng). Crawford là một nhà triết học mà cuốn sách trước đó của ông, Shop Class as Soulcraft (Tạm dịch: Học làm thủ công để hàn gắn tâm hồn), bàn về việc lao động thủ công bằng tay có thể là một liệu pháp chữa trị cảm giác vô dụng của những người lao động tri thức. (Đọc thêm bình luận của Kelefa Sanneh về cuốn Shop Class as Soulcraft viết cho tạp chí The New Yorker tại đây). Crawford tranh luận rằng sự gia tăng của việc mất tập trung là kết quả của những thay đổi công nghệ mà, thực ra, bắt nguồn từ những gắn kết trong đời sống tinh thần của con người. Kể từ thời kì Khai Sáng, ông viết, xã hội phương Tây đã bị ám ảnh bởi sự độc lập, và trong một vài trăm năm vừa qua chúng ta đã để sự độc lập trở thành trung tâm cuộc sống của mình, về mặt kinh tế, chính trị, và công nghệ; và thường thì, khi chúng ta nghĩ về ý nghĩa của hạnh phúc, chúng ta nghĩ về sự độc lập khỏi ngoại cảnh. Đáng tiếc là, chúng ta để mọi thứ đi quá xa: chúng ta giờ bị nghiện sự tự do, và cho rằng bất cứ hoàn cảnh nào – một bộ phim, một cuộc nói chuyện, một cuốc đi dạo xuống ngã tư kế tiếp trên phố – là một dạng cầm tù. Mất tập trung vì vậy như một dạng khẳng định quyền kiểm soát; là sự độc lập một cách bừa bãi. Những công nghệ của sự giải thoát, chẳng hạn như smartphone, vì vậy rất hấp dẫn với thói quen độc lập của chúng ta.
Sự lựa chọn giống như một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản tiêu thụ, và những người đưa ra các lựa chọn cho chúng ta thì giống như những người mang đến sự tự do.
Cách mà chúng ta nói về sự mất tập trung đã luôn có hơi hướng chiều lòng bản thân – chúng ta nói, trong thể bị động, rằng chúng ta “bị mất tập trung bởi” Internet hay con mèo, và điều này khiến chúng ta giống như là nạn nhân của chính quyết định của mình. Nhưng Crawford chỉ ra rằng cách nói này làm sai lệch toàn bộ vấn đề. Vấn đề ở đây không chỉ là việc chúng ta tự lựa chọn những thú tiêu khiển gây xao nhãng này, mà còn là việc cái thú của việc mất tập trung chính là sự thỏa mãn khi được tự do hành động. Có một sự thích thú trong việc chọn lựa, một cảm giác thỏa mãn sau khi chúng ta chứng tỏ sự tự chủ của mình. Khi bạn vừa viết một bài luận trên Microsoft Word vừa xem một tập “American Ninja Warrior” trên một cửa sổ trình duyệt khác– tin tôi đi, bạn có thể làm điều này – bạn đang khẳng định sự tự do của mình khỏi sự nhàm chán của công việc. Khi bạn kiểm tra email trong lúc chờ qua đường, bạn đang chống lại việc bị bắt phải chờ đợi. Sự mất tập trung vì vậy thật hấp dẫn, bởi nó chủ động và có tính chống đối.
Cũng cần phải nói là, không phải sự mất tập trung nào cũng do bản thân tạo ra; thế giới đang trở nên bão hòa hơn bao giờ hết với quảng cáo. Và điều này, theo Crawford, đã làm cho sự mất tập trung trở thành một cuộc thi giữa những doanh nghiệp và ý chí cá nhân. Ví dụ như, ở sân bay, chúng ta nghe nhạc bằng tai nghe để khỏi phải nghe bản tin CNN. Ông nói rằng, có một cách giải thích cho việc các công ty công nghệ cá nhân chạy đua với các công ty quảng cáo và marketing. Nếu bạn đi xem phim và tắt điện thoại, bạn sẽ bắt buộc phải xem quảng cáo trước khi phim chiếu – nhưng, nếu bạn có một cái Apple Watch, bạn vẫn có thể khẳng định sự độc lập của mình bằng cách xem những ứng dụng và kiểm tra số bước chân mình đã đi. Cái chính là, cả hai việc đều có một điểm giống nhau: chúng đều có cái mà Crawford gọi là “tiếng nói tự chủ,” “ngôn ngữ của chủ nghĩa tiêu dùng về sự thỏa mãn trong lựa chọn,” trong đó sự lựa chọn của khách hàng được coi là đồng nhất với tự do và hạnh phúc. Ông viết rằng, “sự lựa chọn giống như một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản tiêu thụ, và những người đưa ra các lựa chọn cho chúng ta thì giống như những người mang đến sự tự do.”

//
Crawford tranh luận rằng chúng ta đều được bao bọc bởi hàng thế kỷ của công nghệ được thiết kế để bảo đảm sự tự chủ – smartphone chỉ giống như lớp trong cùng mà thôi. Nếu bạn lên Twitter từ máy tính bảng trong khi xem “Game of Thrones”, hay nghe Spotify trong khi làm một mẫu bảng biểu trong văn phòng, thì bạn đang tận dụng nhiều công nghệ tự chủ cùng một lúc. Một hiện tượng khá mỉa mai trong cốt lõi của cuộc sống hiện đại, Crawford viết, là thậm chí ngay trong lớp vỏ bọc của chúng ta thì “nhu cầu trở nên tự chủ” vẫn rất mạnh. Nhu cầu đó phụ thuộc vào “việc coi sự tự do giống như những sự lựa chọn, khi mà sự lựa chọn được hiểu như là một thời khắc lóe lên của ý muốn bản năng”(một phát bấm, một đường rê, một cú chạm tay). Dù những câu chuyện của các công ty công nghệ được kể lại như một cuộc cách mạng, chúng ta còn ít cách tân hơn những tay đánh bạc trong một casino. Một tay cờ bạc trải qua việc thắng và thua; anh ta chấp nhận những rủi ro và đưa ra các lựa chọn ảnh hưởng đến số phận của mình. Nhưng anh ta làm tất cả những việc này trong một “môi trường đã được lập trình,” và những trải nghiệm của anh ta chỉ là một bản sao của những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Giống như việc chiến thắng đầy châm biếm — cái sự thắng mà, thực ra về lâu dài, sẽ là thua — là tâm điểm trong cuộc sống một tay cờ bạc, sự tự do đầy mỉa mai—hành động mà thực ra là việc mất tập trung—đã trở thành một “phong cách tồn tại” của người hiện đại.
Sự cực đoan trong cách nhìn này có lẽ sẽ khiến bạn mong đợi cách giải quyết của Crawford như sau: Đốt hết đi! Phá bỏ ma trận này đi! Nhưng gợi ý của ông hóa ra lại khiêm nhường hơn rất nhiều. “Hình ảnh của sự xuất sắc của con người tôi muốn đưa ra đối lập với quan niệm về sự tự do từ trước đến nay,” ông viết, “nó là một trí óc mạnh mẽ, độc lập làm việc hết công suất.” “Làm việc” là từ khóa ở đây. Phần lớn cuốn The World Beyond Your Head là về những người làm các công việc mà họ bắt buộc phải chú tâm: đầu bếp nấu ăn theo thực đơn, người chơi hockey, tay đua mô tô, thợ thổi thủy tinh. Những người này, Crawford viết, cố gắng để làm cho bản thân họ phù hợp với một thế giới đầy đòi hỏi. Khi một đầu bếp phải cố theo kịp những đơn đặt hàng mới từ khách hàng, hay khi một tay đua mô tô tiên đoán một đoạn đường trơn trượt phía trước, họ bị “giới hạn và kích thích” cùng một lúc bởi những khó khăn họ gặp phải. (Không có nhiều an ủi cho những nhân viên văn phòng tận tụy trong cuốn sách; chính bản thân Crawford đã từ bỏ sự nghiệp học thuật truyền thống để điều hành một doanh nghiệp chế tạo các bộ phận cho xe mô-tô.) Vấn đề ở đây là những người đó, những người bị bao vây bởi những thứ họ làm, không thực sự độc lập; thay vào đó, họ phải tự làm bản thân phù hợp với thế giới thực tại (căn bếp đầy đòi hỏi, đoạn đường khó đoán trước). Họ không sống trong những suy nghĩ của mình, mà lại phải cảm nhận độ bám của bánh xe trên nhựa đường, sức nóng của ngọn lửa ở bếp nướng. “Niềm vui là cảm thấy sức mạnh của bản thân đang tăng dần lên,” ông viết. Sự mất tập trung đối nghịch với niềm vui, thứ mà ngày trở nên hiếm hơn khi chúng ta dành nhiều thời gian hơn trong một môi trường không chút căng thẳng của những lựa chọn công nghệ dễ dàng và vặt vãnh.


The World Beyond Your Head thực sự sâu sắc và có nhiều phần khá thuyết phục. Vấn đề của nó, mỉa mai thay, lại chính là tập trung. Crawford cuối cùng nhận định gần như tất cả cuộc sống hiện đại là một nguồn của sự mất tập trung. Trái ngược lại, ông có vẻ chỉ hài lòng khi rèn luyện một tổ hợp hạn chế các kĩ năng tay chân. Và ông quá đề cao sức mạnh của cái mà thực ra là một khía cạnh phiền phức của cuộc sống hiện nay. Và không chỉ có mình ông nghĩ vậy: nhiều người viết về sự mất tập trung mô tả vấn đề này như là một thảm họa của sự tồn tại. Một cuốn sách trước đó gây ảnh hưởng khá nhiều về chủ đề này của nhà báo Maggie Jackson tên là Distracted: The Erosion of Attention and the Coming Dark Age (Tạm dịch: Mất tập trung: Sự xói mòn của sự chú ý và sự trỗi dậy của kỷ nguyên bóng đêm).
Nhìn chung, sự mất tập trung đáng sợ còn bởi một lý do liên quan khác: giá trị to lớn mà chúng ta gán cho việc tập trung.
Vậy tại sao nhiều nhà văn lại thấy việc mất tập trung đáng sợ đến vậy? Câu trả lời hiển nhiên là vì họ là nhà văn. Đối với họ, hơn bất cứ ai, việc mất tập trung thực sự là một mối hiểm họa rõ ràng. Trước khi viết Shop Class as Soulcraft, Crawford đã nhận bằng Tiến sĩ về triết học tại Đại học Chicago. Sự mất tập trung còn đáng sợ hơn với những sinh viên cao học; khi mà một vài năm dành để viết luận văn khiến bạn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng sợ hãi và căm ghét nó.

//
Nhìn chung, sự mất tập trung đáng sợ còn bởi một lý do liên quan khác: giá trị to lớn mà chúng ta gán cho việc tập trung. Thế giới hiện đại này chỉ coi trọng một vài thứ hơn khả năng tập trung. Nó đòi hỏi chúng ta tập trung ở trường và trong công việc; nó trừng phạt các bậc cha mẹ khi xao lãng con mình, nó đòi hỏi chúng ta phải luôn để ý đến tiền bạc, đồ ăn, và sự cân đối; nó khen ngợi những người đòi hỏi sự tập trung ở người khác. Những cá nhân như chúng ta nhận được khá nhiều từ những sản phẩm của sự tập trung cao độ – từ các dự án đã hoàn thành, những mối quan hệ ta gìn giữ, những trách nhiệm ta bảo vệ, những kĩ năng ta thành thục. Cuộc sống dường như xoay quanh việc giữ tập trung – và xu hướng chung thì có vẻ như là hướng đến một cuộc sống tập trung hơn. Đằng sau cuộc khủng hoảng của việc mất tập trung, nói ngắn gọn, chính là sự khủng hoảng của việc tập trung: khi mà sự tập trung ngày càng trở nên giá trị, còn những vấn đề của sự mất tập trung, dù là vô thưởng vô phạt, ngày càng bị coi là nghiêm trọng. (Theo những cuốn sách dạy cách tự lập thì, sự mất tập trung và sự bận rộn đã trở thành hai con quái vật của thời hiện đại.
Vấn đề của cách tư duy này là mọi người không dành tất cả thời gian của họ suy nghĩ theo một cách có tổ chức và tự chủ. Tâm trí chúng ta thường lang thang, và cuộc sống thì đầy những giây phút vô nghĩa.
Với việc ám ảnh về sự tự chủ của chúng ta, việc coi trọng sự tập trung một cách quá mức như vậy là một di sản của thời kỳ Khai Sáng: câu nói của nhà triết học Descartes “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” còn có một nghĩa khác, là bản chất chúng ta là những suy nghĩ của chúng ta. Vấn đề của cách tư duy này là mọi người không dành tất cả thời gian của họ để suy nghĩ theo một cách có tổ chức và tự chủ. Tâm trí chúng ta thường lang thang, và cuộc sống thì đầy những giây phút vô nghĩa. Nhiều phút trôi qua khi bạn lắng nghe giai điệu bài hát của Rihanna trong đầu, hay thơ thẩn ngắm nhìn đôi giày của mọi người, hoặc nhớ về thời trung học. Đôi khi, tâm hồn bạn chỉ là một mớ hỗn độn của những hình ảnh, cảm giác, âm thanh, kí ức; những lúc khác, bạn có thể nhìn ra ngoài cửa sổ và chẳng nghĩ về điều gì cả. Kiểu mất tập trung này không đóng góp gì nhiều cho việc hình thành một cái tôi nhất quán, mà thậm chí còn có thể hạ thấp nó. Bạn ở đâu khi bạn chơi Temple Run? Bạn là ai khi bạn nhìn tấm hình động của con mèo? Nếu bản thân bạn được định hình bởi những điều bạn suy nghĩ, vậy bạn là gì khi suy nghĩ của bạn không cấu thành điều gì cả? Bị mất tập trung, dưới góc độ này, giống như việc đi ngủ. Nó như là tạm dừng lại cái tôi của chính bạn.
Chúng ta nên làm gì với sự vô-bản ngã, hay kháng-bản ngã dai dẳng này? Bạn tất nhiên có thể gập người xuống mà cố gắng để tạc nên một cái tôi tốt hơn, như Crawford làm – nơi mà sự mất tập trung được thay bằng tập trung. Hoặc bạn có thể cố, như nhiều người đã làm, nhận thức lại bản thân theo một cách mà để việc mất tập trung có ý nghĩa. Ví dụ như Freud đã chọn cách là giải thích về tính ngẫu nhiên của trí não. Còn những nhà siêu thực thì sáng tạo tác phẩm nghệ thuật từ nó. Nhiều nhà triết học tranh luận rằng bản ngã thực chất không thống nhất như ta vẫn nghĩ. Cách giải thích mà tôi ủng hộ nhất là cách James Joyce đã làm trong “Ulysses,”: Ông chỉ đơn giản chấp nhận sự vô bản ngã này, theo một cách không hề phán xét. Trong “Ulysses,” các nhân vật luôn bị mất tập trung. Họ ngâm nga những bài hát trong đầu, nghĩ về đồ ăn, có những tưởng tượng tình dục. Vì họ không cảm thấy có lỗi về điều này, họ chẳng bao giờ chú ý đến nó. Trên thực tế, họ ít khi nào cảm thấy tội lỗi về những suy nghĩ của mình.
Những suy nghĩ mất tập trung của chúng ta cũng là một phần của chúng ta vậy.
Đối với Leopold Bloom, niềm vui không phải là cảm thấy sức mạnh tăng lên – mà thực ra với tôi là cách khá lạ lùng để định nghĩa niềm vui. Niềm vui là một nụ hôn trên bãi cỏ với vợ anh, Molly, khi cô chuyền một miếng bánh từ miệng mình sang cho anh. (“Mê đắm nằm bên nàng, môi kề môi, tôi hôn nàng. Ngon tuyệt. Nhẹ nhàng nàng đưa vào miệng tôi miếng bánh hạt Caraway ấm nóng …Niềm vui: Tôi nếm nó: niềm vui.”) Qua thời gian, khoảnh khắc hạnh phúc này – mà thực ra cũng khá lạ lẫm – ập đến trong tâm trí của Bloom. Tại sao lại phải chống lại nó? Đây chính là cách con người vẫn sống. Tâm trí họ luôn trôi nổi. “Ulysses” công nhận những bộ não tự chủ, tập trung, chú ý, với những kế hoạch hữu dụng, ý nghĩ, và kĩ năng, như một phần của bản ngã. Và cũng như vậy, những suy nghĩ mất tập trung của chúng ta cũng là một phần của chúng ta.

//
Trong một vài tuần vừa rồi, khi tôi đọc những mô tả thê lương của Crawford về việc loại trừ sự mất tập trung, tôi nhận ra rằng cách chúng ta đang nghĩ mọi thứ có lẽ bị ngược. Nếu như, trên thực tế, chúng ta không giỏi trong việc làm mình mất tập trung thì sao? Nếu như trong ta thực ra không coi trọng việc mất tập trung đủ thì sao? Có lẽ là, với những trò chơi trên điện thoại và cập nhật trên Twitter và playlists trên YouTube, chúng ta đã cho phép việc mất tập trung trở nên dễ đoán và lặp lại, có thể quản lý và sắp xếp, tẻ nhạt và nhàm chán – mà ngắn gọn là, giống như công việc. Nếu “Ulysses” được viết vào thời đại này, Bloom có lẽ sẽ đang xem điện thoại của mình, nhưng tôi nghi ngờ việc anh có thể google ra bất cứ thứ gì tốt hơn những cái đã có sẵn trong đầu mình. Chúng ta nên cảm thấy thoải mái hơn với con người mất tập trung của mình, và, thay vì chối bỏ nó, hãy chào đón nó. Twitter chẳng thể cạnh tranh với một trí nhớ không bị kiểm soát. Facebook không tài nào sánh nổi với nụ hôn đó.
Tác giả: Joshua Rothman 
Nguồn: http://www.newyorker.com/culture/cultural-comment/a-new-theory-of-distraction
Biên dịch: Nguyên 
Hiệu đính: Dexter
#TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét