Tác giả: Leo Babauta
“Dù hiện tại có ra sao thì cũng hãy chấp nhận nó như thể mình đã lựa chọn nó.” ~ Eckhart Tolle
Hôm nay tôi sẽ gợi ý một sự thay đổi nhỏ trong tư duy có thể làm thay đổi cuộc đời bạn. Đó chính là: Đừng xem những gì xảy ra là chuyện tốt hay chuyện xấu. Hãy ngừng phán xét và ngừng kỳ vọng.
Đó là một thay đổi bé nhỏ – bạn chỉ cần nói, “Chuyện này không tốt hay xấu, nó chỉ xảy ra, nó là vậy.” Thay đổi nhỏ nhưng lại đòi hỏi bạn phải luyện tập, và ngạc nhiên thay, nó có thể làm bạn bất ngờ đấy.
Tại sao ư? Bởi nhờ thay đổi này mà bạn sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi những người tốt lẫn xấu (và hành động của họ) cũng như bởi những chuyện tốt lẫn xấu xảy ra. Bạn sẽ học cách chấp nhận bản chất của mọi chuyện và sống trong bối cảnh đó một cách có ý thức.
Bạn sẽ không còn phải kỳ vọng điều tốt (lẫn xấu), mà chỉ đón nhận khi điều đó xảy ra và hài lòng với mọi thứ. Như vậy nghĩa là bạn sẽ không phải thất vọng hay buồn phiền nữa.
“Khi ta xem thứ gì đó là xinh đẹp, những thứ khác sẽ trở nên xấu xí. Khi ta xem chuyện gì đó là tốt lành, những chuyện khác sẽ trở nên tồi tệ.” ~ Lão Tử
BÀI TẬP NHỎ
Hãy nghĩ về một chuyện tốt đẹp xảy đến với bạn gần đây và cách nó ảnh hưởng đến tư duy của bạn. Bây giờ hãy nghĩ đến một chuyện tồi tệ đã xảy ra và tác động của nó đến tư duy của bạn.
Giờ bạn hãy tưởng tượng chẳng chuyện nào là tốt hay xấu. Đơn giản là nó xảy ra, nó tồn tại.
Suy nghĩ này làm thay đổi cảm xúc của bạn về những sự việc đó như thế nào? Nó thay đổi hạnh phúc và tâm trạng của bạn ra sao? Nó thay đổi cách bạn phản ứng như thế nào?
Khi ngừng phán xét một sự việc là tốt hay xấu, bạn không còn phải nặng gánh cảm xúc bắt nguồn từ phán xét của mình và bạn có thể sống thanh thản hơn, tự do hơn.
Một việc mà bạn cho là tồi tệ ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm nhận của bạn ra sao?
CHẲNG CÓ GÌ LÀ TỐT HAY XẤU CẢ
Hamlet từng nói, “Chẳng có gì là tốt hay xấu, tốt hay xấu là do suy nghĩ.”
Ông nói đúng. Nếu không có các ý nghĩ thì mọi thứ cứ xảy ra thôi và chẳng có gì là tốt hay xấu cả. Chỉ khi chúng ta phán xét thì chúng mới trở thành tốt lành hoặc tồi tệ, xinh đẹp hoặc xấu xí.
Cỏ dại chỉ là cỏ dại khi ta không thích nó. Trẻ con chỉ hư khi ta không thích hành động của chúng. Cuộc sống chỉ tồi tệ khi ta cho là nó tồi tệ.
Nhưng còn những thảm kịch thật sự kinh khủng như dịch bệnh, sóng thần hay nạn thảm sát Holocaust thì sao? Chúng chắc chắn là tồi tệ chứ? Qua lăng kính phán xét mà ta được dạy thì đúng là các sự việc này thật khủng khiếp. Nhưng một lần nữa, hãy thôi phán xét và rồi… những sự việc này chỉ đơn giản là đã xảy ra. Chết chóc và sự tàn nhẫn có thể sẽ luôn làm ta buồn, nhưng chúng đã xảy ra và sẽ luôn xảy ra dù ta có thích hay không.
Tác giả Victor Frankl, người sống sót sau nạn Holocaust đã viết về một phụ nữ giàu có, người đã trải qua sự kiện này và biết ơn những gì trải nghiệm đó mang lại cũng nhiều như những gì bà phải chịu đựng, bởi lẽ sự kiện khiến bà tỉnh ngộ. Nó thay đổi con người bà. Tôi không nói nạn thảm sát Holocaust tốt lành nhưng có lẽ chúng ta có thể nói rằng nó đã xảy ra. Nó mang đến một bài học – bài học mà ta nên để tâm đến trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn thù hằn chính trị và đổ tội cho dân nhập cư và dân tộc thiểu số.
Có những bi kịch khác xảy đến mà không hẳn là chuyện xấu. Chắc chắn chúng gây ra những mất mát to lớn, nhưng cuộc sống luôn có mất mát và sẽ đến lúc con người phải chết. Chính cách ta phán xét chúng sẽ quyết định cách ta phản ứng và liệu ta có thể tỉnh táo xử lý chúng hay không.
NHỮNG KỲ VỌNG LỚN LAO
Nửa còn lại của sự thay đổi này cũng nhỏ thôi nhưng rất quan trọng, đó là: ngừng kỳ vọng. Không phải là hạ thấp kỳ vọng mà là hoàn toàn không kỳ vọng.
Bạn cứ nghĩ xem: khi kỳ vọng mà mọi chuyện không xảy ra đúng theo ý ta (thường là vậy vì chúng ta đâu phải những thầy bói tài ba), ta thất vọng và chán nản. Chính những kỳ vọng của ta buộc ta phán xét một sự việc là tốt hay xấu.
Khi bạn kỳ vọng điều gì đó ở bạn bè, đồng nghiệp, người thân, bạn đời và họ không đáp ứng được kỳ vọng đó, bạn bực bội hoặc thất vọng. Điều này dẫn đến sự tức giận. Nhưng nếu bạn không hề kỳ vọng thì hành động của họ sẽ không còn là tốt hay xấu nữa mà chỉ là hành động thôi. Bạn có thể chấp nhận họ mà không phải chán nản, giận dữ hay buồn phiền.
Giả sử bạn đi nghỉ mát ở một nơi mình kỳ vọng rất cao và nó lại không được như bạn nghĩ thì sao? Bạn sẽ thất vọng tràn trề, dù chỗ nghỉ mát đó không có lỗi – nơi đó vốn như thế. Lỗi nằm ở kỳ vọng của bạn.
Khi bạn thất vọng về ai đó thì đó không phải lỗi của họ. Họ chỉ là chính họ. Lỗi nằm ở kỳ vọng của bạn.
Lý do bạn nên ngừng phán xét hoặc kỳ vọng
Tại sao ta phải thay đổi? Tại sao ta nên ngừng phán xét? Tại sao ta nên ngừng kỳ vọng?
Bởi phán xét ngăn ta thông hiểu và có thể hủy hoại hạnh phúc của ta. Khi phán xét, ta không cố gắng thấu hiểu – ta đi thẳng đến kết luận. Nếu ngừng phán xét, ta sẽ cho phép bản thân cố gắng thấu hiểu, sau đó ta có thể hành động khôn ngoan hơn rất nhiều, bởi lẽ ta có nhiều thông tin hơn nhờ sự thông hiểu của mình.
Phán xét làm ta buồn rầu. Kỳ vọng cũng vậy.
Khi ngừng phán xét, ta có thể sống trong hiện tại mà không đánh giá những gì xảy đến là tốt hay xấu. Ta có thể ngừng hủy hoại hạnh phúc của mình bằng suy nghĩ và thay vào đó là bắt đầu sống đúng nghĩa.
6 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG THANH THẢN
Vậy ta phải bắt đầu như thế nào? Như mọi lần, hãy bắt đầu bằng những bước nhỏ.
1. Bắt đầu bằng cách ý thức hơn. Trong suốt bài học hôm nay, hãy để ý khi bạn phán xét, khi bạn kỳ vọng và khi sự việc không xảy ra theo đúng kỳ vọng. Dần dần bạn sẽ càng để ý nhiều hơn và ý thức hơn những lối tư duy này.
2. Hãy ngừng lại một chút mỗi lần bạn nhận ra một phán xét hoặc kỳ vọng. Hãy hít thở. Sau đó tự nhủ, “Không kỳ vọng, không có tốt hay xấu.” Lặp lại hành động này và buông bỏ phán xét hoặc kỳ vọng đó.
3. Cố gắng nhìn nhận sự việc theo đúng bản chất của nó và cố gắng thấu hiểu. Hãy hiếu kỳ tìm hiểu tại sao sự việc lại như vậy, tại sao mọi người hành động theo cách đó. Khám phá, cảm thông và thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Nhìn nhận cuộc đời bạn theo bản chất của nó chứ không phải qua lăng kính phán xét hay kỳ vọng.
4. Đón nhận sự việc xảy đến. Hãy trải nghiệm sự việc đó ngay trong khoảnh khắc. Phản ứng phù hợp, đừng làm quá lên vì nó không như bạn muốn hay hy vọng. Bạn không thể kiểm soát cuộc sống hay người khác, nhưng bạn có thể làm chủ phản ứng của mình.
5. Chấp nhận. Khi chuyện xảy ra, hãy hiểu tại sao nó xảy ra mà không phán xét, đồng thời chấp nhận nó như nó vốn vậy. Chấp nhận người khác theo đúng bản chất của họ. Chấp nhận con người thật của mình mà không phán xét. Bước này đòi hỏi bạn phải luyện tập nhiều.
6. Biết rằng khoảnh khắc hiện tại, đúng theo bản chất của nó, cũng chứa đựng những cơ hội vô tận. Và những cơ hội này sẽ hé mở khi bạn nhìn nhận sự việc theo đúng bản chất của nó mà không phán xét hay kỳ vọng.
Mong rằng bài học này sẽ giúp bạn có thái độ cởi mở hơn, bớt phán xét hơn và giữ cho cuộc sống luôn thanh thản, nhẹ nhàng.
Nguồn: http://zenhabits.net/light/
Dịch: UBrand.cool–Mạng Xã hội Tri Thức và Xây dựng Thương hiệu Cá nhân
#TAMLYHOCTOIPHAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét