Một cách khá đơn giản, bạn có thể học điều đó từ một đứa trẻ mới tập đi.
Con người là động vật linh trưởng, và là những sinh vật có tính tổ chức xã hội. Chúng ta thường thích kết bạn, đi chơi theo nhóm, và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Não của chúng ta đặc biệt tiến hóa để giải mã những biểu cảm dù là nhỏ nhất trên khuôn mặt và hiểu được những ngôn từ phức tạp. Bạn có thể thấy bằng chứng về bản tính cộng đồng của con người ở khắp mọi nơi: gia đình, đội nhóm thể thao, lớp học, nhà hàng. Hầu như chúng ta đều muốn làm tất cả mọi thứ cùng nhau.
Thậm chí là việc nói dối.
Nói dối có đủ kiểu và mức độ. Có một số dạng dối trá mang tính chất rất nghiêm trọng, chẳng hạn như sự không chung thủy trong hôn nhân hoặc biển thủ công quỹ ở nơi làm việc. Tuy nhiên, cũng có một số dạng khác, đó là những “lời nói dối thiện chí” hay tương tự, chẳng hạn như lời khen dành cho một người bạn về trang phục mà cô ấy đang mặc, ngay cả khi bạn nghĩ rằng nó làm cho cô ấy trông giống như một bức tượng Oscar.
Nhưng có bao giờ bạn dừng lại để xem xét lý do tại sao chúng ta nói dối?
Chúng ta thường nghĩ về nói dối trong quan điểm đạo đức rằng chỉ có đúng hoặc sai, nhưng không phải hoàn toàn là như vậy. Một điều chắc chắn, con người ta nói dối với nỗ lực nhằm tối đa hóa lợi ích riêng của bản thân. Chúng ta có thể nói dối về số tiền mà chúng ta có (trong trường hợp chúng ta đang cố gắng thương lượng để đạt được một giao dịch tốt), chúng ta đã thích một bộ phim đến nhường nào (nếu chúng ta đang cố gắng để ghi điểm trong một buổi hẹn hò), hoặc những nỗ lực chúng ta đặt vào một dự án (nếu chúng ta đang cố gắng để gây ấn tượng với sếp). Trong nhiều trường hợp, phóng đại sự thật theo những cách này không có cảm giác như một vi phạm đạo đức trầm trọng, bởi vì chính chúng ta là những người hưởng lợi trực tiếp.
Có nhiều lý do khác khiến con người ta nói dối: Chúng ta có khuynh hướng không thành thật khi chúng ta mệt mỏi, hoặc khi chúng ta đang đi chung với người khác. Khi con người rơi vào tình trạng mỏi mệt, việc nói dối có thể là một cách để tiết kiệm năng lượng hoặc các nguồn lực khác. Liệu bạn đã từng giả vờ đã đạt đủ số lần hít đất bằng cách đếm khống chưa? Chúng ta cũng dễ có xu hướng nói dối khi những người xung quanh ta nói dối.
Nói dối, cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, có tình lây lan.
Có một điều thú vị là, song song với sự phổ biến của việc nói dối, chúng ta cũng đã phát triển một số cơ chế khá phức tạp để “phát hiện nói dối”, như cách mà các nhà tâm lý học gọi, với sự thích thú. Cụm từ này khiến ta liên tưởng đến các bộ phim truyền hình trinh thám và những bộ phim về các trò lừa bịp tại Las Vegas, được sản xuất dựa trên ý tưởng rằng bất cứ ai cũng có thể học cách làm thế nào để phát hiện ra một kẻ nói dối. Kiến thức thường thức cho rằng những người không trung thực thường nhìn đi chỗ khác khi họ nói dối, hay những tên bịp bợm chơi bài poker thường mân mê chiếc nhẫn trên tay hoặc có một biểu hiện tương tự cho biết rõ trạng thái tâm lý đích thực của họ.
Mặc dù vậy, trong một loạt các nghiên cứu gần đây, kết quả cho thấy khả năng những người tham gia thí nghiệm thành công trong việc phát hiện lời nói dối bằng cách dò xét các dấu hiệu không mấy tốt hơn là khi họ phỏng đoán.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại có khả năng phát hiện ra một hình thức cụ thể của sự dối trá, đó chính là sự không thành thật về mặt cảm xúc. Vì trẻ sơ sinh chưa thể nói được, đồng thời chúng thiếu kinh nghiệm sống để nhận ra sự giả dối trong lời nói, nên các nhà nghiên cứu chuyển sang tìm hiểu về mặt cảm xúc. Trong một nghiên cứu gần đây, Eric Walle đã tiến hành kiểm tra khả năng nhận biết chân thật trong cảm xúc của trẻ 16 tháng tuổi và 19 tháng tuổi. Là một nhà nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực tâm lý học, Walle đã có một phát hiện thú vị trong quá trình thử nghiệm của mình: ông dùng một chiếc búa nhựa đánh trúng hoặc hụt vào tay của những bậc bố mẹ tham gia, sau đó cho họ phản ứng với cảm xúc thực của mình hoặc phản ứng theo thỏa thuận đã đưa ra. Trong thử nghiệm thứ hai, các bậc cha mẹ được hướng dẫn để bộc lộ nỗi sợ hãi thật sự hoặc phóng đại nó. Kết quả là trẻ 16 tháng tuổi không thể phát hiện sự giả vờ trong cảm xúc của bố mẹ chúng, trong khi trẻ 19 tháng tuổi thì lại có thể nhận ra. Nhóm trẻ 19 tháng tuổi có khả năng nhìn nhận xem liệu những cảm xúc đó có tương thích với hoàn cảnh hay không, có mức độ phù hợp hay không, và liệu chúng có được biểu thị một cách thích hợp hay không.
Ở một thời điểm nào đó trong năm thứ 2 đầu đời, chúng ta học được cách phát hiện sự dối trá.
Những đứa trẻ mới biết đi và những chiếc búa nhựa sẽ giúp được gì cho bạn, cho cuộc hôn nhân của bạn, tình bạn, hay công việc của bạn? Giúp được rất nhiều đấy. Thay vì cố gắng để được như một nhà siêu năng lực trên TV với một khả năng thần kỳ có thể suy đoán ra thông tin dựa trên chiếc thắt lưng, chiêc nhẫn cưới, và sự co giật trên khuôn mặt, hãy thử làm một con người bình thường. Bạn có thể xem mình như một “phong vũ biểu cảm xúc” bằng cách chú ý đến cách mà bạn cảm nhận khi có ai đó trò chuyện với bạn. Một nghiên cứu gần đây của Leanne ten Brinke và các đồng nghiệp của cô đã chỉ ra rằng khả năng người ta phát hiện lời nói dối là mang tính may rủi 50:50 (thực tế rủi nhiều hơn may, chỉ đúng 43%), sự chính xác trong việc phán đoán tăng lên khi họ tin vào linh cảm của mình. Sử dụng các bài kiểm tra về thời gian phản ứng trên máy tính để đo lường thái độ tự nhiên không do ý thức, người tham gia thường liên kết những từ ngữ liên quan đến sự dối trá với những kẻ nói dối, những từ ngữ liên quan đến sự thật với những người trung thực . Trên thực tế, độ chính xác trong phán đoán của họ đã được cải thiện đáng kể.
Linh cảm có lẽ là không đủ để đưa một ai đó ra tòa hoặc công khai cáo buộc một đồng nghiệp. Tuy nhiên, bản tính trung thực cũng đủ để rút khỏi một buổi hẹn hò có quá nhiều sự giả tạo, hay để đối chất với bạn bè hoặc người yêu. Có thể linh cảm của bạn không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng chúng đủ đúng trong một khoảng thời gian để có thể trở thành một phương tiện phát hiện nói dối hữu ích.
Liên Hoàng dịch
#TAMLYHOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét