Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

[TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM] LỢI ÍCH BÍ ẨN CỦA MỘT SUY NGHĨ TÒ MÒ

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thích và tò mò về một điều gì đó, chúng ta dễ dàng học nó hơn. Nhưng nghiên cứu đột phá được công bố trên tạp chí khoa học Neuron đã cung cấp bằng chứng đáng kinh ngạc chỉ ra rằng trí tò mò còn tăng cường khả năng học tập và ghi nhớ với những thứ chúng ta thậm chí không hứng thú đến.
Albert Einstein từng nói: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ tò mò một cách đầy đam mê. “
Trong khi Einstein có lẽ thật sự khiêm tốn chứ không chỉ tò mò, thật thú vị khi để ý rằng ông đánh giá cao sự tò mò như một nhân tố đóng góp cho trí thông minh và thành công của mình.
Trong một nghiên cứu gần đây thuộc lĩnh vực khoa học thần kinh nhận thức của Đại học California, Davis, cung cấp cái nhìn thấu suốt đầy ngạc nhiên về mối quan hệ thú vị giữa óc tò mò, học tập và trí nhớ.
Trong quá trình nghiên cứu, những người tham gia được giao một danh sách các câu đố. Các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ tò mò muốn biết câu trả lời cho mỗi câu hỏi. Họ được cho xem trình chiếu các câu hỏi này, Sau mỗi câu hỏi người ta hoãn 14s rồi mới đưa ra câu trả lời. Trong khoảng thời gian đó, các nhà nghiên cứu chiếu lên bức tranh một khuôn mặt hết sức bình thường, không liên quan.
Ngay khi phần câu đố hoàn thành, những người tham gia được nhận một bài kiểm tra nhận thức trí nhớ đáng ngạc nhiên dựa vào những khuôn mặt mà họ đã thấy trong quá trình chiếu câu đố. Thêm vào đó, trong khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã quét hoạt động trí óc của những người tham gia bằng FMRI ( Ảnh cộng hưởng từ chức năng – Functional Magnetic Resonance Imaging)
Tò mò không giết chết chú mèo. Nó cải thiện trí nhớ của cậu ta.
Nghiên cứu tiết lộ một số kết quả thú vị về những gì xảy ra với bộ não khi nó được khơi dậy sự tò mò.
Chúng ta đã biết khi chúng ta tò mò về một vấn đề, chúng ta dễ dàng học nó hơn. Và, như dự kiến, nghiên cứu chứng minh rằng khi những người tham gia cực kỳ tò mò muốn tìm câu trả lời cho các câu đố tri thức, họ tiếp thu tốt hơn các thông tin đó . Nhưng cái các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm là cách những người tham gia thể hiện trong bài kiểm tra nhận diện khuôn mặt khi họ đang tò mò cao độ.
Hơi thú vị một chút là các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi sự tò mò của những người tham gia được kích thích bởi mong muốn biết một câu đố nào đó, họ tiếp thu tốt hơn các thông tin kể cả không liên quan, đó là nhận dạng khuôn mặt, mặc dù họ không tò mò về thông tin đó. Cả trong bài kiểm tra trí nhớ tức thời hay có hoãn lại 1 ngày, những người tham gia đều đã thể hiện một trí nhớ được cải thiện đối với những thứ không liên quan mà họ đã thấy khi ở trong trạng thái tò mò cao độ.
“Trí tò mò có thể đặt bộ não vào trạng thái cho phép nó học và lưu giữ bất cứ loại thông tin nào, như một cơn lốc cuốn vào những thứ bạn muốn học và cả những thứ xung quanh nó.” Tiến sĩ Matthias Gruber, tác giả chính của cuộc nghiên cứu phát biểu.
Động cơ nội tại (Intrinsic motivation) ảnh hưởng như thế nào đến việc học
Vậy nó hoạt động như thế nào? Các dữ liệu FMRI cho thấy cơ chế bên dưới được kích hoạt khi sự tò mò được khơi dậy. Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn thông suốt về mối liên hệ giữa sự tò mò và cách động cơ nội tại ảnh hưởng đến bộ nhớ.
Tò mò là một hình thức của động cơ nội tại. Khi bạn tò mò muốn tìm hiểu một chủ đề , bạn có động lực để học nó vì chính lợi ích của bản thân. Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta biết ít về cơ chế vận hành đằng sau cách động cơ nội tại ảnh hưởng lên việc học. Đây là một trong những lý do tại sao nghiên cứu gần đây là rất quan trọng. Nó cho chúng ta cái nhìn thông suốt về những gì xảy ra trong não khi chúng ta trở nên tò mò.
Những nhà điều tra phát hiện ra rằng khi trí tò mò được khơi dậy, có một hoạt động được tăng cao ở phần trung tâm tưởng thưởng ( reward center) của bộ não.Thật thú vị khi để ý rằng động cơ bên ngoài (extrinsic motivation) thường được nghĩ là tác động đến các mạch tưởng thưởng của não. Động cơ bên ngoài liên quan đến hành vi bởi vì động cơ của bạn là một phần thưởng bên ngoài. Nhưng nghiên cứu tiết lộ một mối liên hệ não bộ thú vị giữa động cơ nội tại và động cơ bên ngoài.
“Động cơ nội tại thực ra tác động lên chính những vùng não liên quan chặt chẽ đến các động cơ bên ngoài, hữu hình.” Tiến sĩ Gruber giải thích.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm ra mối liên hệ thú vị giữa trí tò mò và các hoạt động trong hồi hải mã (hippocampus). Hồi hải mã không phải là một bộ phận trong não trông giống như con hà mã. Thực ra nó là một bộ phận trong não giống như con cá ngựa, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “hippos” nghĩa là “ngựa” và “kampos” nghĩa là “quái vật biển”. Hải mã là một bộ phận của não rất quan trọng trong việc hình thành những kí ức mới.
Những nhà khoa học phát hiện ra rằng có sự gia tăng hoạt động trong hải mã trong quá trình óc tò mò thúc đẩy sức học tập. Họ cũng tìm ra rằng khi con người học tập một cách ham mê và tò mò, có một sự gia tăng những tương tác giữa hải mã và mạch tưởng thưởng (reward circuit).
“Trí tò mò thu nạp hệ thống tưởng thưởng (reward system)”, tiến sĩ Dr. Charan Ranganath, giáo sư điều hành chính của nghiên cứu giải thích.” Và sự tương tác giữa hồi hải mã và hệ thống tưởng thưởng dường như đưa bộ não vào trạng thái mà bạn có thể học và lưu giữ thông tin, ngay cả khi những thông tin đó không đặc biệt thú vị hay quan trọng “
Những phát hiện này chứng minh sức mạnh của trí tò mò đối với việc tiếp thu những thông tin bạn không thấy thú vị.
Điều này đặc biệt quan trọng trong việc học cách làm thế nào để giúp các cá nhân lưu giữ những thông tin nhàm chán trong lớp học hoặc nơi làm việc. Để thúc đẩy học tập, thường chúng ta cố gắng để tạo ra những tài liệu thú vị. Đây là một chiến lược tốt nếu có thể tạo ra những tài liệu thực sự hấp dẫn chúng ta. Ghi nhớ các khuôn mặt bình thường thật sự là phần nhàm chán.
Nhưng đó không phải là cách duy nhất- đây là ý nghĩa quan trọng rút ra được của cuộc nghiên cứu. Các kết quả chỉ ra một chiến lược khác nằm trong phạm vi điều khiển của bạn là gắn những nội dung thiếu thú vị với nội dung thú vị để lợi dụng ảnh hưởng của sự tò mò. Chiến lược này tập trung ít hơn vào việc tạo ra những tài liệu thú vị và nhiều hơn vào việc tạo ra một môi trường khơi dậy sự tò mò trong đó tài liệu có thể được thêm vào.
Bằng cách này, bí quyết để làm công việc nhàm chán trở nên đáng nhớ là thúc đẩy óc tò mò ở các sinh viên và người lao động về một vấn đề mà họ đã có sẵn động lực để học hỏi.
Liên Nga dịch
#TAMLYHOCTOIPHAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét