Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC] LÝ DO VÌ SAO MỘT SỐ NGƯỜI PHẢN ĐỐI VIỆC TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Một vài giả thuyết được đưa ra cho việc con người miễn cưỡng chăm sóc bản thân.
Hiện tại tôi đã có 29 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý của con người.
Trải qua vài thập kỷ, tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi từ kiểu tóc, phong cách ăn mặc, âm nhạc, xe cộ, công nghệ, sở thích giao tiếp. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi.
Nhiều người tới bây giờ vẫn thản nhiên phung phí hàng trăm đô la Mỹ mỗi năm vào quần áo mới, đồ chơi, thiết bị, những sản phẩm làm đẹp, những chiếc vé hòa nhạc, máy bán hàng tự động, hay mẫu TV mới nhất, hiện đại nhất, sành điệu nhất trên thị trường, nhưng lại miễn cưỡng tiêu tiền cho việc trị liệu tâm lý, tư vấn, định hướng cuộc sống cũng như những phương pháp khác nhằm cải thiện và phát triển bản thân.
Vấn đề nằm ở đâu?
Suy cho cùng thì ai cũng muốn được hạnh phúc, muốn đạt được mục tiêu. Không ai muốn toan tính, suy nghĩ hay đặt nhiều áp lực cho bản thân mà đơn giản hài lòng với không khí bình yên trong gia đình, trong công việc và trong các mối quan hệ. Chỉ cần thuê một người hướng dẫn hay trị liệu là có thể giúp ta hoàn thành những mục tiêu này và nhiều mục tiêu khác nữa. Vậy thì tại sao mọi người lại không chịu “đầu tư”?
Tôi có một số giả thuyết sau:
1. Mọi người thường không muốn đối diện với cảm xúc của chính bản thân.
Điều này quả thật đáng tiếc, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được. Giống như khi bạn đau buồn vì mới ly dị chồng vợ, hay chia tay người yêu, thì đi mua bộ quần áo mới còn dễ dàng hơn là ngồi miêu tả cảm xúc xấu hổ, lo lắng, sợ hãi trước mặt một người lạ. Nhiều người lo lắng rằng nếu họ còn chìm sâu vào dòng tâm trạng của bản thân thì có thể họ sẽ không thể kiềm chế cảm xúc của mình được. Một số khách hàng từng tâm sự với tôi rằng “một khi tôi đã khóc thì tôi sẽ khó mà dừng lại” Nỗi sợ hãi khiến họ không muốn nhờ sự giúp đỡ từ ai khác, chỉ đơn giản là họ không muốn đụng vào nỗi đau.
2. Mọi người đều khao khát được nhanh chóng cải thiện
Trị liệu là quá trình đem lại nhiều nghị lực, nhưng không phải chỉ cần một đêm là có thể thấy được hiệu quả. Nó đòi hỏi thân chủ phải có mặt ở đó cùng với nhà trị liệu giải quyết vấn đề trong nhiều ngày, vài tuần thậm chí là vài tháng. Một khi đã quyết định phát triển cảm xúc tốt đẹp, thì không có thuốc tiên nào có thể đem lại tác dụng ngay lập tức. Đứng trên lập trường của thân chủ, đầu tư vào việc chữa lành cảm xúc mà kết quả không thấy được liền thì không hấp dẫn bằng việc mua một cái TV được giao đến tận nhà chỉ trong vòng 2 ngày hoặc ít hơn.
Mọi người đều mong muốn được hồi phục nhanh chóng, nhưng đó không phải là điều mà một nhà trị liệu giỏi có thể hứa hẹn.
3. Mọi người cho rằng đầu tư vào hạnh phúc thật là lố bịch
Nhiều người học được từ rất nhỏ việc theo đuổi hạnh phúc là một điều lố bịch hoặc thậm chí ích kỷ. Những bài học đó dần dần ăn sâu vào tâm trí.
Tôi từng nghe nhiều người nói rằng “tôi không xứng đáng dành tiền bạc vào [dịch vụ/chương trình/v.v…] này” Nó thật là lố bịch”. Vậy mà người đó lại tiêu hàng trăm đô la vào vé hòa nhạc hay một cái máy đánh bạc ở Las Vegas – một cái thứ cho ta cảm xúc vui vẻ ngay tức thì nhưng nhanh chóng biến mất. Thật là kỳ lạ phải không? Vì một số lý do mà ở nền văn hóa của chúng ta, đầu tư vào giải trí thì được nhưng đầu tư vào phát triển bản thân hoặc chữa lành cảm xúc thì không.
4. Mọi người xấu hổ với việc tìm người giúp
Nhiều người cảm thấy hổ thẹn khi gặp rắc rối, và càng xấu hổ hơn khi tìm người giúp.
Tôi thường nghe được những thứ như “ Tôi là bác sĩ y khoa, chẳng thể nào mà tôi lại không hiểu rõ bản thân mình …” hay là “Tôi là người lớn chứ có phải con nít nữa đâu mà lại còn khổ sở vì vấn đề này…” hay “Tôi là giám đốc công ty, tôi lãnh đạo rất nhiều người, tôi còn có bằng tiến sĩ, do đó tôi có thể tự bản thân tìm cách giải quyết tình trạng ăn quá nhiều của tôi.”
Sự thật là mọi người cho dù có chín chắn, hiểu biết, giỏi giang, và học vấn tới đâu đi chăng nữa thì cũng cần giúp đỡ hết lần này đến lần khác. Nhưng đối với nhiều người thì cảm xúc khó có thể cho phép việc đầu tư vào dịch vụ giúp đỡ. Nhiều người cho rằng tìm người giúp đỡ chứng tỏ rằng họ yếu kém, ngu ngốc, lười biếng, hoặc thất bại (không có cái nào đúng cả), nhưng mà thật không may là những điều này và nhiều định kiến xã hội khác liên quan đến trị liệu tâm lý và hướng dẫn ngăn cản con người ta tìm đến để được giúp đỡ.
5. Mọi người không nghĩ là việc này thật sự hữu hiệu.
Trên tất cả, đối với nhiều người đây là rào cản khó nói. Một người đàn ông hay phụ nữ nào cũng có thể qua website của tôi hoặc của bất kỳ ai khác xem và nghĩ rằng “Ờ thì có vẻ hay đó … nhưng mà cái trị liệu này có thực sự giúp cho tôi được không? Liệu tôi có đạt được mục tiêu? Có đảm bảo không đó? Làm sao mà chắc chắn là sẽ xứng đáng với số tiền tôi bỏ ra?”
Khi mà đặt hàng trên Amazon, bạn chắc chắn 100 % sẽ nhận được hàng hoặc là nhận lại tiền. Khi mà bạn đặt mua một miếng bánh pho mát từ tiệm bánh bạn yêu thích, bạn cũng chắc chắn cỡ 100% là miếng bánh đó ngon và tạm thời làm bạn hạnh phúc. Nhưng khi mà bạn đầu tư vào trị liệu thì kết quả nhận được ít chắc chắn hơn. Bởi vì bạn không có mua một cái bánh hay một sản phẩm, bạn đang đầu tư vào quá trình hợp tác giữa hai bên, và để đạt được kết quả bạn phải có mặt và làm phần việc của mình cũng nhiều như phần việc mà người chuyên gia bạn thuê để giúp đỡ bạn phải làm. Có thể cảm thấy đầu tư vào phát triển bản thân khá là phức tạp, mơ hồ, và ít chắc chắn hơn là chỉ mua một thứ đồ nào đó.
Vậy nếu như bạn muốn thay đổi cuộc sống, và tò mò về trị liệu tâm lý và hướng dẫn, nhưng lại do dự, thì bạn học được điều gì từ tất cả những cái này?
Dành chút thời gian để tự nhìn nhận lại bản thân – nhìn nhận lại những nỗi sợ hãi, lo lắng, hay những dấu ấn định kiến có thể đang là nguyên nhân cản trở bạn. Suy nghĩ đến lý do đang giữ chân bạn lại, và tại sao.
Nếu tiền bạc là vấn đề, hãy suy nghĩ đến cái giá phải trả nếu không làm gì hết. Bạn sẽ ra làm sao nếu như hai ba năm nữa bạn vẫn mắc phải sai lầm của ngày hôm nay, khiến cho bạn không vui. Cái giá phải trả nếu như không làm gì cả là bao nhiêu? Cái giá phải trả nếu như vẫn không thoát khỏi tình trạng đó là bao nhiêu? Cái giá đó thật sự rất mắc.
Bạn có cần phải điều chỉnh thái độ về việc đầu tư cho hạnh phúc, sức khỏe, và cuộc sống tốt? Liệu bạn thực sự có thể định giá cho sự bình yên và hạnh phúc bên trong bản thân? Liệu bạn có thể định giá cho sự hạnh phúc của gia đình mình? Sức khỏe tâm thần đối với bạn đáng giá bao nhiêu? Hy vọng là rất nhiều.
Chẳng có gì sai khi bạn muốn dành cho bản thân nhiều kinh nghiệm và những thứ tốt đẹp. Bởi dù gì thì bạn cũng xứng đáng thưởng thức một bữa ăn tuyệt vời tại nhà hàng mình yêu thích, tận hưởng kỳ nghỉ hè bên dòng sông, mua một cuốn sách ở cửa hàng, và thay đổi một kiểu tóc ấn tượng. Nhưng hãy nhớ những trải nghiệm đó cho dù có thích thú cỡ nào thì cũng nhanh chóng qua đi, song sự lột xác mà bạn có thể tạo ra từ trị liệu tâm lý sẽ kéo dài mãi mãi.
Không có đầu tư nào đem lại hiệu quả tốt hơn là đầu tư cho bản thân.
——
Tiến sỹ Suzanne Gelb là một nhà tâm lý học lâm sàng, dạy kĩ năng sống và luật sư. Bà ấy cho rằng không bao giờ là quá trễ để trở thành người bạn mong muốn. Mạnh dạn, tự tin, điềm tĩnh, sáng tạo. Thoát khỏi gánh nặng đang kìm hãm bạn lại – cho dù trong quá khứ đã từng xảy ra chuyện gì. Sự thấu hiểu của bà ấy đối với sự phát triển của bản thân đã được kiểm chứng qua hơn 200 chương trình radio, 200 cuộc phỏng vấn trên TV và trực tuyến tại các trang Forbes, Newsweek, The Huffington Post, NBC’s Today, The Daily Love, Positively Positive, và nhiều trang khác.
Hãy bước vào văn phòng ảo của bà ấy tại trang DrSuzanneGelb.com, khám phá blog của bà ấy, đặt trước một buổi gặp mặt riêng, hay đăng nhập để nhận được buổi tập thiền miễn phí và bài viết của bà ấy về sức khỏe, hạnh phúc, và tôn trọng bản thân.
#TAMLYHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét