Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG CÓ GÌ SAI ?

Có một người đàn ông. Tỷ phú nổi tiếng thế giới. Thiên tài công nghệ. Nhà sáng chế và chủ doanh nghiệp. Thể thao và tài năng và điển trai với bộ xương quai hàm góc cạnh như được đích thân thần Zeus hạ thế từ đỉnh Olympus khắc họa ra.
Hắn có một đoàn xe thể thao, một vài du thuyền, và khi không quyên góp cả triệu đô vào từ thiện, hắn thay đổi xoành xoạch các cô bạn gái siêu mẫu như thay vớ.
Nụ cười của hắn có thể làm tan chảy cả gian phòng. Sức hút của hắn dày đặc đến nỗi bạn có thể bơi trong đó được. Một nửa số bạn bè của hắn đều nằm trong bảng xếp hạng “Người đàn ông của năm” của tạp chí TIME. Còn những người không lọt top thì cũng chả quan tâm vì họ muốn mua tạp chí ấy là có thể mua được ngay thôi. Khi hắn không lái máy bay cá nhân đi vòng quanh thế giới hay nảy ra ý tưởng kỹ thuật mới để giải cứu hành tinh, hắn dành thời gian giúp đỡ những người yếu đuối, bơ vơ, bị ức hiếp.
Người đàn ông này là, bạn đoán đúng rồi đấy, Bruce Wayne. Còn được biết đến với cái tên Batman. Và (cẩn thận, có spoiler) hắn không hề tồn tại. Hắn chỉ có trong giả tưởng.
Một khía cạnh thú vị của bản chất con người là dường như ta cần những thể loại anh hùng giả tưởng này để làm hiện thân cho tất cả những gì chúng ta mơ ước có được. Châu Âu thời Trung cổ có những câu chuyện về các hiệp sĩ ga lăng diệt rồng giải cứu công chúa. La Mã cổ đại và Hy Lạp có những chuyện thần thoại về các anh hùng đơn thân độc mã chiến thắng trong những cuộc chiến tranh và có khi còn gặp được những vị thần. Mỗi nền văn hóa đều có đầy những câu chuyện giả tưởng như vậy.
Và ngày nay, chúng ta có truyện tranh siêu anh hùng. Lấy vị dụ Superman. Ý tôi là người này căn bản là một vị thần với hình hài con người mặc bộ áo liền quần màu xanh và quần sịp đỏ ở bên ngoài. Hắn không thể bị hủy diệt và không thể bị đánh bại. Và điều duy nhất cũng kiên định như thể chất của hắn chính là lương tri. Trong thế giới của Superman, công lý luôn chỉ có hai màu trắng đen, và Superman không bao giờ nao núng khi làm điều đúng đắn. Dù cho có điều gì xảy ra.
Tôi không nghĩ tôi đang khuấy động lĩnh vực tâm lý học bằng việc cho rằng, là con người, ta có một nhu cầu có những anh hùng như thế để đối phó với cảm giác vô năng của chính bản thân mình. Có hơn 7.2 tỉ người trên hành tinh này, và thật ra chỉ có khoảng 1000 người có ảnh hưởng lớn đến thế giới tại một thời điểm nhất định. Trên dưới 7,199,199,000 còn lại là chúng ta đã quen với phạm vi cuộc sống hạn hẹp của mình và chấp nhận sự thật rằng đại đa số những gì chúng ta làm sẽ không còn là gì cả một khi ta chết đi. Đây không phải một điều gì đó ta có thể vui vẻ nghĩ đến hay chấp nhận.
Hôm nay, tôi muốn tách ra khỏi nền văn hóa “làm nhiều hơn, mua nhiều hơn, tình dục nhiều hơn” và bênh vực giá trị của người bình thường, của việc là một người bình thường nhàm chán.
Không phải giá trị của việc theo đuổi sự bình thường, tôi muốn nhắc nhở các bạn điều này – vì tất cả chúng ta đều nên cố gắng hết sức mình để làm đạt được những điều tốt nhất có thể – mà chính xác hơn là giá trị của việc chấp nhận sự bình thường khi bản thân chúng ta khinh miệt những nỗ lực của chính mình.

ĐẰNG SAU NHỮNG ĐƯỜNG CONG

Mọi thứ trong cuộc sống đều là sự bù trừ. Một số trong chúng ta bẩm sinh đã có năng lực cao về học thuật. Một số khác có kỹ năng thể chất tốt. Số khác giỏi thể thao. Số khác có năng khiếu hội họa. Số khác có thể quan hệ tình dục như thỏ mà không đổ một giọt mồ hôi. Con người là nhóm sinh vật có mùi phân hóa rất đa dạng về kỹ năng và tài năng. Tất nhiên, những gì chúng ta thực sự đạt được trong cuộc sống lại dựa vào sự rèn luyện và nỗ lực, nhưng tất cả chúng ta sinh ra đều có những năng lực và tiềm năng khác nhau.
Trên đây là đường cong hình vòm. Ai trong các bạn đã học lớp thống kê và sống sót qua khỏi lớp đó chắc đều sẽ nhận ra.
Đường cong hình vòm cũng khá đơn giản. Lấy một lượng người nhất định, ví dụ như số người chơi golf ít nhất một lần một năm. Trục hoành biểu thị trình độ chơi golf. Càng về bên phải nghĩa là họ chơi giỏi, càng về bên trái nghĩa là họ chơi tệ.
Giờ thì, hãy chú ý rằng hai mép của đường cong rất mỏng. Điều đó có nghĩa có ít người chơi golf rất, rất giỏi. Và cũng ít người chơi golf rất, rất tệ. Đa số đều rơi vào khoảng giữa bình thường.
Chúng ta có thể áp dụng “đường cong” này với cả tấn thứ đối với một lượng người nhất định. Chiều cao. Cân nặng. Sự chín chắn trong cảm xúc. Tiền lương. Tần suất quan hệ tình dục. Và những điều tương tự.
Ví dụ, đây là một cú úp rổ của Michael Jordan trong một trận bóng rổ:
Đa số mọi người đều cho rằng anh ta là một trong số những người úp rổ giỏi nhất. Vì vậy, anh ta ở phần rìa xa nhất bên phải của đường cong, giỏi hơn 99.99% tất cả những ai đã từng úp rổ. Hầu như không có ai có thể bì được.
Và rồi ta có anh chàng này:
Hiển nhiên là anh ta không phải Michael Jordan. Trên thực tế, nhiều khả năng rất nhiều người đọc bài viết này có thể giỏi hơn anh ta. Điều đó có nghĩa anh ta có lẽ nằm ở rìa bên trái của đường cong, rìa trái ngược với Michael Jordan.
Chúng ta ngưỡng mộ MJ vì anh ta giỏi thể thao hơn tất cả chúng ta. Chúng ta cười chàng trai trên tấm đệm lò xo vì anh ta dở thể thao hơn đa số chúng ta. Cả hai đều nằm ở hai cực khác nhau của đường cong. Và chúng ta là phần đa số ở khoảng giữa.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU Ở MỨC TRUNG BÌNH TRONG BẤT KỲ ĐIỀU GÌ

Chúng ta đều có thế mạnh và điểm yếu. Nhưng sự thật là, đa số chúng ta đều ở mức trung bình trong đa số những gì ta làm. Ngay cả khi bạn có năng khiếu – ví dụ toán, hay nhảy dây, hay kiếm tiền từ súng chợ đen – nhiều khả năng bạn rất bình thường hoặc dưới mức trung bình trong đa số việc khác. Đó chỉ là bản chất của cuộc sống. Để trở nên thật sự giỏi một điều gì đó, bạn phải bỏ ra thời gian và công sức. Và vì thời gian và công sức của chúng ta có hạn, rất hiếm người có thể trở nên thực sự xuất sắc trong nhiều hơn một lĩnh vực, có khi còn không có được một lĩnh vực nào.
Chúng ta có thể khẳng định rằng không thể có một người nào xuất sắc ở tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, hay thậm chí là nhiều lĩnh vực. Bruce Wayne không tồn tại. Điều đó đơn giản là không thể xảy ra. Các doanh nhân thành đạt thường gặp rắc rối trong cuộc sống cá nhân. Vận động viên phi thường lại khá nông cạn và đần độn như một cục đá. Đa số người nổi tiếng thường không có mục tiêu cuộc sống giống như những người trầm trò theo dõi mỗi bước đi của họ.
Tất cả chúng ta, trong đa số trường hợp, đều là những người bình thường. Chỉ những người phi thường được nêu tên trước công chúng. Trong thâm tâm ta đều biết điều này, nhưng ta hiếm khi nghĩ và/hay nói về nó. Đại đa số chúng ta không bao giờ phi thường ở bất kỳ điều gì. Và điều này không có gì đáng ngại.
Điều này dẫn đến một điểm quan trọng: mục tiêu là sự bình thường thì rất là tồi tệ. Thế nhưng kết quả là sự bình thường, thì chẳng có vấn đề gì cả.
Hiếm có người nào hiểu được điều này. Và càng hiếm hơn nữa những người có thể chấp nhận sự thật này. Bởi vì vấn đề nảy sinh – những vấn đề nghiêm trọng, dạng như “Chúa ơi, ta sống để làm gì” – khi chúng ta trông đợi vào một cuộc sống phi thường. Hoặc tệ hơn, chúng ta cảm thấy mìnhcó quyền được phi thường. Nhưng trên thực tế, điều đó không khả thi. Cứ mỗi một Michael Jordan hay Kobe Bryant, ta có 10 triệu đấu thủ kém cỏi chơi bóng rổ đường phố trong công viên.. và thua.  Cứ mỗi một Picasso hay DaVinci, ta có khoảng một tỷ kẻ ngốc chảy nước dãi ăn đất sét Play-Doh và trét sơn đầy tay rồi đập lung tung. Và cứ mỗi một Leo Tolstoy, ta có rất nhiều người, trong đó có cả tôi, nguệch ngoạc học đòi viết văn.

SỰ BẠO NGƯỢC CỦA CHỦ NGHĨA PHI THƯỜNG

Vấn đề như sau. Tôi tin rằng ngày nay chúng ta trông chờ (hoặc cảm thấy có quyền) được phi thường nhiều hơn bao giờ hết. Và lý do là vì bản chất của công nghệ và đặc quyền kinh tế của chúng ta.
Với internet, Google, Facebook, YouTube và 500+ kênh truyền hình, còn gì tuyệt vời hơn. Chúng ta có thể tiếp cận với lượng thông tin nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.
Nhưng chúng ta thiếu đi sự chú ý. Chúng ta không thể tiếp thu bao nhiêu làn sóng thông tin từ internet tại một thời điểm nhất định. Vì thế chỉ những tin chấn động và thu hút sự chú ý mới thực sự là những mẩu tin phi thường. 99.99% là vậy.
Hằng ngày, mỗi ngày, những điều phi thường thực sự luôn dồn dập vào tầm mắt chúng ta. Người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Người tệ nhất trong số những người tệ nhất. Những chiến công thể thao hiển hách nhất. Những câu chuyện cười hài hước nhất. Tin tức gây bức xúc nhất. Mối đe dọa đáng sợ nhất. Không có hồi kết.
Cuộc sống ngày nay của chúng ta trải đầy những thông tin về hai rìa của đường cong, vì trong giới truyền thông, đó là những thứ thu hút những con mắt tò mò, và những con mắt tò mò ấy giúp họ hái ra tiền. Chỉ có vậy thôi. Còn đại đa số con người trên cuộc đời này tiếp tục yên vị ở vùng giữa.
Tôi tin chính sự ồ ạt thông tin này đã tạo điều kiện cho chúng ta tin rằng “phi thường” là một điều bình thường kiểu mới. Và vì tất cả chúng ta rất hiếm khi phi thường, chúng ta luôn cảm thấy bấp bênh và tuyệt vọng về sự “phi thường”. Vì thế mà ta phải làm gì đó để bù đắp. Một số người nung nấu những ý định làm giàu nhanh chóng. Số khác bay vòng quanh thế giới cứu giúp những đứa trẻ đói khát ở châu Phi. Số khác học hành xuất sắc trong trường và đạt mọi loại giải thưởng. Số khác thì vác súng nã đạn ở trường học. Số khác quan hệ tình dục với bất kỳ thứ gì có thể nói và thở.
Có một sự bạo ngược tâm lý này hiện diện trong văn hóa ngày nay, một ý nghĩ rằng ta luôn phải chứng tỏ mình đặc biệt, độc nhất, phi thường, không cần biết chuyện gì xảy ra, chỉ để có một khoảnh khắc phi thường ngắn ngủi sẽ nhanh chóng bị cuốn trôi đi trong dòng chảy không ngừng nghỉ của những con người phi thường khác.
Ví dụ, đây là một video dài năm phút chỉ để nói về một số chiến công đáng kinh ngạc mà bạn có thể tưởng tượng : https://youtu.be/kXzwOKyGlSA Điều điên rồ là mỗi một người trong video này, để có được năm giây huy hoàng ấy, họ đã phải dành ra hàng năm trời luyện tập cũng như hàng chục giờ quay phim chỉ để ghi được năm giây hoàn hảo.
Vậy mà chúng ta không hề được biết đến những năm tháng khổ luyện ấy. Hay hàng giờ quay hỏng kia. Chúng ta chỉ được xem những khoảnh khắc hoành tráng nhất – có lẽ là trong cả cuộc đời họ.
Rồi chúng ta xem video và quên sạch mọi thứ chỉ sau vài phút. Vì chúng ta phải chuyển sang một thứ khác. Và rồi thêm một thứ khác.

NH-NH-NH-NHƯNG, NẾU TÔI TRỞ NÊN ĐẶC BIỆT HAY PHI THƯỜNG, THÌ CÒN Ý NGHĨA GÌ NỮA?

Trong nền văn hóa ngày nay, ta có thể tin rằng tất cả chúng ta được định sẵn sẽ làm một điều gì đó thực sự phi thường. Người nổi tiếng nói thế. Các nhà tài phiệt nói thế. Chính trị gia nói thế. Ngay cả Oprah cũng nói thế. Mỗi người trong chúng ta đều có thể trở nên phi thường. Chúng taxứng đáng được trở nên phi thường.
Sự thật là ý kiến này vốn rất mâu thuẫn – nếu mọi người đều phi thường, thì theo nghĩa đen, chẳng có ai phi thường cả – nhưng đa số mọi người đều bỏ qua, và thay vào đó chúng ta nghe theo lời nhắn nhủ ấy và ăn thêm nữa. (Ý tôi là ăn thêm taco.)
Là người “bình thường” đã trở thành chuẩn mực mới của sự thất bại. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là ở mức trung bình trong một tập thể, ở vùng giữa của đường cong.
Vấn đề là, dựa theo thống kê, gần như tất cả chúng ta đang nằm ở vùng giữa của đường cong ở mọi lúc, trong mọi thứ chúng ta làm. Tất nhiên, bạn có thể là tay golf mini đẳng cấp thế giới. Nhưng bạn vẫn phải về nhà và làm một người cha bần tiền và dễ say khi uống bia rẻ tiền hơn 90% dân số và tè dầm vào buổi tối. Hay tệ hơn, bạn có thể là Tiger Woods (là một tay golf người Mỹ có nhiều tai tiếng về các vụ bê bối tình ái). Không ai có thể phi thường trong một thời gian dài. 
Rất nhiều người sợ phải chấp nhận sự bình thường vì họ tin rằng nếu họ chấp nhận sống bình thường, họ sẽ không bao giờ có thể đạt được điều gì, không bao giờ tiến bộ, và cuộc đời của họ không còn quan trọng nữa.
Tôi nghĩ suy nghĩ này rất nguy hiểm. Một khi bạn chấp nhận việc cuộc sống chỉ đáng sống khi nó thực sự đáng kể và vĩ đại, thì bạn căn bản cũng chấp nhận sự thật rằng đa phần dân số thế giới đều tội tệ và vô dụng. Và xét về mặt đạo đức, bạn đã dấn thân vào một luồng suy nghĩ khá đen tối.
Nhưng vấn đề của đa số mọi người về việc chấp nhận sự bình thường lại thực tế hơn một chút. Họ lo ngại rằng, “Nếu tôi chấp nhận sự thật rằng tôi bình thường, thì tôi sẽ chẳng bao giờ đạt được điều gì vĩ đại. Tôi sẽ không có động lực để cải thiện bản thân hay làm điều gì đó lớn lao. Nếu tôi là một trong số ít những người hiếm có thì sẽ thế nào?
Đó cũng là một niềm tin sai lệch. Người xuất sắc ở một điều gì đó không phải bởi vì họ nghĩ họ xuất sắc. Ngược lại, họ trở nên đáng ngưỡng mộ vì họ luôn có suy nghĩ phải tiến bộ. Và suy nghĩ ấy nảy sinh chính từ niềm tin rằng họ, thực chất, không hề xuất sắc. Rằng họ bình thường. Rằng họ còn có thể trở nên giỏi hơn nữa.
Đây là một nghịch lý của tham vọng. Nếu bạn mong ước được trở nên thông mình và thành công hơn người khác, bạn luôn cảm thấy mình là một kẻ thất bại. Nếu bạn mong ước trở thành người nổi tiếng và được yêu thích nhất, bạn luôn cảm thấy đơn độc. Nếu bạn mong ước trở thành người quyền lực nhất và được ngưỡng mộ nhất, bạn luôn cảm thấy non kém và bất lực.
Mấy câu như “mỗi người đều có thể trở nên phi thường và đạt được những điều vĩ đại” căn bản chỉ giúp thủ dâm tinh thần bạn thôi. Đó chỉ là những thứ vô nghĩa làm bạn cảm thấy tốt hơn trong vài phút và giúp bạn sống sót đến hết tuần mà không treo cổ tự tử trong phòng. Đó chỉ là một thông điệp có vẻ ngon khi đưa vào miệng, nhưng trên thực tế, nó không là gì ngoài một chút calories rỗng tuếch làm mập húp tâm hồn bạn, là bánh hamburger Big Mac bằng lời cho trái tim và tâm trí bạn.
Con đường đến sức khỏe tâm hồn, cũng như sức khỏe thể chất, đến từ rau quả – nghĩa là, bằng cách chấp nhận sự thật nhạt nhẽo và trần tục của cuộc sống: món salad mang “bạn thực chất rất bình thường và nằm ở phần đa số trong mọi việc” và một chút bông cải hấp “đại đa phần cuộc đời của bạn sẽ rất bình thường”. Những món này ban đầu ăn thì rất dở. Rất dở. Bạn sẽ chẳng muốn ăn.
Nhưng một khi đã tiêu hóa, cơ thể bạn sẽ được thức tỉnh mạnh mẽ và đầy sức sống hơn. Ít nhất thì áp lực phải trở thành một người xuất sắc, trở thành người vĩ đại tiếp theo, sẽ được gỡ bỏ khỏi lưng bạn. Stress và mối lo về cảm giác thiếu hụt cũng sẽ tan đi. Việc bạn biết và chấp nhận sự tồn tại bình thường của chính mình thực sự sẽ giúp bạn tự do đạt được những gì bạn mong muốn mà không hề có những phê bình hay đòi hỏi khắt khe.
Bạn sẽ ngày càng trân trọng những trải nghiệm cơ bản của cuộc sống. Bạn sẽ học được cách đánh giá bản thân qua một cách thức mới mẻ và lành mạnh hơn: niềm vui thú của tình bạn giản đơn, tự tay làm một thứ gì đó, giúp đỡ người cần được giúp, đọc một quyển sách hay, cười đùa với những người bạn quan tâm.
Nghe có vẻ nhàm chán nhỉ? Đó là bởi vì nhừng điều ấy là những điều bình thường. Nhưng có lẽ chúng bình thường cũng có lý do. Bởi vì đó mới là những điều quan trọng.
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét