Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] KẺ THÙ KHÔNG Ở NGƯỜI NGOÀI , MÀ TIỀM ẨN BÊN TRONG TA

Trên mạng hay trong những cuộc nói chuyện ngoài đời, không ngày nào chúng ta không nghe thấy những câu như “Đúng là những con vật chứ không phải con người nữa rồi” hay “Đồ cầm thú, xử tử hết!” hay “Tại sao lại không công khai danh tính những con sâu này nhỉ”… Tước đi tính người là một trong những động tác chuẩn bị cần thiết để người ta có thể trở nên tàn nhẫn… Chúng ta đều mang trong mình mầm mống của cái ác, điều quan trọng là chúng ta có ý thức để những mầm mống ấy không nảy nở.
Chúng ta thường thích nghĩ rằng mình là người tốt bụng và nhân hậu. Nhưng để tàn nhẫn dễ hơn rất nhiều so với người ta tưởng. Nhà thơ Sam Keen chỉ cho chúng ta thấy ta có thể dễ dàng biến người khác thành kẻ thù như thế nào:
Bắt đầu với mảnh toan trắng
Hãy phác lên những hình hài đàn ông, đàn bà, trẻ con.
Làm nhoà đi những nét cá nhân đáng yêu của mỗi khuôn mặt.
Xoá đi dấu vết của vô số hy vọng, tình yêu, sợ hãi, được phóng qua kính vạn hoa của mỗi trái tim hữu hạn.
Chỉnh nụ cười cho tới khi nó trở thành hình cung đi xuống của sự độc địa.
Phóng đại từng đường nét cho tới khi con người hoá thành quái vật, sâu bọ, côn trùng.
Phủ kín nền tranh bởi những hình thù hung dữ từ những ác mộng cổ xưa – tà ma, ác quỷ, lâu la của cái ác.
Khi đã vẽ xong hình kẻ thù, bạn sẽ có thể giết mà không thấy tội lỗi,
tàn sát mà không hề xấu hổ.
(“Vẽ mặt kẻ thù”, Sam Keen)
Không gọi ra tên, nhưng trong bài thơ, Sam Keen đã mô tả quá trình phi nhân hoá (dehumanizing trong tiếng Anh). Khi phi nhân hoá người khác, chúng ta tước đi nhân tính của họ, không coi họ là người nữa, phủ nhận ở họ khả năng có những cảm xúc phức tạp của con người như hối hận, tự hào hay hoài niệm, biến họ thành những tranh biếm hoạ hai chiều, hoặc hèn hạ hoặc ác hiểm. Như một kỹ xảo phần mềm, chúng ta lấy hình ảnh một con người và biến nó thành quái vật, sâu bọ, côn trùng, tà ma, ác quỷ.
Tôi không rõ Sam Keen nổi tiếng cỡ nào, nhưng dường như rất nhiều người thuộc lòng bài thơ này của ông và áp dụng các chỉ dẫn một cách nhuần nhuyễn để vẽ hình kẻ thù của mình. Trên mạng hay trong những cuộc nói chuyện ngoài đời, không ngày nào mà chúng ta không nghe thấy những câu như “Đúng là những con vật chứ không phải con người nữa rồi” hay “Đồ cầm thú, xử tử hết!” hay “Tại sao lại không công khai danh tính những con sâu này nhỉ?” hay “Tư cách nó không bằng con chó”.
Tước đi tính người là một trong những động tác chuẩn bị cần thiết để người ta có thể trở nên tàn nhẫn. Nó là một mắt xích quan trọng trong bất cứ một quá trình bạo lực dẫn tới diệt chủng nào. Không phi nhân hoá, người ta không thể xuống tay giết những người khác chỉ vì họ khác về mầu da, sắc tộc, lý tưởng hay tôn giáo. Vào đầu thế kỷ XVI, thực dân Tây Ban Nha coi người da đỏ ở Châu Mỹ mà Colombus mới phát hiện ra là “thú vật biết nói” và “quái vật hình người”. Phát xít Đức gọi người Do thái là “sâu mọt”, “vi khuẩn”, “ký sinh”, hoặc với tất cả sự lạnh lùng của khoa học, là untermensch, “người hạ cấp”. Năm 1943, Hitler tuyên bố “Ngày nay, cũng giống như ở thời cổ, dân Do thái toàn cầu là những dòi bọ sinh ra khi con người và các quốc gia phân huỷ. Và nó sẽ mãi như vậy nếu như người ta không tìm thấy sức mạnh để thoát khỏi chúng”. Ở Rwanda năm 1994, đài phát thanh Libre des Mille Collines của người Hutu kêu gọi diệt “lũ gián”, tức là người Tutsi, mở đầu cho 100 ngày đẫm máu, trong đó người Hutu dùng giao rựa giết chừng 800.000 người Tutsi. (Sau này, một tòa án quốc tế xử một lãnh đạo của đài tù chung thân, và một lãnh đạo khác 35 năm tù).
Trong cuốn “Không hẳn là người – Vì sao chúng ta hạ thấp, nô dịch hoá và tiêu diệt người khác”, tác giả David Livingstone Smith đưa ra một loạt ví dụ khác. Trong Chiến tranh Thế giới hai, người Mỹ gọi người Nhật là chuột. Ở trại giam khét tiếng Abu Ghraib của Mỹ, năm 2004, Thiếu tướng Geoffrey Miller ra lệnh cho cấp dưới đối xử với các tù nhân Iraq như súc vật, và “nếu một lúc nào đó anh để chúng nghĩ rằng chúng hơn chó thì đó là lúc anh đã đánh mất sự kiểm soát”. Năm 2006, phát thanh viên Neal Boortz của Mỹ bình luận đạo Hồi là “một virus chết người đang lan tràn qua Châu Âu và phương Tây,” và “chúng ta đã đợi quá lâu để tìm ra một vaccine chống lại nó”. Ở Palestine, trẻ con được hát ru “Palestine là đất nước ta, Do Thái là chó của ta”. Ở phía bên kia, một giáo sĩ Do Thái tuyên bố “Không có súc vật nào tệ hơn lũ Ả Rập”.
Không chỉ trong chiến tranh và quá khứ, hàng ngày, hàng giờ, phi nhân hoá xảy ra trong các tình huống đời thường khác nhau. Năm 2015, nhà báo Katie Hopkins của tờ lá cải Anh The Sun trở nên “nổi tiếng” khi cũng dùng chữ “lũ gián” để chỉ những người Trung Cận Đông đang tới Châu Âu xin tị nạn. Vào giữa tháng 2.2016, một đám đông người Đức chặn đường một chiếc xe buýt chở người tị nạn vào nơi ở mới, gào thét: “Để xem những loại dòi bọ nào xuống xe nào!”, “Lũ rác rưởi biến đi!” và “Bọn tị nạn hạ đẳng!”
*
Nhà tâm lý học Albert Bandura của Đại học Standford, Mỹ, là người đầu tiên thiết lập mối liên kết giữa phi nhân hoá và hiện tượng mà ông gọi là “không ràng buộc về đạo đức” (moral disengagement). Trong một thí nghiệm của ông, hai nhóm sinh viên cùng được giao nhiệm vụ quản lý một số người làm một công việc nhất định, và giật điện họ nếu họ mắc lỗi. Trước khi bắt đầu, cả hai tốp sinh viên đều “tình cờ” nghe được những người tổ chức thí nghiệm nói chuyện với nhau về những người lao động kia, một nhóm thì được khen ngợi, nhóm kia thì bị miệt thị. Kết quả là nhóm sinh viên phụ trách những người bị phi nhân hoá trước đó đưa ra những cú điện giật ở mức cao hơn rất nhiều so với nhóm kia, mặc dù những “lỗi lầm” là tương tự nhau.
Điều gì đã xảy ra? Nhóm sinh viên đầu đã thả lỏng quan niệm về đạo đức của mình. Một cách vô thức, họ cho rằng không cần phải đối xử “bình thường” với những kẻ đã bị tước đi tính người. Những kẻ bị tước đi tính người trở thành những sinh vật để người ta quản lý và sử dụng (ví dụ các nô lệ), hay để hành hạ và tiêu diệt (ví dụ các kẻ thù), mà ta không cần phải băn khoăn gì về mặt đạo đức hết. Binh lính Phát xít Đức có thể tàn sát phụ nữ và trẻ em Do Thái tuỳ thích, nhưng họ sẽ bị kỷ luật nặng nếu không nộp lên trên tư trang hay tiền bạc họ lấy được từ nạn nhân, bởi đó là một hành vi vô đạo đức.
Con người vốn có khả năng hợp tác với nhau, và với khả năng tuyệt vời này họ có thể xây dựng được những xã hội phức tạp và những công trình vĩ đại. Nhưng khi chúng ta không coi những nhóm người nhất định là đồng bào nữa, trí tưởng tượng của chúng ta sẽ nhanh chóng biến họ thành con vật, và giải phóng trong ta những mong muốn phá huỷ kẻ khác mà bình thường chúng ta vẫn kiểm soát được. Phi nhân hoá vô hiệu hoá khả năng kiểm soát này, nó mở cửa lồng cho xu hướng bạo lực trong chúng ta. Nhưng vì sao lại vậy?
Gọi người khác là “con vật” không phải chỉ là một động tác làm nhục đơn thuần. Không chỉ là lời nói, nó phản ánh cách chúng ta nghĩ về người khác. Nó cắt đứt quan hệ người – người giữa kẻ gọi và kẻ bị gọi, và biện hộ cho bạo lực. Đạp một con người thì sai trái, nhưng đạp một con chuột mang vi trùng dịch hạch thì thật đáng được khen ngợi. Càng ít cảm thấy người khác là đồng bào của mình, chúng ta càng ít thấy có lỗi khi làm họ đau. Ruồng bỏ một người, và ta có thể dễ dàng tàn nhẫn với họ hơn. Không tước đi tính người của nạn nhân, ta sẽ vướng vào dằn vặt nội tâm và xung đột lương tâm. Đó là tình huống của nhiều người phải thi hành án tử hình. Vẫn nhìn tử tù như một con người, họ thi hành án với cảm giác mặc cảm, miễn cưỡng. Đó cũng là lý do trong chiến tranh người ta thấy bắn đối phương ở cự ly xa dễ dàng hơn là khi quân địch ở ngay trước mắt, hiện ra là người bằng xương bằng thịt.
Trong khi một đứa trẻ có thể nhìn thấy ở các con vật, thậm chí ở đồ vật, cái tâm hồn của người, và trò chuyện, kết bạn và thương yêu chúng, thì phi nhân hoá là quá trình ngược lại. Không phải là người nữa, những kẻ bị phi nhân hoá không xứng đáng để nhận được sự thấu cảm nữa. Lúc đó, người ta có thể hành hạ họ một cách vô tư. Hoặc ít nhất, người ta có thể hoàn toàn thờ ơ với nỗi đau của họ.
Trong cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” của Mark Twain, viết năm 1884 về cuộc sống dọc sông Mississippi ở miền Nam nước Mỹ, với nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc trong xã hội, có đoạn cậu bé Huck bịa chuyện ra là chiếc tàu thuỷ hơi nước bị nổ, để giải thích cho bà cô vì sao mình lại tới muộn.
“Bọn cháu bị nổ một cái đầu xi-lanh ạ.”
“Trời ơi, có ai bị làm sao không?
“Không cô ạ. Một thằng da đen bị chết.”
“May đấy cháu; vì thỉnh thoảng có người bị thương đó.”
Phát xít Đức làm rất nhiều thí nghiệm “khoa học” trên các tù nhân Do Thái. Họ bị bắt uống nước biển, hít hơi độc, bị cấy vi trùng để gây nhiễm trùng, hay gây bỏng bởi phốt pho. Trong một bức ảnh nổi tiếng chụp trong trại tập trung Dachau, người ta thấy hai bác sĩ quân đội ngồi xung quanh một bồn tắm, vẻ mặt tập trung, bên cạnh có người cầm giấy bút ghi chép. Họ đang làm một thí nghiệm.
Bồn tắm được đổ đầy nước đá, một tù nhân mặc bộ quân phục đặc biệt mùa đông, nằm trong bồn để thử hiệu quả của nó. Các tài liệu ghi lại tỉ mỉ số liệu của các thí nghiệm này vẫn còn được giữ lại: “Nhiệt độ nước: 5.2 độ C | Nhiệt độ cơ thể khi đem ra khỏi nước: 27.7 độ C | Thời gian ở trong nước: 66’ | Thời gian tới khi chết: 66’
Nhiệt độ nước: 6.0 độ C | Nhiệt độ cơ thể khi đem ra khỏi nước: 29.2 độ C | Thời gian ở trong nước: 80’ | Thời gian tới khi chết: 87’
Phi nhân hoá luôn là vũ khí lợi hại của các bộ máy tuyên truyền trong các xung đột. Chiến tranh không được mô tả như là một quá trình chúng ta giết đồng loại, mà là chúng ta cắt đứt ung nhọt, đau đớn nhưng cần thiết để cơ thể ta khoẻ mạnh. Vì sao những người Campuchia vốn hiền lành như vậy lại có thể giết gần 1/4 đồng bào của mình chỉ trong vòng vài năm, nhà nhân học Alexander Hinton tự hỏi. Trong cuốn “Vì sao họ giết người: Campuchia trong bóng tối của diệt chủng”, ông cho rằng những thủ phạm đã vượt được qua stress về tinh thần và xung đột nội tâm, và trở thành những sát thủ máu lạnh thông qua 5 quá trình: Phi nhân hoá các nạn nhân; dùng uyển ngữ cho bạo lực và giết chóc; thay đổi quan điểm đạo đức (moral restructuring); thích nghi với tàn sát thông qua huấn luyện và sự lặp đi lặp lại, và cuối cùng là khước từ trách nhiệm cá nhân cho các hành vi của mình.
Trong nhiều trường hợp, người bị phi nhân hoá còn được coi là ở dưới động vật. Hitler bắt đầu ăn chay trường từ năm 1938, ba năm trước khi Phát xít Đức thu gom và giết người Do Thái một cách có hệ thống, và tỏ ra rất đau khổ mỗi khi nhìn thấy ảnh động vật bị hành hạ. Trong bộ phim tài liệu “Sát nhân trình diễn” (“The act of killing”) làm năm 2012 của đạo diễn Joshua Oppenheimer về đợt thanh trừng đảng viên Đảng Cộng sản ở Indonesia vào năm 1965 khiến gần 1 triệu người thiệt mạng, nhân vật chính – kẻ đã từng tự tay dùng dây thép xiết cổ các nạn nhân của mình, chơi hàng giờ cùng hai đứa cháu trai và mấy con vịt con ở trang trại của mình. “Cháu xin lỗi vịt đi,” ông ta nói rất nhẹ nhàng, ‘cháu nói đi, “Vịt ơi, tớ xin lỗi, tớ vô ý ném dép làm gẫy chân cậu’”.
image
Cảnh phim tài liệu “Sát nhân trình diễn” (“The act of killing”) năm 2012 của đạo diễn Joshua Oppenheimer.
Cuối cùng, trớ trêu thay, khả năng coi đồng loại như súc vật là một khả năng mà chỉ con người có. Để phi nhân hoá người khác, người ta trước hết phải có một khái niệm cơ bản, có thể ngầm hiểu nhưng không được trình bày ra, về thế nào là làm người, và sau đó xếp những người kia ra bên ngoài khái niệm đó. Loài vật không làm được việc đó; chó có thể cắn xé nhau, tranh nhau thức ăn hay lãnh địa, nhưng chúng sẽ không coi những con chó khác “không phải là chó nữa”.
*
Ngày 4.4.1968, ngày Martin Luther King bị ám sát bởi một kẻ phân biệt chủng tộc, Jane Elliot – một giáo viên lớp 3 ở Mỹ, nảy ra ý tưởng cho các học sinh của mình, tất cả đều là da trắng và xuất thân trung lưu, làm một thí nghiệm để chúng có thể thực sự hiểu về vấn đề này. Hôm sau, cô nói với lớp là khoa học đã chứng minh được là những người mắt xanh thông minh hơn và ưu tú hơn những người mắt nâu, và ra một vài các quy định ưu ái nhóm mắt xanh: Được ra chơi lâu hơn 5 phút, được lấy nhiều thức ăn hơn trong bữa trưa… Sau một phút ngơ ngác và phản đối yếu ớt, lớp bắt đầu chia thành hai “tầng lớp”. Nhóm mắt xanh bắt đầu hành xử kiêu ngạo, hống hách, chúng đề xuất lên cô giáo những biện pháp để kiểm soát nhóm kia, và chữ “đồ mắt nâu” trở thành một câu chửi. Sau này, Raymond – một cậu bé mắt xanh kể lại: “Trời, cháu có cảm giác – cứ như là vua ấy, như là cháu cai trị tụi mắt nâu ấy, như là cháu tốt hơn bọn chúng, sướng lắm”. Nhóm mắt nâu trở nên rụt rè, lí nhí, co cụm lại với nhau, điểm học của chúng bắt đầu sa sút.
Sang tuần sau, Elliot nói trước lớp là đã có một sự nhầm lẫn, thực ra, theo khoa học, những người mắt nâu mới là những người ưu tú hơn. Cả lớp ồ lên, và tình hình nhanh chóng đảo ngược hoàn toàn, bây giờ đến lượt những học trò mắt nâu chế giễu nhóm mắt xanh.
Thí nghiệm “mắt xanh, mắt nâu” của Jane Elliot đi vào lịch sử như một chứng minh rằng chúng ta thật là dễ dàng để phân biệt và kỳ thị, thật sẵn sàng phân chia thế giới ra thành “chúng ta” và “chúng nó”. Bên “ta” là những người giống ta, cùng quan điểm với ta, những người đạo đức, văn minh, thông thái, hiểu biết, dũng cảm, có lương tâm. “Chúng nó” là những kẻ khác ta, cãi lại ta, và do đó hoàn toàn ngược lại. “Chúng nó” có thể là những người có tôn giáo, sắc tộc, mầu da hay quan điểm chính trị khác. “Chúng nó” cũng có thể là “đám đạo văn”, “tụi ăn cắp ăn trộm”, “dân nhập cư”, “lũ nghiện”, “tụi quê ở tỉnh X”, “bọn đồng tính” hay “lũ cướp chồng” cùng với tất cả những người bênh chúng. Khi điều tệ xảy ra với chúng ta, đó là bất công, khi điều tệ xảy ra với chúng nó, chúng xứng đáng bị vậy. Khi điều hay xảy ra với chúng ta, đó là vì công sức của ta, khi điều tốt xảy ra với chúng, đó cũng lại là bất công.
Việc chia ra hai “phe”, ta và chúng nó, còn được gọi là quá trình tha nhân hoá, hay othering trong tiếng Anh. Tha nhân hoá là động tác xếp một người nào đó, một nhóm nào đó, thành “không thuộc về chúng ta”. Tha nhân hoá củng cố bản sắc và sự ưu việt của chúng ta, và cho chúng ta quyền, thậm chí trách nhiệm tước đi tính người của “chúng nó”. Sau thí nghiệm với tụi trẻ, cô giáo Jane Elliot kể lại: “Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ hoàn hảo, hợp tác, tuyệt vời, trở thành những học trò lớp 3 quỷ quái, xấu xí, kỳ thị, tất cả chỉ sau có 15 phút”. Chúng ta có thể hình dung những đứa trẻ mắt mầu này có thể dễ dàng tiến tới cho rằng tụi mắt mầu kia là súc vật như thế nào, nếu chúng được dẫn dắt đủ lâu bởi một “lãnh tụ” hay “truyền thông” thích hợp.
Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ những ví dụ trên? Phát xít Đức, đội ngũ Khme Đỏ, những người Hutu vung dao rựa ở Rwanda năm 1994, họ không phải là quái vật. Họ cũng là người. Nếu chúng ta coi họ là quái vật, ta sẽ phi nhân hoá họ giống như họ đã tước đi tính người ở các nạn nhân của họ, ta sẽ đối xử với họ giống như họ đã đối xử với các nạn nhân của họ. Nhà tâm lý học Francoise Sironi – người đã nghiên cứu tâm lý của vô số kẻ tra tấn, nói “Không ai sinh ra đã là một kẻ tra tấn”. Họ trở thành kẻ tra tấn qua một quá trình kích hoạt cái độc ác bên trong. Và tất cả chúng ta, trong phạm vi của mình, đều có tiềm năng đi qua quá trình đó. Chia phe “ta” và “chúng nó”, và coi chúng nó hạ đẳng hơn, là những cám dỗ ngọt ngào. Chúng ta đều mang trong mình mầm mống của cái ác, giống những đứa trẻ 8 tuổi mắt xanh và mắt nâu của cô giáo Elliot. Điều quan trọng là chúng ta có ý thức để những mầm mống ấy không nảy nở. Kẻ thù của ta không ở người ngoài, nó tiềm ẩn ở bên trong ta. Ý thơ này của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được nhạc sĩ Phạm Duy triển khai trong “Tâm ca 7”, sáng tác năm 1965, vào một giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, và không có gì thích hợp hơn là kết thúc bài viết này bằng một trích đoạn của bài hát này:
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai
Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!
(Trích “Tam ca 7”, Phạm Duy)
Tác giả: Đặng Hoàng Giang
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét