Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] BẠN ĐÃ THẬT SỰ “HIỆN DIỆN” VÌ NGƯỜI CẦN BẠN NHẤT?

Khi mẹ tôi đang hấp hối, anh chị em chúng tôi tụ họp về bên mẹ trong những ngày cuối cùng. Chẳng ai trong chúng tôi biết cách hỗ trợ người sắp qua đời, nhưng vì khá chắc chắn rằng mình muốn mẹ được nghỉ ngơi ở nhà, nên chúng tôi đã làm như vậy.
Trong thời gian ở bên động viên mẹ, chúng tôi cũng được một y tá chăm sóc cuối đời tài giỏi giúp đỡ. Tên cô là Ann, cứ vài ngày thì cô lại ghé chăm sóc mẹ và nói chuyện với chúng tôi về tình trạng của mẹ trong vài ngày tới. Cô dạy chúng tôi cách tiêm morphin cho mẹ khi bà đau đớn, nhận làm những việc khó (như tắm cho mẹ), và cho chúng tôi tất cả những lời khuyên cần thiết về việc phải làm gì với thi thể của mẹ sau khi bà ra đi.
“Không phải vội đâu,” cô nói. “Anh chị không cần gọi nhà tang lễ nếu chưa sẵn sàng. Hãy tập hợp những người muốn nói lời tạm biệt cuối cùng với bà. Ngồi bên bà bao lâu anh chị cần. Khi đã sẵn sàng, hãy gọi cho nhà tang lễ.”
Ann đã mang đến cho chúng tôi một món quà tuyệt vời trong những ngày cuối đó. Tuy đó là một tuần đầy đau khổ, chúng tôi biết mình đang được hỗ trợ bởi một người chỉ cần chúng tôi gọi điện là đến ngay.
Trong 2 năm kể từ ngày đó, tôi thường nghĩ về Ann và vai trò quan trọng của cô trong cuộc sống chúng tôi. Cô không chỉ là một “y tá chăm sóc cuối đời”. Cô là một người hỗ trợ, huấn luyện và hướng dẫn. Bằng sự hỗ trợ và hướng dẫn nhẹ nhàng, không phán xét của mình, cô đã giúp chúng tôi vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Việc làm của Ann có thể được định nghĩa bằng một thuật ngữ phổ biến trong vài nhóm người mà tôi làm việc cùng. Cô ấy hiện diện vì chúng tôi.

“HIỆN DIỆN” VÌ MỘT NGƯỜI NGHĨA LÀ GÌ?

Hiện diện vì người khác nghĩa là ta sẵn lòng đồng hành cùng người đó trên mọi hành trình họ đi qua mà không phán xét, khiến họ cảm thấy mình không xứng đáng, cố gắng chỉnh sửa họ hoặc ra sức tác động đến kết quả. Khi hiện diện vì người khác, ta mở lòng mình, hỗ trợ họ vô điều kiện, đồng thời buông bỏ những phán xét và kiểm soát.
Đôi khi, ta hiện diện vì một người trong khi họ hiện diện vì những người khác nữa. Chẳng hạn như trong tình huống của tôi, Ann hiện diện vì chúng tôi trong khi chúng tôi hiện diện vì mẹ. Dù không biết gì về hệ thống hỗ trợ của Ann, tôi đoán rằng cũng có người đang hiện diện vì cô khi cô đảm đương công việc đầy thách thức và ý nghĩa này. Ta gần như không thể hiện diện vì người khác nếu không có người hiện diện vì ta. Ngay cả những lãnh đạo, huấn luyện viên, y tá… giỏi nhất cũng cần biết rằng có những người mà họ có thể thể hiện mặt yếu đuối của mình khi ở bên những người đó mà không sợ bị phán xét.
Trong vai trò giáo viên, cố vấn, huấn luyện viên, người mẹ, người vợ và người bạn, tôi luôn cố hết sức để hiện diện vì người khác như cách Ann đã làm cho anh chị em tôi. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi khuynh hướng tự nhiên của tôi luôn là chỉnh sửa người khác, cho họ lời khuyên hoặc phán xét họ vì đã không thành công hơn, nhưng tôi luôn cố gắng vì tôi biết điều này rất quan trọng. Đồng thời, cũng có những người trong đời mà tôi tin tưởng để họ hiện diện vì mình.
Ta không thể thật sự giúp đỡ người khác trong quá trình phát triển, chuyển hóa, đau buồn… của họ bằng cách tước đi sức mạnh của họ (cố sửa chữa vấn đề của họ), làm họ xấu hổ (ám chỉ rằng họ nên hiểu chuyện hơn), hoặc làm họ choáng ngợp (đưa ra nhiều thông tin hơn lượng thông tin họ sẵn sàng đón nhận). Ta phải sẵn sàng bước qua một bên để họ có thể đưa ra lựa chọn của riêng mình, ủng hộ và yêu thương họ vô điều kiện, nhẹ nhàng hướng dẫn họ khi cần thiết, và khiến họ cảm thấy an toàn ngay cả khi họ phạm lỗi.
Hiện diện vì người khác không chỉ là công việc của cố vấn, huấn luyện viên hay y tá chăm sóc cuối đời. Đó là điều TẤT CẢ chúng ta có thể làm vì nhau – vì người bạn đời, con cái, bạn bè, hàng xóm và thậm chí là vì một người lạ bắt chuyện với ta trên chuyến xe buýt đến công ty.

8 MẸO GIÚP BẠN HIỆN DIỆN VÌ NGƯỜI KHÁC

Đây là những bài học tôi đã học được từ Ann và những người đã hiện diện vì tôi.
1. Cho phép người khác tin tưởng vào trực giác và trí tuệ của chính họ.
Khi hỗ trợ mẹ trong những ngày cuối đời, chúng tôi không hề có chút kinh nghiệm nào, nhưng bằng trực giác, chúng tôi biết mình cần phải làm gì. Chúng tôi biết cách đỡ cơ thể nhỏ bé của mẹ đến phòng tắm, biết cách ngồi cạnh và hát thánh ca cho mẹ, và biết cách yêu thương mẹ. Thậm chí chúng tôi còn biết khi nào là thời điểm tiêm thuốc giảm đau cho mẹ. Bằng một cách rất nhẹ nhàng, Ann cho chúng tôi biết rằng chúng tôi không cần phải làm theo những điều trong hướng dẫn chăm sóc y khoa – chúng tôi chỉ cần tin vào trực giác và những kiến thức tích lũy từ nhiều năm yêu thương mẹ.
2. Cung cấp đủ lượng thông tin người khác có thể xử lý.
Ann cho chúng tôi vài hướng dẫn đơn giản và vài sách hướng dẫn nhỏ, nhưng không làm chúng tôi choáng ngợp trước hàng tá thông tin mình không thể xử lý trong giai đoạn đau buồn này. Quá nhiều thông tin có thể khiến chúng tôi cảm thấy mình không đủ tốt và không xứng đáng.
3. Đừng tước đi sức mạnh của họ.
Khi lấy đi sức mạnh khỏi quyết định của người khác, ta khiến họ cảm thấy vô dụng và kém cỏi. Có thể có những lúc ta cần can thiệp và ra những quyết định khó khăn thay người khác (khi họ đang lên cơn nghiện và sự can thiệp có thể là cách duy nhất để cứu họ), nhưng trong hầu hết các tình huống khác, mọi người (thậm chí là con cái chúng ta) cần quyền tự ra quyết định. Ann biết rằng chúng tôi cần cảm thấy có quyền trong việc ra quyết định thay mẹ, và vì thế cô chỉ giúp đỡ chứ không bao giờ cố gắng điều khiển hay kiểm soát chúng tôi.
4. Đừng để cái tôi của bạn xen vào.
Điều này vô cùng quan trọng. Ta đều đôi lần mắc phải cái bẫy này – khi ta bắt đầu tin rằng thành công của người khác phụ thuộc vào sự can thiệp của ta, hoặc khi ta nghĩ thất bại của họ ảnh hưởng xấu đến ta, hoặc khi ta tin bất cứ cảm xúc nào họ chuyển sang ta là về ta, thay vì về họ. Đây là cái bẫy tôi đôi lúc mắc phải khi giảng dạy. Tôi thường lo lắng về thành công của chính mình (Liệu học sinh có thích mình không? Điểm số của các em có phản ánh khả năng giảng dạy của mình không?…) hơn là thành công của học sinh. Nhưng làm vậy chẳng có lợi cho ai – kể cả tôi. Để thật sự hỗ trợ sự phát triển của họ, tôi phải dẹp cái tôi của mình qua một bên và tạo cho các em không gian để có cơ hội phát triển và học tập.
5. Khiến họ cảm thấy an toàn để thất bại.
Trong quá trình học tập, phát triển, trải qua đau buồn hoặc giai đoạn biến chuyển, ắt hẳn ai ai cũng sẽ phạm sai lầm. Khi chúng ta, người luôn hiện diện vì họ, không phán xét và làm họ xấu hổ, ta cho họ cơ hội tìm về với nội tại để can đảm chấp nhận rủi ro và kiên định vững bước ngay cả khi thất bại. Khi ta để họ biết thất bại chẳng qua là một phần của hành trình chứ không phải dấu chấm hết, họ sẽ bớt dằn vặt bản thân và dành nhiều thời gian hơn để học hỏi từ những sai lầm của mình.
6. Hướng dẫn và giúp đỡ họ một cách khiêm tốn và chu đáo.
Người hiện diện vì người khác biết khi nào nên khoan hướng dẫn (khi nó khiến người khác cảm thấy ngu ngốc và kém cỏi) và khi nào nên nhẹ nhàng hướng dẫn (khi người đó nhờ bạn hướng dẫn hoặc bối rối đến mức không biết phải thắc mắc điều gì). Mặc dù Ann không hề lấy đi sức mạnh hoặc quyền tự chủ của chúng tôi, cô đề nghị đến và giúp tắm cho mẹ và làm những công việc khó khác. Chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng, bởi chúng tôi chưa từng làm điều đó và cũng không muốn đặt mẹ vào tình huống có thể khiến bà cảm thấy xấu hổ. Đây là một bước đi thận trọng mà ta đều phải thực hiện khi hiện diện vì người khác. Việc nhận ra khía cạnh mà người khác cảm thấy yếu đuối và kém cỏi nhất, sau đó đề nghị giúp đỡ mà không khiến họ mất mặt đòi hỏi bạn phải luyện tập và khiêm tốn.
7. Tạo chỗ chứa những cảm xúc phức tạp, nỗi sợ, nỗi đau…
Khi cảm thấy được thấu hiểu sâu sắc, mọi người cảm thấy đủ an toàn để bộc lộ những cảm xúc phức tạp mà trước đây thường bị giấu kín. Những người giỏi hiện diện vì người khác biết rằng điều này có thể xảy ra và sẽ chuẩn bị tinh thần đón nhận nó một cách nhẹ nhàng, cảm thông và không phán xét.
Họ trở thành nơi mọi người cảm thấy đủ an toàn để thể hiện mặt yếu đuối mà không sợ điều đó sẽ khiến họ mãi để lại ấn tượng xấu hoặc xấu hổ với đối phương. Họ sẽ luôn ở đó tiếp thêm sức mạnh và lòng can đảm cho bạn. Điều này không hề dễ dàng, và đây là công việc tôi liên tục học hỏi khi chủ trì những buổi nói chuyện ngày càng khó nhằn. Ta không thể làm được điều này nếu bản thân ta quá cảm tính, nếu không dám can đảm nhìn vào mặt tối của chính mình, hoặc không tin tưởng người mà ta đang hiện diện vì họ. Trong trường hợp của Ann, cô làm điều này bằng cách xuất hiện một cách nhẹ nhàng, cảm thông và tự tin. Nếu cô xuất hiện theo cách không cho thấy cô có thể xử lý các tình huống khó hoặc nếu cô sợ cái chết, chúng tôi đã chẳng tin tưởng cô như vậy.
8. Cho phép họ có những quyết định và trải nghiệm khác với bạn.
Hiện diện vì người khác là tôn trọng sự khác biệt của người khác và nhận ra rằng những khác biệt này có thể đưa họ đến với những lựa chọn không giống với ta. Ví dụ, đôi lúc họ đưa ra lựa chọn theo các tiêu chuẩn truyền thống mà ta không thể hiểu được nếu dựa trên trải nghiệm của chính ta. Khi hiện diện vì người khác, ta phải dẹp bỏ sự kiểm soát và tôn trọng sự khác biệt. Chẳng hạn như điều này thể hiện ở cách Ann hỗ trợ chúng tôi quyết định việc lo tang lễ cho mẹ khi bà qua đời. Nếu có nghi thức tâm linh mà chúng tôi cảm thấy cần thực hiện trước khi tiễn bà sang thế giới bên kia, chúng tôi có thể thoải mái làm điều đó ở nhà.
Hiện diện vì người khác không phải là việc ta có thể thành thạo một sớm một chiều, hoặc có thể được trình bày đầy đủ trong danh sách những mẹo nhỏ như tôi vừa làm. Đó là quá trình thực hành phức tạp vốn sẽ phát triển khi ta luyện tập, và nó khác nhau tùy theo từng người trong từng hoàn cảnh.
 #TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét