Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] THOẢ MÃN THÔI THÚC MÔI MIỆNG

Đôi lúc tôi không biết là mình ăn vì mình muốn ăn món đó hay là vì cảm giác thoải mái khi có món gì đó để nhấm nháp. Những cây bút chì trên bàn tôi đã hoàn toàn bị nhai nát. Việc nhai thanh kẹo cao su vị trái cây giúp tôi kiềm chế cơn thèm ăn bánh donut. Tôi mừng vì mình không hút thuốc lá chứ không thì tôi đã trở thành cái ống khói rồi. Tôi luôn luôn bỏ đồ vào miệng. Vấn đề bây giờ chỉ còn là nhai thứ gì mà không khiến tôi tăng cân thôi. – Monica
Có nhiều lý do mà con người đưa ra để giải thích tại sao họ chọn hút thuốc. Nếu bạn hỏi một người hút thuốc tại sao họ hút thì bạn sẽ nghe được một loạt câu trả lời như…
“Nó vui”
“Nó như là một phần thưởng”
“Nó giống như người bạn của tôi”
“Nó giết thời gian”
“Tôi thích nhìn khói thuốc
“Nó ngầu”
“Nó giúp tôi tập trung và suy nghĩ”
“Nó giúp tôi thư giãn”
“Nó dễ chịu”
“Nó giúp tôi xả hơi”
Một lý thuyết tâm lý học có thể nằm dưới tất cả những lý do hút thuốc đó, vì hút thuốc và nhu cầu hút thuốc thoả mãn một thôi thúc môi miệng. Bạn cảm thấy tốt khi có một thứ gì đó trong miệng và nó mang lại một kiểu thoả mãn có nền tảng ở thời kì phát triển đầu đời mà tại đó giai đoạn phát triển môi miệng là nổi bật. Khi một người hút thuốc cố gắng bỏ thuốc, thì họ đang bỏ đi một “chân chống” tâm lý mạnh mẽ để thoả mãn nhu cầu môi miệng này.
Nếu một người hút thuốc bỏ thuốc thành công thì việc hiểu được điều gì là nền tảng của hành vi hút thuốc của họ và tìm ra một số cách thay thế để thoả mãn thôi thúc môi miệng đó là có ích.




QUAY VỀ VỚI BẦU VÚ
Quay về thời kì sơ sinh, thôi thúc môi miệng thường biểu lộ trong 18 tháng đầu đời. Miệng, môi và lưỡi là những nguồn mang lại khoái cảm và sự thoả mãn chính cho trẻ sơ sinh (“những phần cơ thể nhạy cảm trước kích thích tình dục”). Khi còn là đứa trẻ sơ sinh, chúng ta cần bú, mút, và nhu cầu bú mút này được thoả mãn một cách thích hợp nhất bằng bầu vú hoặc bình sữa. Nếu chúng ta được cho bú bằng bầu vú hoặc bú bình với sự yêu thương, quan tâm và vỗ về, và mọi thứ diễn ra trôi chảy chúng ta vượt qua dễ dàng giai đoạn môi miệng này và chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Nếu vì lý do nào đó mà chúng ta không được đáp ứng đầy đủ trong giai đoạn môi miệng, thì chúng ta thấy mình vẫn còn có một nhu cầu mạnh mẽ “bú mút” thứ gì đó hoặc cho thứ gì đó vào miệng. Chúng ta bị “cắm chốt” tại giai đoạn phát triển này và chúng ta sẽ bộc lộ những đặc điểm nhất định của giai đoạn đó. Đó là cách của chúng ta để cố thoả mãn một nhu cầu mạnh mẽ chưa bao giờ được đáp ứng đầy đủ khi còn bé.
NHỮNG SỰ THỎA MÃN VÀ NHỮNG GIÁN ĐOẠN TRONG GIAI ĐOẠN MÔI MIỆNG
Trong vài tháng đầu đời, chúng ta sống trong một thế giới cảm nhận và vận động. Chúng ta không cảm nhận sự tách biệt giữa bản thân và người mẹ của chúng ta; chúng ta sống trong một mối quan hệ cộng sinh với mẹ, một sự phụ thuộc hoàn toàn ở đó không có sự chia cách giữa bản thân chúng ta và mẹ. Khi còn là đứa trẻ sơ sinh, chúng ta cảm nhận những gì mà mẹ mình cảm nhận. Khi bà ấy nở nụ cười ấm áp, vui vẻ thì chúng ta ngay lập tức trải nghiệm được niềm vui đó như là trải nghiệm của riêng mình, và phơi mình trong cảm giác ấm áp và an toàn. Sự ấm áp, quan tâm và tình yêu chúng ta nhìn thấy trong nụ cười của mẹ trở thành nền tảng cho cách chúng ta nhìn về bản thân mình và thế giới. Khi chúng ta có thể mong đợi và chấp nhận tình cảm thì chúng ta học được cách tin tưởng vào bản thân và người khác và chúng ta đón nhận cuộc sống với cánh tay rộng mở yêu thương. Tuy nhiên, nếu bà mẹ tỏ ra lo lắng hoặc khó chịu, bực bội, không thân thiện thì chúng ta cảm nhận được những cảm xúc bất an, rối loạn đó trong lòng chúng ta. Những ấn tượng đầu tiên đó về thế giới, khi được trải nghiệm thông qua người mẹ của chúng ta, thấm sâu vào tâm hồn chúng ta, về nghĩa đen nó định hình nên cách chúng ta học hỏi để nhìn nhận cuộc sống.
Kinh nghiệm đầu đời này về thế giới là một thế giới cảm giác của đau đớn và khoái lạc, của sự thoải mái và khó chịu, của sự lạnh lùng và ấm áp. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để quan tâm, chăm sóc đến những nhu cầu của chúng ta. Nếu chúng ta khóc để thể hiện sự khó chịu của chúng ta do đau đớn, đói bụng hay cô đơn và có một ai đó chạy đến vỗ về và an ủi chúng ta, thì chúng ta học được rằng chúng ta có thể tin tưởng người khác để thoả mãn những nhu cầu của mình. Chúng ta phát triển một sự an toàn nội tâm rằng những nhu cầu của mình rồi sẽ được đáp ứng. Chúng ta cảm thấy an tâm và phát triển lòng tin sâu sắc rằng người khác sẽ đáp ứng chúng ta. Sự phát triển của lòng tin trở thành một tầng sớm nhất và sâu sắc nhất của tâm trí con người nếu chúng ta được yêu thương.
Sự ấm áp, quan tâm và tình cảm chúng ta cảm nhận đã xây dựng một nền tảng ổn định của tình yêu và niềm tin về người khác, về bản thân và thế giới. Một sự AN TOÀN nội tâm sâu sắc phát triển từ trải nghiệm rằng chúng ta được yêu thương tha thiết. Được yêu thương vô cùng cho phép chúng ta yêu thương bản thân, yêu sự sống và có thể tin tưởng người khác đủ để yêu thương họ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta khóc mà những người khác phớt lờ chúng ta hoặc tức giận với chúng ta vì tội làm phiền họ, thì chúng ta sẽ cảm nhận được rằng mình không quan trọng và sợ rằng những nhu cầu cơ bản của chúng ta về thức ăn và sự tương tác thoải mái sẽ không được đáp ứng. Chúng ta cô độc trong một thế giới dường như lạnh lùng, tàn nhẫn và lãnh đạm trước những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cảm thấy sợ hãi, cô đơn và thừa thãi, một ấn tượng in đậm trong tâm trí ta, khiến chúng ta không tin tưởng người khác và cảm thấy bi quan rằng những nhu cầu của mình sẽ không được thoả mãn.
Thật không may là một số người trong chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm được sự an toàn, sự thoải mái và tình yêu chúng ta cần có để hình thành một nền tảng ổn định cho niềm tin vào thế giới. Một số người trong chúng ta bị bạo hành tinh thần, bị chối bỏ tàn nhẫn nhu cầu về sự thoải mái và sự an toàn. Quan điểm về thế giới của chúng ta phản ánh những gì chúng ta đã trải nghiệm trong năm đầu đời. Sự bỏ bê dẫn đến một quan điểm bi quan (“Tôi không thể dựa vào bất kỳ thứ gì“, “Tôi không thể tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp“); hoặc sự bất an (“Tôi là đứa thừa thãi và không được yêu thương“); không tin tưởng và nghi ngờ (“Tôi sẽ bị tổn thương hoặc bị phớt lờ“) và sợ hãi (“Những nhu cầu của tôi sẽ không được đáp ứng“). Trong khi một số người từng bị lạm dụng và bỏ bê, thì trên thực tế hầu như tất cả chúng ta đều trải nghiệm những cảm giác đó đôi lúc và với mức độ khác nhau.
CHÚNG TA BỊ CẮM CHỐT NHƯ THẾ NÀO
Tất cả chúng ta đều cần cảm thấy được yêu thương và được chấp nhận, có sự an tâm rằng những nhu cầu của mình sẽ được đáp ứng. Nếu chúng ta không đạt được nền tảng ổn định này trong những năm đầu đời thì chúng ta sẽ cố gắng đạt được một số kiểu thoả mãn thuộc môi miệng (oral gratification) sau này trong cuộc sống–cảm giác thoả mãn mà một đứa bé sơ sinh cảm nhận khi những nhu cầu về thức ăn, sự thoải mái và khoái cảm của bé được đáp ứng. Những người từng bị chối bỏ sự thoả mãn môi miệng thì họ bị cắm chốt, mắc kẹt trong nỗ lực tìm cách thoả mãn những nhu cầu môi miệng về tình yêu, sự thoả mãn và sự chú ý.
Một người bị cắm chốt ở môi miệng thì cố gắng đạt được sự thoả mãn về môi miệng và khoái cảm môi miệng bằng những hoạt động như ăn quá mức, uống rượu quá mức, hút huốc hoặc thậm chí nói quá nhiều về bản thân nhằm tìm kiếm sự chú ý và tình cảm. Những hành vi khác như cắn móng tay, nhai kẹo cao su, nhai bút chì, cho đồ vật vào miệng và mút ngón tay cái, thường là những nỗ lực vô thức nhằm thoả mãn ham muốn môi miệng.
Ngay cả những huyễn tưởng tình dục cũng có thể có nguồn gốc nằm ở ham muốn môi miệng và sự kém phát triển môi miệng. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nền văn hoá chúng ta bị cắm chốt vào bộ ngực phụ nữ, điều đó có thể phản ánh một sự thiếu hụt trong sự thoả mãn môi miệng. Chúng ta cố gắng giành lại những khoái cảm tương tự với khoái cảm được bú bầu vú mẹ. Không may là, những thứ thay thế đó, nếu chúng thiếu sự kết nối thân mật mà chúng ta cần và tìm kiếm từ người yêu của mình, thì có thể không bao giờ thoả mãn đầy đủ những nhu cầu chưa được đáp ứng từ thời bé thơ. Chúng ta có thể cố gắng bù đắp bằng những hành vi đó để lấp đầy lỗ hổng bên trong, nhưng sự thoả mãn và khoái lạc thường ngắn và gây hại cho bản thân về lâu dài.
Khi chúng ta cố gắng tìm kiếm sự thoả mãn chưa được đáp ứng đầy đủ khi còn bé bằng những hành vi thay thế nào đó, chúng ta không tránh khỏi sự thất vọng. Chẳng có thứ gì chúng ta làm thực sự thoả mãn được nhu cầu ban đầu. Nếu chúng ta là một người nói liên tục, nói quá nhiều với hy vọng có được sự chú ý và tình cảm mà chúng ta vô cùng khao khát, thì chúng ta sẽ đẩy mọi người ra xa, và nó xác minh thế giới quan của chúng ta rằng mình không đáng yêu và không ai cần đến. Nếu chúng ta uống rượu hoặc dùng ma tuý để làm dịu đi nỗi đau bên trong và trốn sang một thế giới dễ chịu trong một lúc, thực tế thì rượu và ma tuý không bao giờ làm chúng ta cảm thấy được yêu thương và chấp nhận trọn vẹn, thứ mà chúng ta thực sự cần khi còn bé. Nếu chúng ta hút thuốc như một cách để thoả mãn sự khó chịu môi miệng cần có một thứ gì đó trong miệng của mình, thì điếu thuốc đó sẽ không bao giờ nuôi dưỡng chúng ta. Nó không lấp đầy cái nhu cầu cần được yêu thương, nuôi dưỡng và kết nối.
Hút thuốc (và những kiểu hành vi môi miệng thay thế khác) đóng vai trò như một chiếc núm vú giả khi chúng ta cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc khó chịu với bản thân mình. Nếu chúng ta được cho ngậm một cái núm vú giả khi còn là một em bé sơ sinh, thì nó có thể thoả mãn nhu cầu bú mút của chúng ta nhưng trong hầu hết trường hợp, những cái núm vú giả không vì lợi ích của đứa trẻ mà đúng hơn là vì lợi ích của người lớn không muốn ôm đứa trẻ đang khóc. Khi đứa bé được cho ngậm núm vú giả thì bé đang bị gạt sang một bên và tách ra khỏi tương tác với con người. Khi đứa bé có nhu cầu bú, mút thì nó đang muốn được nuôi dưỡng và tương tác với con người. Đưa núm vú giả cho em bé, tức là bạn đang dạy cho bé mong đợi sự không thoả mãn hoặc phần thưởng tâm lý từ hành động cơ bản nhất mà đứa bé biết — bú mút. Kết quả là, hành động thay thế đã để lại cảm giác “trống rỗng” trong đứa trẻ vì không có sự nuôi dưỡng và tương tác thực sự.
Hút thuốc thường nhằm đạt được mục đích tương tự. Nếu tôi là một người hút thuốc, và tôi đang cảm thấy lo lắng hoặc khó chịu về bản thân trong một tình huống nào đó thì tôi có thể thử “làm nguôi” nỗi lo đó bằng một điếu thuốc cùng với hành động mút điếu thuốc. Hút một điếu thuốc thực sự là núm vú giả hoàn hảo. Bằng việc hút thuốc, tôi đang hút một thứ gì đó và tôi cảm nhận hơi ấm của khói thuốc đi qua miệng và cổ họng của mình. Và nếu tôi ở gần những người đang hút thuốc, tôi cũng cảm nhận một chút gắn bó và kết nối vì chúng tôi đang cùng chia sẻ hành động hút thuốc. Dù hút thuốc có vẻ như làm thoả mãn nhu cầu kích thích môi miệng và tương tác giữa con người, thì nhu cầu đó vẫn không bao giờ được thoả mãn bằng việc đưa chất độc vào cơ thể tôi.
NHỮNG HÀNH VI VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA GIAI ĐOẠN MÔI MIỆNG
Khi chúng ta đang mắc kẹt trong giai đoạn phát triển môi miệng thì chúng ta biểu hiện những hành vi và đặc điểm nhất định phản ánh giai đoạn đó. Nếu những nhu cầu môi miệng của tôi không đuọc thoả mãn thời sơ sinh, tôi có thể trở nên phụ thuộc môi miệng (orally dependent) hoặc xung hấn môi miệng (orally aggressive). Trở nên phụ thuộc môi miệng thường xuất hiện từ việc bị thất vọng môi miệng hoặc được nuông chiều môi miệng quá mức. Trong phần sau của giai đoạn môi miệng, khoảng 12 đến 18 tháng, trẻ chuyển từ giai đoạn bú mút sang giai đoạn cắn và nhai. Nếu trẻ mắc kẹt trong giai đoạn này thì nó có thể trở nên xung hấn môi miệng.
Nếu tôi từng cảm thấy thất vọng hoặc bị phớt lờ, thì tôi có thể có một nhu cầu cần được nuôi dưỡng, được chú ý, đón nhận tình cảm rất cao và tìm kiếm những mối quan hệ phụ thuộc. Rốt cuộc tôi có thể làm người khác kiệt quệ vì nhu cầu phụ thuộc cao của tôi, có thể đưa tới kết quả tôi bị từ chối, đến lượt nó chứng minh với tôi rằng tôi không được ai cần đến và không đáng yêu. Tôi cuối cùng trở nên bi quan, ghen tỵ và hay ngờ vực.
Nếu tôi quá nuông chiều về môi miệng, tức là nếu tôi được cung cấp tất cả mọi thứ thì tôi có thể mong đợi người khác phải đáp ứng mọi nhu cầu của tôi. Tôi có thể học cách dẫn dụ người khác để họ đáp ứng tôi thông qua hành vi khóc lóc, tỏ ra bất lực và đòi hỏi sự thoả mãn.
Nếu tôi thường xuyên bị phạt vì cắn (móng tay…), tôi có thể trải nghiệm một sự thất vọng trong việc phát triển tính xung hấn tự nhiên của tôi để truyền đạt những nhu cầu và những thất vọng của tôi, và hiểu được môi trường của tôi và theo đuổi những thứ tôi muốn. Hệ quả là, tôi có thể phát triển nên một tính cách “chua cay, đay nghiến” (mỉa mai châm biếm), chỉ trích người khác và cố gắng “trả thù” nếu tôi cảm thấy mình không được yêu thương.
Những hành vi khác phản ánh giai đoạn môi miệng là sự tham lam và mua sắm đồ đạc. Bằng việc mua sắm đồ, chúng ta đang cố gắng thoả mãn một khao khát cơ bản. Chúng ta có thể đi shopping, tiêu xài phung phí và nuông chiều bản thân. Khi chúng ta cảm thấy không được yêu thương hoặc không được chấp nhận, chúng ta có thể tìm kiếm vật phụ thuộc để làm kinh nghiệm của chúng ta dễ chịu hơn, để xua đi sự thất vọng. Chúng ta có thể cố “mua” tình yêu của người khác thông qua tiền bạc và quà cáp nhưng kết cuộc vẫn thấy trống rỗng vì họ chỉ thích chúng ta vì tiền hoặc của cải. Đồ vật vật chất trở thành một sự thay thế tồi cho thứ chúng ta muốn khi còn bé – sự an toàn và tình yêu.
Những bất an của chúng ta trong việc tin tưởng và yêu thương người khác, xu hướng gom góp của cải vật chất để xoa dịu nỗi sợ và khao khát muốn hoà hợp với người khác của chúng ta đều là những nỗ lực để tái trải nghiệm sự kết nối cơ bản đó của con người mà chúng ta từng có với mẹ mình. Những lúc chúng ta bị người quan trọng với mình từ chối, chúng ta có xu hướng trở lại với những hành vi môi miệng thường có hình thức cực đoan. Chúng ta có thể ăn ngấu nghiến, hút mấy bao thuốc một ngày, khóc không nguôi hoặc làm tê liệt bản thân bằng rượu hay ma tuý. Trong những lúc đó chúng ta cảm thấy mình không thể chịu đựng nổi nỗi đau tinh thần do mất kết nối với người khác.
VƯỢT KHỎI SỰ “MẮC KẸT” MÔI MIỆNG
Bằng cách học “ở cùng” với những cảm xúc khó chịu, chúng ta cho bản thân một cơ hội để “xử lý chúng” và có những hành động thích hợp để đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Còn khi nhảy sang những hành vi thay thế như hút thuốc, uống rượu, dùng ma tuý hoặc đi mua sắm, chúng ta đánh mất sự kết nối với bản thân, thứ thiết yếu cho sự trưởng thành và chúng ta tước đi cơ hội chữa lành của bản thân. Và đôi khi chỉ cần ở cùng với cảm xúc tự bản thân nó đã mang tính chữa lành.
Trong cuốn sách 50 cách giải stress không cần thức ăn, tiến sỹ Susan Albers đề xuất một cách dễ dàng nhất để đối phó với thói quen cắm chốt bằng miệng là uống nhiều nước. Hãy đem theo chai đựng 1 lít rưỡi nước uống. Liên tục làm đầy chai. Nước lọc hay các loại nước khác sẽ giúp bạn bình tâm. Hãy bỏ qua cà phê, trà hoặc những loại nước soda có chứa caffeine. Những thứ này rút nước thay vì tiếp thêm nước cho cơ thể. Bạn cũng có thể thử mút một viên đá lạnh.
Tham khảo:
#TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét