Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] LÒNG KIÊU HÃNH CỦA NẠN NHÂN

Qua các thời đại, thuật ngữ Nạn nhân (victim) gắn liền với quan điểm một người nào đó (a) bị mất thứ gì đó mà y không muốn, hoặc (b) bị người khác lừa dối hoặc lừa bịp. Hệ quả là, trong xã hội hiện đại, giá trị của một nạn nhân thần thánh (holy victim) bị đánh mất, và cách sử dụng thuật ngữ Nạn nhân của chúng ta mang theo nó mọi sự căm phẫn vô thức mà chúng ta cảm nhận vì bị lừa gạt hoặc bị đối xử bất công. Về cơ bản, theo ngôn ngữ ngày nay, một nạn nhân là một người từng bị lợi dụng, lừa gạt.
Do đó, ngày nay khi chúng ta gọi một ai đó là nạn nhân, chúng ta đang ám chỉ rằng người đó đang chịu đau khổ một cách bất công và ngoài ý muốn; thêm nữa, theo những cảm giác xã hội hiện đại, chúng ta tự động giả định rằng sự bất công này xứng đáng được nhận một số sự đền bù. Nếu sự đền bù không đến thì chúng ta đòi nó. Chúng ta kiện đòi bồi thường. Chúng ta phản kháng. Thậm chí chúng ta giết chóc.
Thái độ này – sự căm giận và cay đắng vì từng bị đối xử bất công này – là thuốc độc ngăn cản những tổn thương cảm xúc được chữa lành.
Làm sao bạn có thể giải hoà với cái phần “xấu xí” của bản chất con người nếu bạn không thể chấp nhận trách nhiệm cá nhân của bạn vì liên tục đặt bản thân bạn trước nguy hiểm? Nếu bạn không nhận ra sự lặp đi lặp lại này thì tất cả những lớp học dạy kiểm soát cơn giận trên thế giới sẽ không cứu được bạn khỏi những cố gắng trong vô thức của bạn để huỷ hoại chính bạn vì bạn vẫn bị giam cầm trong nhân dạng là một nạn nhân.
Ví dụ, giả sử cha bạn là một người nghiện rượu hoặc mẹ bạn là một kiểu “nạn nhân” chuyên nghiệp, lúc nào cũng than vãn vì bị mọi người bạc đãi với một giọng chua cay. Hoặc có lẽ bố mẹ bạn không tệ như vậy, nhưng họ hiểu lầm bạn theo những cách tinh tế. Trong bất kì sự kiện nào, bạn từng bị tổn thương sâu sắc, và bạn phải chịu đựng nỗi đau khổ to lớn vì những hành vi thiếu suy nghĩ, thiếu quan tâm của những người khác. Bạn từng cảm thấy mình không được chú ý, không được lắng nghe, và không được yêu thương. Bạn từng cảm thấy bị bỏ rơi. Bạn từng cảm thấy bị từ chối. Vậy bạn có thể làm gì?
Trong quá khứ, như một kết quả của tất cả những tổn thương được giáng lên bạn, có lẽ cũng giống như bố mẹ bạn, bạn cảm thấy mình là nạn nhân. Bạn than phiền về việc bạn bị đối xử tệ như thế nào. Và, trong những lời than phiền đó, bạn muốn trong vô thức cho họ nhìn thấy – và cho cả thế giới xung quanh bạn thấy – bạn từng bị tổn thương nhiều như thế nào. Và với mong muốn cho họ thấy bạn từng bị tổn thương nhiều như thế nào, bạn muốn sự đền bù – và theo một số cách, bạn muốn một sự đền bù, trên thực tế đó là một hình thức của sự trả thù.
Ok. Những gì bạn đã làm y theo cách của thế giới. Bạn đã làm những việc mà tất cả mọi người làm trong luật, và chính trị và thể thao: cảm thấy mình là nạn nhân và đòi hỏi sự thoả mãn cho những tổn thương của bạn. Và nếu bạn không thể có được sự thoả mãn đó thì bạn sẽ trở nên trầm cảm và tìm kiếm khoái lạc tình dục hoặc ma tuý hoặc rượu hoặc thức ăn để cố gắng làm thoả mãn bản thân bạn.
Nếu chúng ta bị mắc kẹt trong những cảm giác của nạn nhân thì khi đó chúng ta sẽ luôn luôn cố gắng yêu cầu những người khác làm gì đó. Điều này có thể xảy ra công khai thông qua tính thích tranh cãi, phản kháng hoặc gây hấn, và nó có thể xuất hiện trong những cách tinh tế, vô thức như mỉa mai, châm biếm, hoài nghi yếm thế, chua cay và thụ động-xung hấn. Thêm nữa, khi những người khác không làm theo những gì chúng ta muốn họ làm thì khi đó chúng ta càng cảm thấy mình bị đối xử bất công hơn. Nó trở thành một cái vòng luẩn quẩn.
Nhớ rằng một phần của bạn rơi vào cơn thịnh nộ có sự trưởng thành cảm xúc của một đứa trẻ hai tuổi. Khi bạn cảm thấy sợ hãi, nó giống như thể bạn trở thành đứa trẻ hai tuổi trở lại; bạn trở thành một nạn nhân tức giận và khiếp sợ. Bạn sẽ tấn công bất kì thứ gì và bất kì ai, bạn bè hoặc kẻ thù, để bảo vệ bản thân bạn lúc đó. Điều quan trọng là, cái phần người lớn của bạn có thể lắng nghe cái phần đứa trẻ đang sợ hãi của bạn, là một người trưởng thành khôn ngoan sẽ lắng nghe một đứa trẻ với sự kiên nhẫn và tử tế. Nhẹ nhàng trong khi đứa trẻ đang khóc và gào thét. Hãy cho trẻ quyền được khóc. Sau đó đưa ra chỉ dẫn: “Bạn đang khóc vì bạn cảm thấy không được yêu thương, đúng không? Uhm, để được yêu thương thì điều cần thiết là bày tỏ tình yêu với người khác. Vì vậy hãy lau nước mắt, hiểu được chuyện gì đã xảy ra và tìm một cách để mọi người được đối xử bằng sự tôn trọng.”
Hãy nhớ một điều: Thế giới này là không công bằng, và nhà trị liệu tâm lý của bạn nên giúp bạn đương đầu với một thế giới không công bằng, chứ không phải giả vờ rằng ông ấy có thể làm cho thế giới ít bất công đi.
Khi bạn mắc kẹt trong khao khát vô thức cảm thấy mình là nạn nhân, nó có cảm giác như thể cuộc đời bạn bị đánh cắp khỏi bạn. Bạn lúc nào cũng bám chặt vào những gì bạn sợ mất. Bạn có thể không bao giờ thư thái, và bạn có thể không bao giờ CÓ ĐỦ để cảm thấy thoả mãn. Theo thuật ngữ tâm lý học, khi bạn có một nơi kiểm soát ở bên ngoài (external locus of control) thì bạn về cơ bản là thường xuyên sống trong một cảm giác nạn nhân.
Những ai giao phó nỗi đau của họ cho Chúa thì giải phóng bản thân họ khỏi sự đổ lỗi và phẫn nộ vô thức, để cho nỗi đau khổ của họ trôi chảy một cách hân hoan qua họ như một NẠN NHÂN THẦN THÁNH ĐÍCH THỰC; họ chọn không giữ chặt lấy cảm giác nạn nhân.
Ngược lại, nếu bạn than thở trong cay đắng rằng “Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Tại sao Chúa quá độc ác với tôi?” thì bạn vẫn sẽ mắc kẹt trong những cảm giác nạn nhân.
Chỉ khi nào bạn dừng khao khát lấy được bất kì thứ gì từ thế giới, và chỉ khi nào bạn bắt đầu cho thế giới thứ mà bạn không thực sự “CÓ” – Tình yêu thần thánh thuần khiết – thì bạn sẽ dừng việc trở thành một nạn nhân.
Điều này dẫn đến ý nghĩa tâm lý của Trách nhiệm. “Chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn” có nghĩa là chấm dứt việc đổ lỗi cho người khác về bất kì điều gì xảy đến với bạn. Nó có nghĩa là bất kể điều gì xảy đến với bạn, bạn có một trách nhiệm trả giá để chữa lành nỗi đau cảm xúc. Bất kể những gì mà bố mẹ hoặc bất kì ai đã gây ra cho bạn, bạn có một trách nhiệm làm việc trong hiện tại để được chữa lành. Ngay cả sự căm ghét bản thân và đổ lỗi cho bản thân – thậm chí tới mức dẫn đến tự sát – đều là những hình thức của sự đổ lỗi cho người khác (được che đậy) như một cách để tránh đối mặt với sự thật của quá khứ vô thức của bạn. Đóng vai nạn nhân tức là bạn đang chối bỏ tình yêu và phủ nhận việc chữa lành tổn thương.
Hãy đáp ứng với sự tổn thương của bạn bằng cách: Dừng cố gắng làm Bố, mẹ bạn và bất kì ai khác từng gây tổn thương cho bạn – “yêu” bạn hoặc cho bạn sự ghi nhận mà bạn khao khát ghê gớm. Bạn không thể làm thế giới đối xử công bằng với bạn. Bạn không thể làm thế giới yêu bạn. Bạn không thể làm thế giới chú ý đến bạn. Thay vì thế, hãy chuyển mọi sự chú ý của bạn, với quyết tâm và kiên quyết, đến nơi đi tới thực sự của cuộc đời bạn, ở đó mọi cảm giác, thái độ nạn nhân phải chấm dứt, nơi mà bạn chịu đựng nỗi đau vì điều tốt lành cho người khác là con đường duy nhất đi đến tình yêu đích thực.
Không có điều gì kể trên là dễ dàng. Nó không xảy ra chỉ bằng cách suy nghĩ về nó. Nó đòi hỏi sự kỷ luật về thể chất và tinh thần. Nó đòi hỏi nỗ lực. Nó cần lòng dũng cảm. Và nếu cha bạn thiếu nó, thì bạn cũng thiếu nó, phải không? Không kiêu ngạo, không tự mãn, không căm ghét và không cay đắng về những gì người khác đã làm với chúng ta. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận những tổn thương của mình, cảm nhận nỗi đau và từ chối đóng vai nạn nhân, đòi hỏi sự thoả mãn để bù đắp cho nỗi đau.
Luôn luôn có một thứ để từ bỏ, thứ mà mọi người giữ chặt lấy như một phòng thủ cuối cùng: bạn có thể từ bỏ lòng kiêu hãnh khi đóng vai nạn nhân, cùng với hy vọng âm thầm được thưởng thức sự trả thù cho tất cả những nỗi tổn thương mà bạn từng trải qua.
Nếu bạn vẫn than vãn về việc bạn đang đau khổ nhiều như thế nào thì bạn đơn giản là đang bảo vệ lòng kiêu hãnh của bạn, cảm thấy thương thân và đòi hỏi thế giới chú ý đến nỗi đau của bạn. Nhưng việc chữa lành khỏi cảm giác nạn nhân bao gồm sự nhận ra những cảm xúc tổn thương của bạn và sau đó xử lý, nói về chúng một cách bình tĩnh và nhân từ độ lượng mà không đòi hỏi bất kì điều gì. Nếu những người khác lắng nghe bạn, tốt. Hãy làm việc với họ để tìm một giải pháp cho vấn đề. Và nếu họ không lắng nghe bạn, hãy cầu nguyện cho sự hối hận ăn năn của họ và để cho quá khứ chôn vùi quá khứ.
Khi bạn có thể dễ dàng nhận ra làm thế nào quá khứ tiếp tục sống trong hiện tại, hãy nỗ lực kháng cự lại thôi thúc rơi lại vào những kiểu phòng vệ cũ, và huấn luyện cho bản thân hành xử với những hành vi mới và khác. Nhưng, đây là một việc khó khăn. Hãy tập cho bản thân đưa ra một quyết định có ý thức trong hiện tại là chịu đựng nỗi đau cảm xúc của bạn một cách khoan dung, mà không tức giận hoặc cảm thấy mình là nạn nhân, mà thay vào đó bằng sự tha thứ. Mỗi lúc bạn gặp khó khăn để làm điều đó, như một đứa trẻ sợ hãi, thường nghĩ ngay đến việc bảo vệ lòng kiêu hãnh của bạn, nhưng bây giờ, với một hành động của ý chí, gạt bỏ lòng kiêu hãnh đó. Để yêu thương đích thực thì lòng kiêu hãnh của bạn phải chết.
Khi bạn từ chối đóng vai nạn nhân, tức là bạn đang tặng cho thế giới một món quà hiếm hoi: tình yêu đích thực.
Rubi dịch từ sách
Psychology from the heart (Tâm lý học từ con tim)
The spiritual depth of clinical psychology (chiều sâu tâm linh của tâm lý trị liệu)
Tác giả: Raymond Lloyd Richmond, Ph.D.
null
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét