Gaslighting hay gas-lighting (nghĩa đen: thắp sáng đèn ga) là một hình thức lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc, trong đó kẻ lạm dụng sử dụng thông tin bị bóp méo, thiếu sự thật khiến nạn nhân ban đầu lo lắng, bối rối rồi dẫn đến nghi ngờ suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của mình và mất dần đi cảm nhận về thực tế.
Thuật ngữ Gaslighting bắt nguồn từ vở kịch, phim cùng tên Gaslight và được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tâm lý nói chung cũng như tâm lý trị liệu nói riêng.
Ingrid Bergman, vai Mrs. Manningham trong phim Gaslight (1944) Trong vở kịch Gaslight (năm 1938,) còn được biết đến dưới tên Angel Street ở Mỹ và phim phỏng theo cùng tên (công chiếu năm 1940 và 1944,) một loạt những hành vi lạm dụng tâm lý có hệ thống của nhân vật chính (Mr. Manningham) với vợ (Mrs. Manningham) đã khởi nguồn cho việc sử dụng thuật ngữ. Cốt truyện diễn ra như sau: người chồng mặc sức thuyết phục mọi người và chính vợ mình rằng cô ta bị điên bằng cách thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà rồi khăng khăng rằng cô nhớ nhầm hoặc trí nhớ có vấn đề khi có chỉ ra sự khác biệt. Khi người chồng đang truy tìm báu vật ở mái nhà, người vợ nhận ra chiến đèn sáng lờ mờ và sắp sửa hết ga nhưng người chồng không công nhận điều đó và cho rằng vợ mình đang ảo tưởng, từ đó dẫn đến tên vở kịch.
Ingrid Bergman trong phim Gaslight 1944
Thuật ngữ gaslighting bắt đầu được sử dụng từ thập niên ’60 để miêu tả hành động lạm dụng nhận thức nạn nhân. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1980 về lạm dụng tình dục trẻ em, The Best Kept Secret: Sexual Abuse of Children, Florence Rush đã bình luận phim Gaslight (năm 1944) như sau: “kể cả ngày nay người ta cũng sử dụng từ “gaslighting” để miêu tả hành vi phá hoại khả năng phán đoán của người khác.
VÍ DỤ:
Ví dụ kinh điển của việc thao túng theo cách gaslight là thay đổi môi trường của một người mà họ không hay biết, và giải thích rằng họ “chắc hẳn là đang tưởng tượng ra thôi” khi họ nghi ngờ những thay đổi này. Tương tự như thế, gia đình Manson, trong những vụ trộm của những “kẻ lén lút” của mình cuối những năm 1960, đã đột nhập vào trong nhà và không trộm gì cả mà chỉ sắp xếp lại nội thất để làm cho những người sống trong nhà cảm thấy bối rối và bị xáo trộn.
Theo các nhà tâm lý học Gas và Nichols, một hình thức khá thường xuyên khác của gaslighting xảy ra khi người chồng ngoại tình. Người chồng có thể sẽ cố chối bỏ việc ngoại tình và khăng khăng “Anh không nói dối; em chỉ đang tượng tượng ra mọi thứ thôi.” Các nhà trị liệu nam giới về sau có thể còn làm tăng thêm sự đau khổ của người phụ nữ bằng việc gọi sai phản ứng của họ. […] Các hành vi gaslight của người chồng đưa ra công thức cho cái được gọi là ‘suy sụp tinh thần’ ở một số phụ nữ [và] việc tự sát trong các tình huống tồi tệ nhất.”
Nhà tâm lý học Martha Stout giải thích cái cách mà những kẻ thái nhân cách sử dụng chiến thuật gaslighting thường xuyên. Những kẻ thái nhân cách thường rất tàn nhẫn, thích điều khiển hoặc rất thâm hiểm, và thường là những kẻ nói dối rất thuyết phục, những kẻ kiên quyết chối bỏ việc làm sai. Khi gặp phải sức hút cá nhân cái mà có thể là đặc điểm của những kẻ thái nhân cách thì rất nhiều người từng là nạn nhân của kẻ thái nhân cách sẽ nghi ngờ nhận thức của mình.
Jacobson và Gottman báo cáo rằng một số kẻ vũ phu có thể sử dụng cách thao túng gaslight với vợ mình, thậm chí là thẳng thừng chối bỏ việc sử dụng bạo lực của mình.
BẠN CÓ ĐANG BỊ GASLIGHT?
Chồng bạn đã đi quá giới hạn với việc tán tỉnh một người phụ nữ khác tại bữa tiệc tối. Khi bạn đối chất anh ta thì anh ta lại yêu cầu bạn dừng việc cảm thấy bất an và kiểm soát lại. Sau cuộc tranh luận dài, bạn xin lỗi vì đã gây khó dễ cho anh ta.
Sếp của bạn ủng hộ dự án của bạn khi bạn gặp riêng ông ta trong phòng làm việc, và bạn cứ thế làm. Nhưng trong cuộc họp nhân viên lớn – bao gồm cả nhân viên của bạn – ông ta đột nhiên thay đổi thái độ và công khai chỉ trích quyết định của bạn. Khi bạn nói cho ông ta suy nghĩ của mình về việc này sẽ ảnh hưởng uy tín của bạn thế nào, ông ta nói với bạn rằng dự án đã bị nhận định sai và bạn sẽ phải cẩn thận hơn trong tương lai. Bạn bắt đầu nghi ngờ năng lực của mình.
Mẹ bạn xem thường công việc của bạn, bạn bè của bạn, và bạn trai của bạn. Nhưng thay vì phản đối lại như lời bạn bè khuyên, bạn lại nói với họ rằng mẹ bạn thường đúng và một người trưởng thành nên có khả năng tiếp thu sự chỉ trích.
Nếu bạn nghĩ những điều này không thể xảy ra với mình, thì hãy nghĩ lại đi. Gaslight xảy ra khi một người nào đó muốn bạn làm việc mà bạn biết bạn không nên làm và tin vào những điều không thể tin nổi. Điều này có thể xảy ra với bạn và nó chắc chắn là đã xảy ra rồi. Làm thế nào để chúng ta biết được?
Nếu bạn đang cân nhắc câu trả lời “có” với thậm chí là chỉ một trong số các câu hỏi sau thì bạn chắc chắn là đã từng bị gaslight:Quan điểm của bạn về bản thân có thay đổi theo sự tán thành và phản đối của người khác, những người có vai trò quan trọng trong cuộc đời bạn, ví dụ như là người bạn đời, bố mẹ, thành viên gia đình, bạn thân?Bạn có hoảng sợ khi những sai lầm nhỏ nhặt xảy ra trong gia đình – mua nhầm loại kem đánh răng, chưa chuẩn bị bữa tối kịp, một buổi hẹn bị ghi sai trên lịch?
Gaslight là một hình thức xấu xa của lạm dụng và điều khiển cảm xúc, cái rất khó để nhận ra và để thoát khỏi nó còn khó hơn. Đó là vì nó tham gia vào một trong những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng ta – sợ bị bỏ rơi – và rất nhiều khao khát thầm kín của chúng ta: được thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương. Trong hướng dẫn đổi mới này, nhà trị liệu nổi tiếng bác si Robin Stern chỉ ra cách hiệu ứng Gaslight hoạt động và nói cho bạn cách để:
Bật rada Gaslight của bạn lên, để bạn biết khi nào mối quan hệ đang tiến đến rắc rối.
Quyết tâm về việc liệu bạn có đang kích hoạt một kẻ gaslight
NHẬN RA 3 GIAI ĐOẠN CỦA GASLIGHT: HOÀI NGHI, PHÒNG THỦ VÀ TRẦM CẢM
Quá trình gaslight xảy ra theo các giai đoạn – mặc dù các giai đoạn không phải lúc nào cũng theo đường thẳng và thỉnh thoảng gối lên nhau, chúng phản ánh những trạng thái tâm lý và cảm xúc khác nhau của tâm trí.
Giai đoạn đầu tiên là sự hoài nghi: khi dấu hiệu đầu tiên của gaslight xuất hiện. Trong suốt giai đoạn đầu tiên này, những chuyện xảy ra giữa bạn và người bạn đời của bạn – hoặc sếp, bạn bè, thành viên gia đình bạn – dường như kỳ quặc đối với bạn. Một phụ nữ trẻ tôi quen biết – Rhonda, kể với tôi về cuộc hẹn hò lần thứ hai với Dean. Cô bị sốc khi, sau một bữa ăn tối kinh khủng, anh ta đã bỏ mặc cô ở bến xe bus – anh bảo cô là đồ dở hơi khi chờ xe bus, và nếu cô muốn đi lại theo cách đó thì anh sẽ không chờ xe bus cùng với cô và sẽ gặp cô lúc khác. Nhưng, món ấn tượng là anh ta gọi lại cho cô đêm đó – lưu ý là cô cũng nghe điện thoại – và anh ta khẳng định rằng mình không sai khi đi tàu điện ngầm, trong khi cô đi xe bus – thêm nữa, anh ta nói với cô là chắc chắn có điều gì đó sai trái về lựa chọn đi lại của cô. Cô tranh cãi, nhưng cuối cùng lại không xem hành vi của anh ta là “thực sự kì quặc”. Khi kể lại câu chuyện, cô nói nó thật là “kì quặc” và anh ấy nhất định phải có một “điều gì đó” về những chiếc xe bus — nhưng cô thực sự muốn gặp lại anh— họ có quá nhiều điểm chung và anh ấy rất lãng mạn.
Giai đoạn tiếp theo là phòng thủ: ở đó bạn đang tự bảo vệ bản thân chống lại sự thao túng của kẻ gaslight. Hãy nghĩ về nó – ví dụ, bạn nói với sếp rằng bạn không vui với những nhiệm vụ mà bạn được phân công làm; bạn cảm thấy bạn bị bỏ qua ở những nhiệm vụ tốt nhất — bạn hỏi ông ấy tại sao như vậy. Thay vì giải quyết vấn đề, ông ấy nói là bạn quá nhạy cảm và quá căng thẳng…vâng, có thể bạn đang quá nhạy cảm và căng thẳng, nhưng nó vẫn chưa trả lời câu hỏi tại sao bạn lại bị bỏ qua trong những nhiệm vụ tốt hơn kia. Nhưng thay vì dừng lại ở đó hoặc chuyển đề tài nói chuyện, bạn lại bắt đầu bảo vệ bản thân – nói với sếp là bạn không nhạy cảm hay bị stress, hoặc stress không ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn. Trong suốt giai đoạn này, bạn phát điên bởi cuộc nói chuyện…nghiễn ngẫm liên tục như một cuộn băng vô tận trong tâm trí bạn Những kiểu nói chuyện đó là đặc trưng của các mối quan hệ của bạn. Bạn không thể chịu được việc sếp nhận định tình hình như vậy và bạn càng làm việc nhiều hơn ở những nhiệm vụ mà bạn thấy tẻ nhạt, thậm chí làm bạn mất giá trị, chỉ để chứng minh rằng bạn không quá nhạy cảm và bị stress.
Giai đoạn tiếp theo là trầm cảm: khi bạn đến giai đoạn này thì bạn cảm thấy thiếu niềm vui một cách rõ ràng, bạn hầu như không nhận ra được chính mình nữa. Một số hành vi của bạn có cảm giác thực sự xa lạ. Trên thực tế, bạn không kể với mọi người về mối quan hệ của bạn – chẳng có người bạn nào thích anh chàng của bạn. Mọi người có thể bày tỏ nỗi lo lắng về bạn — họ đối xử với bạn như thể bạn thực sự đang gặp vấn đề. Một trong những ví dụ mà tôi viết về Melanie, một phụ nữ đáng yêu trong cuốn sách The Gaslight Effect: How to Spot and Survive the Hidden Manipulations Other People Use to Control Your Life. Trong câu chuyện, Melanie phát rồ vì cô không thể tìm được “đúng” loại cá hồi mà chồng cô thích (chồng cô thích cá hồi hoang dại) để nấu bữa tiệc tối cho công ty của chồng. Cô biết rằng chồng sẽ buộc tội cô không biết quan tâm đến anh ta để mà lo đi chợ sớm hơn. Những vụ việc như thế này đã từng xảy ra rất nhiều ở nhà, Melanie bắt đầu tin là anh ấy đúng – sau tất cả thì có điều gì quan trọng hơn chồng của cô. Tại sao cô không trở thành một người vợ biết quan tâm, chu đáo hơn? Cô cảm thấy không vui gần như là thường xuyên – và cô thực sự tin rằng mình có thể là một người vợ tốt hơn, chu đáo hơn. Cô bắt đầu tìm kiếm bằng chứng ủng hộ cho hành vi tồi tệ của cô. Melanie theo thời gian đã đánh mất khả năng nhận thấy có điều gì đó bất ổn trong mối quan hệ vợ chồng.
Cần một khoảng thời gian rất lâu và nhiều suy ngẫm và phân tích, kiểm tra thực tế và quản lý bản thân để quan điểm của Melanie thay đổi và để cô ấy đòi lại cuộc sống của cô và thực tế của cô.
Từ chối việc bị gaslight bằng cách sử dụng 5 quy tắc tắt gas
Phát triển cái “áp kế Gaslight” của chính bạn để bạn có thể quyết định mối quan hệ nào có thể cứu vãn – và cái nào nên từ bỏ.
Hãy học hỏi từ Chống Gas Cho Cuộc Đời Của Bạn để bạn sẽ không bao giờ chọn phải một mối quan hệ thao túng theo cách gaslight nữa.
BẬT RADA GASLIGHT CỦA BẠN LÊN. KIỂM TRA 20 DẤU HIỆU NÀY
Gaslight có thể không bao gồm tất cả các trải nghiệm hoặc cảm xúc này, nhưng nếu bạn nhận ra bản thân mình trong đó, hãy đặc biệt chú ý nó.
1. Bạn liên tục chỉ trích chính bản thân mình.
2. Bạn tự hỏi “Mình có đang quá nhạy cảm không?” hàng chục lần một ngày.
3. Bạn thường cảm thấy bối rối và thâm chí là phát điên ở chỗ làm.
4. Bạn luôn phải xin lỗi bố, mẹ, bạn trai, sếp.
5. Bạn thường xuyên băn khoăn liệu bạn có là một ngươì anh chị /người bạn đời/nhân viên/ người bạn/đứa con “đủ tốt”.
6. Bạn không thể hiểu được tại sao, với tất cả những điều rõ ràng là rất tốt đẹp trong cuộc đời mình, bạn lại không thấy hạnh phúc hơn.
7. Bạn mua quần áo cho mình, trang trí nội thất cho căn hộ của mình, hoặc mua những món đồ cá nhân khác, với đối phương của mình trong tâm trí, nghĩ về cái mà cô/anh ấy thích thay vì cái sẽ làm bạn cảm thấy tuyệt vời.
8. Bạn thường xuyên đưa ra lý do cho hành vi của những người thân yêu (anh chị em, bạn bè, bạn đời,vv…) với bạn bè và gia đình.
9. Bạn thấy mình giấu diếm thông tin khỏi bạn bè và gia đình để bạn không phải giải thích hoặc đưa ra lý do ngụy biện.
10. Bạn biết một việc nào đó là sai hoàn toàn, nhưng bạn có thể không bao giờ thể hiện đó là gì, thậm chí là với cả chính mình.
11. Bạn bắt đầu nói dối để tránh việc làm người khác xấu hổ và làm méo mó sự thật.
12. Bạn gặp rắc rối trong việc đưa ra các quyết định đơn giản.
13. Bạn nghĩ kỹ trước khi đưa ra những chủ đề nói chuyện có vẻ vô hại.
14. Trước khi người bạn đời của bạn về nhà, bạn kiểm tra lại một danh sách trong đầu mình để liệu trước những việc mà bạn có thể đã làm sai ngày hôm đó.
15. Bạn có cảm giác rằng bạn đã từng là một người rất khác – tự tin hơn, ham vui hơn, thư thái hơn.
16. Bạn bắt đầu nói chuyện với chồng mình qua thư ký để bạn không phải nói với anh ấy những điều bạn sợ là sẽ làm phiền lòng chồng mình. Bạn tránh nói trực tiếp với những người thân yêu (anh chị em, bạn bè, người yêu, vv)
17. Bạn cảm thấy như thể bạn không thể làm cái gì tử tế cả.
18. Con bạn bắt đầu cố gắng bảo vệ bạn khỏi người bạn đời của bạn. Những người khác cố gắng bảo vệ bạn khỏi những người thân (anh chị em, bạn bè, người yêu,vv)
19. Bạn thấy mình nổi giận với những người bạn luôn hòa hợp trước đó.
20. Bạn cảm thấy vô vọng và vô cảm.
TÔI ĐÃ PHÁT HIỆN RA HIỆU ỨNG GASLIGHT NHƯ THẾ NÀO?
Tôi là nhà trị liệu ở một phòng khám tư trong 20 năm qua, cũng giống như giáo viên, huấn luyện viên lãnh đạo, tư vấn viên, và các đồng nghiệp ở Viện Woodhull cho lãnh đạo đạo đức, nơi mà tôi giúp phát triển và làm cho việc đào tạo phụ nữ ở mọi độ tuổi dễ dàng hơn. Trong các lĩnh vực này, tôi luôn gặp được những người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh và thành đạt. Nhưng tôi luôn nghe được câu truyện: Bằng cách nào đó, rất nhiều người trong số những người phụ nữ tự tin, thành đạt này được thấy mắc kẹt trong những mối quan hệ làm phá hủy, suy đồi đạo đức, và gây hoang mang. Mặc dù những người bạn và đồng nghiệp của họ có thể coi họ là một người có tài và quyền lực, họ vẫn thấy mình là một kẻ kém cỏi – một người không tin vào chính năng lực của mình cũng như nhận thức của mình về thế giới.
Có một điều gì đó quen thuộc đến đáng buồn trong những câu truyện này, và tôi dần nhận ra rằng tôi không chỉ lắng nghe họ với tư cách là một chuyên gia mà họ còn phản chiếu lại những trải nghiệm mà tôi và bạn bè của mình từng có. Trong mọi trường hợp, người phụ nữ có vẻ rất quyền lực luôn ở trong một mối quan hệ với người tình, bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp, sếp, hoặc thành viên trong gia đình, những người đã khiến cô phải nghi ngờ nhận thức về thực tế của mình và làm cho cô cảm thấy lo lắng, bối rối, và trầm cảm nặng. Những mối quan hệ này đều đáng chú ý bởi vì trong các lĩnh vực khác người phụ nữ có vẻ rất mạnh mẽ và đoàn kết. Nhưng luôn có một người đặc biệt – người thân yêu, sếp hoặc họ hàng – cô ấy luôn cố gắng dành được sự ủng hộ của những người này, thậm chí anh ấy đối xử với cô ấy rất thậm tệ. Cuối cùng, tôi cũng có thể đặt tên cho tình trạng đau đớn này: Hiệu ứng Gaslight, theo bộ phim cũ Gaslight.
Bộ phim kinh điển năm 1944 là câu truyện về Paula, một cô ca sĩ trẻ tuổi dễ tổn thương (do Ingrid Bergmen thủ vai) kết hôn với Gregory, một người đàn ông lớn tuổi quyến rũ và bí ẩn (do Charles Boyer đóng). Paula không hề hay biết người chồng yêu dấu của mình đang cố làm cô phát điên để chiếm được khoản thừa kế của cô. Hắn ta liên tục nói với cô rằng cô bị ốm và rất mỏng manh, sắp xếp lại các vật dụng và rồi đổ cho cô đã làm thế, và xấu xa hơn cả, hắn điều khiển gas để cô ấy chỉ nhìn thấy đèn lờ mờ mà không rõ lý do. Dưới sự tác động của âm mưu xấu xa của người chồng, Paule bắt đầu tin rằng cô đang phát điên. Bối rối và sợ hãi, cô bắt đầu cư xử một cách điên rồ, thực ra là trở thành một người mỏng manh mất phương hướng mà hắn ta luôn nói đó là con người cô. Trong cái xoắn ốc đi xuống của sự xấu xa, cô càng nghi ngờ bản thân thì cô càng trở nên bối rối và điên loạn. Cô tuyệt vọng tìm đến sự ủng hộ và yêu thương của chồng nhưng anh ta từ chối và khăng khăng rằng cô bị điên. Cô chỉ quay trở lại với sự ôn hòa, xác định bản thân khi một thanh tra cảnh sát đảm bảo với cô rằng anh ấy cũng nhìn thấy ánh đèn lờ mờ. Như Gaslight chỉ rõ, một mối quan hệ gaslight luôn liên quan đến 2 người. Gregory cần phải khiến cho Paula làm hắn cảm thấy quyền lực và nắm quyền kiểm soát. Nhưng Paula cũng rất háo hức bị dụ dỗ. Cô đã lý tưởng hóa người đàn ông mạnh mẽ điển trai này, và cô mong muốn đến tuyệt vọng tin vào việc hắn ta sẽ yêu thương và bảo vệ cô. Khi hắn ta bắt đầu cư xử tồi tệ thì cô ấy lại lưỡng lự đổ tội cho hắn hay nhìn hắn khác đi mà cô thà bảo vệ hình tượng lãng mạn của mình về một người chồng hoàn hảo. Sự bất an của cô về bản thân và việc lý tưởng hóa người chồng đã mở ra cho hắn cơ hội để điều khiển cô.
Đỗ Linh Chi dịch Nguồn:
http://dealingwithtoxicpeople.blogspot.com/2010/04/gaslighting-effect.html
https://www.psychologytoday.com/blog/power-in-relationships/200903/identify-the-gaslight-effect-and-take-back-your-reality
#TAMLYHOCTOIPHAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét