Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] RỬA TAY GIÚP GIẢM BỚT MẶC CẢM TỘI ÁC

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tội lỗi thúc đẩy con người tắm gội để làm sạch mình, một hiện tượng được gọi là “hiệu ứng Macbeth”, theo tên nữ sát thủ Lady Macbeth trong vở kịch của Shakespeare, người luôn cố gắng rửa tay để làm sạch những vệt máu tưởng tượng.
Những nghi lễ tắm gội để làm sạch linh hồn là một phần cốt yếu của các tôn giáo trên thế giới. Giờ đây các nhà khoa học phát hiện thấy những nghi lễ ấy dường như có cơ sở tâm lý.
Ngạc nhiên hơn, họ cũng nhận ra việc tắm rửa sạch sẽ giúp con người xoá được mặc cảm tội lỗi của mình.
“Tắm và rửa tay là việc hằng ngày, nhưng giờ đây chúng tôi tìm thấy những thói quen cơ bản đó thực sự có ảnh hưởng tâm lý”, nhà nghiên cứu hành vi Katie Liljenquist tại Đại học Northwestern ở Chicago. Mỹ, nói.
Liljenquist và cộng sự trước tiên hỏi các sinh viên tình nguyện nhớ lại những hành động nhân ái hoặc vô đạo đức của họ trong quá khứ. Người tình nguyện có xu hướng dịch mảnh ghép từ “W–H” thành “wash” (tức là rửa) và “S–P” thành “soap” (tức là xà phòng) nếu họ đang nghĩ về một hành vi không tốt, và chọn cái khăn tay vô trùng thay cho chiếc bút chì làm quà tặng.
Các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu những tình nguyện viên sao chép bằng tay một câu truyện ngắn được người khác viết về việc giúp đỡ hay phá hoại một đồng nghiệp.
Họ nhận thấy các sinh viên copy câu chuyện vô đạo đức có xu hướng chọn những sản phẩm làm sạch (như kem đánh răng hay bột giặt) là đáng giá hơn những sản phẩm không có tính làm sạch (như pin và quầy bán kẹo) trong một bài tập khác mà họ ngỡ là một nghiên cứu thị trường không có liên quan.
Trong phần cuối của thí nghiệm, nhóm nghiên cứu yêu cầu các sinh viên trước hết nhớ lại một hành vi vô đạo đức và sau đó được lựa chọn một trong hai khả năng: hoặc rửa tay hoặc không. Khi các sinh viên này được hỏi liệu họ có tình nguyện tham gia một nghiên cứu khác mà không đòi thù lao, nhằm giúp một cựu sinh viên đang tuyệt vọng, 74% những người không rửa tay chấp thuận giúp đỡ, trong khi chỉ có 41% những người đã có cơ hội rửa tay làm việc đó.
Điều này chứng tỏ những tình nguyện viên chưa có cơ hội rửa tay cảm thấy có nhu cầu “gột rửa lương tâm”.
Liljenquist cho rằng các nghiên cứu tiếp theo sẽ cho chúng ta biết liệu việc sống trong một môi trường rất sạch có thúc đẩy những hành vi đạo đức hơn hay lại tạo động lực cho những hành vi vô nhân đạo.
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét