Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] HÀNH ĐỘNG TẠO NÊN CẢM XÚC

Mùa hè năm 1971, một nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư tâm lý Phillips Zimbardo dẫn đầu đã phân một nhóm các sinh viên đại học thành 2 nhóm ngẫu nhiên, những tù nhân và những cai tù, và sắp xếp họ đóng vai của họ trong một nhà tù giả dưới tầng hầm của Khoa Tâm lý đại học Stanford.
Chỉ trong vài ngày, những cai tù bắt đầu bộc lộ những thái độ uy quyền, độc đoán, cố ý sỉ nhục một số tù nhân. Các tù nhân bắt đầu có những thái độ thụ động, nhiều người rơi vào một trạng thái trầm cảm. Thực nghiệm phải chấm dứt chỉ sau 6 ngày.
Thực nghiệm nhà tù Stanford thường được cho là để minh họa cho sức mạnh của vai trò xã hội trong việc kiến tạo hành vi, nhưng nó cũng mô tả về sức mạnh của hành vi để gây ra những cảm xúc mạnh mẽ thực sự. Những cai tù trong thực nghiệm của Zimbardo không thực sự là những cai tù. Và những tù nhân không phải là những tù nhân thực. Tất cả bọn họ là những tình nguyện viên. Họ là những sinh viên. Nhưng khi họ bắt đầu hành động theo vai, họ bắt đầu cảm nhận theo vai.
Nhiều người giả định rằng mối liên hệ giữa cảm xúc và hành vi là một chiều: Cảm xúc hình thành hành vi. Bạn yêu anh ấy, do đó bạn hôn anh ấy. Bạn ghét anh ta, do đó bạn đánh anh ta. Quan điểm này là không đúng. Trong thực tế, mối quan hệ đó là hai chiều. Thật ra, phần lớn thời gian, hành động hình thành cảm xúc.
Bạn từng tự hỏi tại sao các nam và nữ diễn viên đóng vai người yêu trong một bộ phim thường bắt đầu yêu nhau sau khi kết thúc phim? Chắc chắn là có liên quan đến nhiều quá trình. Cả hai thường trẻ và đẹp. Họ có nhiều điểm chung. Họ ở cạnh nhau rất nhiều. Tất cả điều đó được biết đến như những yếu tố dự báo của việc lựa chọn bạn tình.
Nhưng họ cũng đóng những cảnh yêu nhau. Họ phải hành động như những người quan tâm sâu sắc đến nhau. Họ nhìn vào mắt nhau, họ chạm vào nhau. Họ đóng những hành động yêu thương. Ta không ngạc nhiên khi cảm xúc của tình yêu thường theo sau.
Nhà tâm lý/ triết học William James là một trong những nhà học giả đầu tiên nhận thấy quá trình phản trực giác này. Ông tin là những cảm xúc nảy sinh từ những hành động của cơ thể mà chúng ta đáp ứng lại trước những điều xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Ông giả thuyết rằng, không phải  “chúng ta đánh mất gia tài, buồn và khóc; chúng ta gặp một con gấu, sợ hãi và bỏ chạy; chúng ta bị đối thủ xúc phạm và tức giận và đánh nhau.” Trên thực tế, ông lập luận, “trình tự của các chuỗi sự việc này là không đúng…những nhận định trên, hợp lý hơn nên là chúng ta cảm thấy buồn vì chúng ta khóc, tức giận vì chúng ta đánh nhau, sợ hãi vì chúng ta run rẩy.”
James lập luận rằng nếu không có một số phản ứng của cơ thể (khóc, run, đánh đấm), chúng ta sẽ không cảm nhận cảm xúc. “Như vậy chúng ta có thể thấy con gấu và nhận định rằng tốt hơn là nên chạy, bị nhục mạ và cho rằng tung nắm đấm là đúng, nhưng chúng ta không thật sự cảm thấy sợ hãi hay tức giận.” Mặc dầu hơi quá đơn giản, James vẫn chạm vào đúng sự thật của vấn đề. Hành vi có thể tạo nên cảm xúc.
Nghiên cứu gần đây trong tâm lý học lâm sàng cho thấy cách nhanh nhất để thay đổi một cảm xúc là thay đổi hành vi gắn liền với nó. Bản thân quan điểm này không mới. Ví dụ, các nhà lý thuyết hành vi những năm 1970 tin rằng trầm cảm là kết quả gián tiếp của sự không hoạt động: sau nhiều thất bại và những thất vọng, hụt hẫng, con người dừng cố gắng và thu mình khỏi thế giới; tuy nhiên thu mình và không hoạt động lại làm giảm khả năng có những tương tác hoặc những trải nghiệm tích cực, do đó sự cô lập và thụ động tăng lên, cuối cùng dẫn đến trầm cảm.
Con người thích những phần thưởng ngay trước mắt hơn, và thường phản ứng lại với sự không thoải mái bằng cách thu mình và né tránh. Thu mình và né tránh cho chúng ta phần thưởng ngắn hạn bằng cách loại bỏ sự khó chịu, nhưng chúng trừng phạt chúng ta về lâu dài bằng cách ngăn không cho chúng ta học cách làm thế nào đạt được những phần thưởng khác trong môi trường. Phản ứng đúng đắn trước thất bại không phải là đầu hàng và thu mình mà là học cách hành động khéo léo, có kỹ năng và có mục đích hơn để đưa những củng cố tích cực vào trong cuộc sống của bạn. Trị liệu hành vi cho người trầm cảm là tập trung làm cho thân chủ thay đổi những hành vi để trải nghiệm một sự thay đổi trong tâm trạng – một nguyên tắc được gọi là Hoạt hoá hành vi.
Những phương thức chữa trị trầm cảm dựa trên nguyên tắc về hành vi, ở một mức nào đó, đã bị gạt sang một bên vào những năm 1980 vì người ta chú trọng vào các kỹ thuật về phương thức nhận thức, vốn chú trọng đến việc thay đổi “những sai lạc về nhận thức” (những suy nghĩ bi quan, thảm não) và “những cách thức đặc trưng” tiêu cực (thói quen tự trừng phạt bằng cách gán một ý nghĩa nào đó lên các sự kiện). Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong những năm 90, cho thấy rằng chỉ một phần của phương pháp Hoạt hoá hành vi cho kết quả ngang với toàn bộ chương trình trị liệu trầm cảm bằng phương pháp nhận thức, và điều này đã làm sống lại mối quan tâm với những ý tưởng trước đó [về hành vi tạo nên cảm xúc – ND].
Mô hình Hoạt hoá hành vi cho rằng trầm cảm có mối liên hệ với những tình huống ngoại cảnh của chủ thể, chứ không đơn thuần là do tính cách nội tâm của người đó. Nói cách khác, các chứng rối loạn là “các sự kiện trong một tình huống đặc biệt”. Do đó, mô hình Hoạt hoá hành vi đại diện cho quan điểm cho rằng các bệnh tâm lý có phụ thuộc vào hoàn cảnh. Thay vì xem xét kỹ lưỡng những khiếm khuyết về yếu tố di truyền và phương thức nhận thức bên trong chủ thể, các chứng rối loạn được xem là sự tương tác giữa các tính cách cá nhân và các điều kiện môi trường.
Nguyên tắc “hành vi thiết lập cảm xúc” được áp dụng ngày nay trong phương pháp trị liệu chứng trầm cảm, thông qua một kỹ thuật gọi là “hoạch định các hoạt động”, theo đó, các thân chủ được yêu cầu đưa trở lại những hoạt động có liên hệ đến cảm giác thành đạt và vui vẻ vào cuộc sống của họ. Phương pháp này không chỉ là những lời đề nghị phổ biến trong quá khứ như “hãy đi dạo” hay “xuống phố chơi”. Các nhà trị liệu hợp tác với các thân chủ để xem xét những hành vi khả dĩ đặc biệt trong cuộc sống của họ, chia các nhiệm vụ ra thành những bước nhỏ và dễ đạt được, và củng cố những hành vi có tính thành đạt trong cuộc sống. Nhà tâm lý học thực hiện tương tự như cách một nhà trị liệu vật lý chia nhỏ một chuyển động thành những những cử động nhỏ hơn có thể được tập luyện một cách dễ dàng để rèn luyện sức lực và sự dẻo dai.
Trở nên năng động trong cuộc sống có thể dẫn đến những thay đổi trong tâm trạng thông qua nhiều con đường. Hoạt động thể chất dẫn đến cảm giác về sự khoẻ mạnh bằng cách phóng thích những hóc môn giảm đau, không kể đến việc tăng sức mạnh cơ bắp và năng suất của tim, cải thiện ngoại hình, v.v. Cơ thể của chúng ta được xây dựng cho chuyển động, và chúng cảm thấy tốt khi chuyển động.
Trở nên năng động trong cuộc sống cũng giúp bạn gần gũi với mọi người hơn. Chúng ta là những động vật có tính xã hội, và các tương tác xã hội có tác động tích cực lên trạng thái tinh thần của chúng ta. Tác nhân dự đoán tốt nhất duy nhất về sự hạnh phúc của con người chính là các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, hoạt động thường góp phần tạo nên luyện tập, và luyện tập giúp cải thiện các kỹ năng, và dẫn đến cải thiện khả năng của chúng ta có được những phần thưởng trong môi trường sống.
Thông điệp chủ đạo trên không chỉ hữu ích đối với người đang trầm cảm mà còn đối với bất kỳ ai quan tâm đến việc giữ gìn tinh thần khoẻ mạnh. Cách ngắn nhất, đáng tin nhất để thay đổi cách bạn cảm nhận đó là thay đổi những việc bạn làm. Khi bạn cảm thấy tồi tệ, đừng chờ đợi cảm thấy hạnh phúc để làm những việc bạn thích. Hãy bắt đầu làm những việc bạn thích. Những cảm xúc tốt đẹp có thể sẽ theo sau.
Rubi dịch
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét