Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] TÊ LIỆT PHÂN TÍCH (ANALYSIS PARALYSIS)

Tôi muốn giúp mọi người hiểu được khái niệm “tê liệt phân tích” (Analysis Paralysis), khi nào ta dùng nó và ta dùng nó như thế nào. Tôi muốn giúp họ hiểu rằng đôi lúc đầu óc và trí tuệ của họ khiến họ bị phân tâm và làm họ chệch hướng khỏi mục tiêu thay vì giúp họ đạt được chúng.
Nhưng làm sao để bạn giải thích một cách khoa học với một người rằng vận động trí óc quá nhiều chỉ là bản thân họ đang tránh né những lo âu và vấn đề về cảm xúc của mình, vấn đề thật sự của họ. Làm sao để họ hiểu điều đó khi họ nhìn nhận mọi thứ thông qua đôi mắt trí óc? Làm sao bạn làm họ thấy được những kế hoạch và việc học tập của họ chỉ là công cụ để họ LẢNG TRÁNH mục tiêu thay vì ĐẠT ĐƯỢC mục tiêu? Làm sao bạn phân biệt được ranh giới mỏng manh giữa dự liệu vừa đủ và dự liệu quá mức? Ranh giới đó ở đâu?
Tôi nghĩ ranh giới giữa phân tích và phân tích thái quá là ở việc suy nghĩ khó dẫn đến hành động, thay vì dễ.
Nhưng phải có một nhận thức nội tâm nhất định mới có thể nhận ra được điều này. Và tôi e rằng những người đàn ông ít sử dụng cảm xúc của mình nhất sẽ cho rằng ý kiến này chỉ đơn thuần là một lời thôi thúc họ phân tích suy nghĩ và hành động của mình kỹ hơn, thay vì tìm đến những cảm xúc và lo âu sâu kín, từ đó dẫn đến việc lảng tránh mục tiêu của mình.
Tôi ước gì mình có thể tìm ra cách để viết theo cách có thể chạm đến khả năng tự nhận thức của mỗi độc giả theo cách để họ thực sự cảm thấy họ đang phân tích thái quá, suy nghĩ thái quá, và phức tạp hóa mọi chuyện hơn mức cần thiết. Họ có thể cảm nhận được sự lảng tránh, những rác rưởi trong trí óc, những suy nghĩ nhấn chìm khả năng hành động của họ.
Tôi cho là bất kỳ thủ thuật nào cũng cần phải dùng đến góc độ nhìn nhận – trình bày suy nghĩ ở ngôi thứ nhất, nhưng đồng thời đưa ra những lời phân tích châm biếm một cách toàn cảnh về góc nhìn ở ngôi thứ nhất ấy. Từ đó độc giả có thể liên hệ với bài viết trong khi bị trói buộc vào sự tự nhận thức của bài viết ấy – một dạng lời khuyên cuộc sống hậu hiện đại.
Tôi nên viết bao nhiêu đoạn văn đây? Nghiên cứu cho thấy đa số độc giả sẽ bỏ giữa chừng sau khi đọc khoảng 500 từ, nhưng thông số của tôi lại cho thấy những bài viết 2000 từ hoặc hơn lại được đọc và chia sẻ nhiều nhất. Trớ trêu là một bài blog không có tê liệt phân tích thì sẽ rất ngắn, vậy mà thủ thuật tự nhận thức ngôi thứ nhất được miêu tả ở trên lại cần một bài viết dài để truyền tải đầy đủ nội dung. Tôi có nên viết cộc lốc về việc làm thế nào để trở nên cộc lốc, hay nên dài dòng để giải thích lý do bạn không nên dài dòng?
Rồi lại đến vấn đề về từ vựng. Tôi sẽ dùng những từ ngữ hào nhoáng, hàn lâm, mang tính tâm lý để biểu đạt việc phân tích thái quá? Hay là tôi sẽ dùng từ đơn giản và đúng trọng tâm? Tôi luôn lo ngại về khả năng đọc của độc giả. Tôi là một kẻ đáng ghét hay lạm dụng những từ ngữ học thuật và có thể làm phật ý một vài độc giả. Không biết nữa, có thể tôi đã có lượng độc giả gấp đôi nếu tôi viết như một đứa trẻ 15 tuổi. Và nếu tôi có gấp đôi lượng độc giả, điều đó có nghĩa là tôi có thể giúp đỡ được gấp đôi số người. Tôi nên áp dụng Thang đo Khả năng đọc Flesch-Kincaid vào một số bài viết, tham khảo chéo với thông số của tôi, và rồi thống kê chúng cùng với thăm dò thị trường của tôi để tìm ra chính xác khả năng đọc và từ vựng hợp lý dựa trên nhân khẩu học của độc giả trang, hiệu suất của các bài viết trước, trình độ của nhiều độc giả khác nhau, và tất nhiên, phân tích định tính lịch sử bình luận.
Và font chữ. Nghiên cứu cho thấy Arial là font chữ dễ đọc nhất, nhưng tôi nghĩ font chữ loại Serif (font chữ có chân) biểu đạt khuynh hướng suy nghĩ quá những vấn đề đơn giản. Hơn nữa, người ta cũng nhận thấy độ phân giải màn hình cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc font chữ có dễ đọc hay không. Tôi cho là đa số độc giả của tôi đều là người trẻ tuổi và hiểu biết và không đọc bài này ở độ phân giải thấp, nhưng cẩn thận một chút vẫn hơn.
Khả năng đọc rất quan trọng. Tôi rất, rất, rất muốn độc giả hiểu rằng họ không nên suy nghĩ thái quá những vấn đề đơn giản, rằng họ nên đi thẳng vào vấn đề và hành động và học hỏi từ thất bại của mình. Tôi nghĩ (hy vọng) rằng xây dựng một bài viết suy nghĩ thái quá một bài viết đơn giản nói về việc suy nghĩ thái quá sẽ không khiến độc giả suy nghĩ thái quá một bài viết đơn giản.
Và còn những thủ thuật định dạng để tăng khả năng đọc như là tiêu đề bắt mắt, danh sách, và những đoạn văn ngắn thưa thớt cách nhau một dòng trống.
Có lẽ tôi nên viết một số danh sách đơn giản: “7 dấu hiệu bạn đang suy nghĩ thái quá trong cuộc sống”, hay “5 tình huống thường gặp nhất mà bạn nghĩ rằng khó khăn, nhưng thật ra không phải”, hay “10 lý do trí óc bạn đang làm rối tung cuộc sống của bạn”, hay “6 cách để suy nghĩ thái quá về bài viết này”.
Ôi nhiều thế. Có rất nhiều thứ phải để tâm. Tôi nên xây dựng thêm vài hình mẫu để tổ chức lại tất cả những thông tin quan trọng mà tôi đã khám phá về việc viết một bài blog nói về phân tích thái quá những bài blog. Tôi nên tổ chức lại thông tin một cách đơn giản và dễ hiểu. Đúng, điều đó rất quan trọng. Bằng cách này, tôi có thể viết bài blog rất nhanh một khi đã bắt tay vào viết.
Hình mẫu đó cần có ba phần chính: thẩm mỹ, nội dung lý thuyết và tổ chức thông tin. Tôi cũng sẽ làm quá trình 7 bước để tổ chức nội dung bài blog. Nội dung lý thuyết và sườn bài quan trọng hàng đầu, rồi đến tổ chức nội dung, và cuối cùng là thẩm mỹ. Có lẽ tôi có thể so sánh hình mẫu của mình với các hình mẫu blog khác và kết hợp sườn bài của họ để hiểu rõ hơn cách để giải thích tê liệt phân tích với độc giả. Đúng, trên thực tế, tôi cũng nên tìm đọc một số quyển sách và nghiên cứu về câu văn (prose), tính thuyết phục (persuasion) và trình bày (presentation). Ba P. Tôi thích nó. Tôi sẽ viết chúng lại và tập hợp tất cả nguồn vào từng chữ P ấy và rồi chuyển tất cả thông tin liên quan vào hình mẫu blog của tôi (trình bày trong bảng tính Excel cho dễ hiểu), và rồi từ đó, thiết lập lại quá trình 7 bước để viết blog.
Ôi tôi đã đạt được nhiều thứ quá rồi đấy, tôi không thể chờ đến lúc thực sự bắt tay vào làm.
Đàn ông rất thường xuyên phức tạp hóa những tình huống đơn giản. Họ làm vậy dựa trên sự hồi hộp, lo lắng và niềm kiêu hãnh. Họ cho rằng, vì việc ấy có vẻ khó khăn, nên nguyên do là vì họ thiếu kiến thức để thực hiện, chứ không phải chỉ là khó khăn về mặt tâm lý.
Phân tích tình huống phân tán tư tưởng của chúng ta khỏi sự thật phũ phàng: rằng cô ấy đơn giản là không thích bạn nên mới không gọi lại cho bạn; rằng không có gì đảm bảo việc kinh doanh của bạn sẽ hái ra tiền; rằng dù bạn có nói gì với một cô gái khi bạn gặp cô ấy, luôn có khả năng cô ấy sẽ từ chối bạn; rằng dù bạn có lên kế hoạch cho chuyến đi chơi tỉ mỉ đến đâu, sẽ có những lúc bạn cảm thấy không vui vẻ; rằng chia tay bạn gái sẽ rất đau đơn dù có bằng bất kỳ cách nào.
Tê liệt phân tích cho phép chúng ta lảng tránh một tình huống khó khăn trong cảm xúc nhưng lại có cảm giác là ta đang đạt được một điều gì đó bằng cách phân tích nó. Trí óc dẫn ta vào một ảo giác về sự tiến triển và công sức mà thực chất bạn không hề có bất kỳ tiến triển hay công sức nào.
Câu trả lời đúng đắn nhất cho đa số vấn đề thường là điều đơn giản nhất.
Cô ấy không nhắn tin cho bạn không phải là đang đấu trí với bạn, chỉ là cô ấy không thích bạn. Cách duy nhất để biết ý tưởng kinh doanh của bạn có sinh lời hay không là hãy thử làm đi. Bạn sẽ không thể biết được cô ấy có từ chối bạn hay không cho đến khi bạn nói với cô ấy. Bạn sẽ không thể biết được bạn có thích chuyến nghỉ mát của mình hay không cho đến khi bạn thực sự lên đường. Không có cách nào dễ dàng để đá người khác, vậy nên cứ đá đi.
Thôi suy nghĩ và hãy hành động đi.

Hồng Phương dịch
Tác giả: Mark Manson
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét