Tuần trước, tôi đăng nhập vào Facebook và đọc được câu chuyện về một người đàn ông say rượu, cắt bỏ dương vật của bạn anh ta rồi đem cho chó ăn. Tiếp theo đó là chuyện về một bà lão 100 tuổi trước giờ chưa từng nhìn thấy biển. Rồi tám cách để biết chắc rằng bạn sinh vào những năm 90. Rồi 11 cách trở thành “người mua hàng Black Friday thông minh hơn”, tôi chẳng bao giờ muốn xem mấy thứ phi lý ấy.
Đó là hiện thực cuộc sống: một luồng dài vô tận những điều phi lý và rác rưởi đi vào theo đường mắt và đi ra khỏi não của chúng ta với tốc độ của một lần chạm màn hình.
Tháng trước, Kim Kardashian “làm bùng nổ internet”. Và “bùng nổ internet” ở đây có nghĩa là cô ấy photoshop một bức ảnh mông trần của mình và ghép vào một bìa tạp chí.
Nhưng, tất nhiên, vì đó là mông trần, và vì cặp mông đó tình cờ là của Kim Kardashian, bức ảnh đã chia sẻ cả tỉ lần, người lớn thì đảo mắt cười hô hố cho rằng đây là một sự điên rồ, còn các thanh thiếu niên thì tủm tỉm cười và thủ dâm.
Giới truyền thông đã buộc phải lên tiếng phàn nàn về độ dâm đãng và thiếu nhã nhặn của bức ảnh. Sau đó người ta lại lên án chính giới truyền thông đã cho cô gái này – một cô gái không hề có bất cứ thành tựu nào ngoài việc giàu từ trong trứng và quan hệ tình dục với các rapper – quá nhiều sự quan tâm. Rồi người ta nhận thấy việc chỉ trích giới truyền thông đã thổi phồng danh tiếng Kardashian trớ trêu thay lại khiến Kardashian nhận được càng nhiều sự chú ý và càng được công chúng biết đến nhiều hơn. Những con người trên internet bị mắng nhiếc là những kẻ đồng trinh mọc râu ở cổ (neckbeard – một từ lóng chỉ những người nghiện internet) và mẹ của họ thì bị đe dọa bạo lực tình dục. Những kẻ mọc râu ở cổ lại đáp trả bằng cách tạo những hình meme (hình ảnh có tính xuyên tạc chủ thể được chia sẻ trên internet) cặp mông trần của Kardashian gắn vào một chiếc máy espresso. Mọi người LOLZ (Laughing Out Loud, Z ám chỉ số nhiều, tức là cười to thành tiếng) rồi lại tiếp tục cuộc sống của mình.
Đó là lý do cô ấy vẫn đang nổi tiếng.
Kardashian đã dần đại diện cho gần như mọi thứ chúng ta ghê tởm về thời đại của mạng xã hội: những nội dung nhỏ nhặt, vô nghĩa mà ta ghét phải xem, nhưng vì một lý do nào đó mà ta lại không thể bỏ qua. Và vì không ai có thể điều khiển bản thân bỏ qua nó, mẩu tin nhỏ nhặt vô nghĩa ấy được truyền bá rộng rãi, tạo nên một trải nghiệm trực tuyến về một chuỗi vô tận những vụ xe đụng mà chúng ta đều trố mắt, tò mò, bàn luận và/hoặc chế giễu khoảng 12 phút cho đến khi bị cuốn vào một vụ va chạm khác tiếp theo.
Nhìn chung có ba kiểu phàn nàn mạng xã hội và internet thường gặp: 1) nó đang khiến chúng ta trở nên ái kỷ và nông cạn, 2) nó đang khiến ta mất dần khả năng gìn giữ các mối quan hệ có ý nghĩa và vì thế khiến ta trở nên cô đơn hơn, và 3) nó đang can thiệp vào khả năng tập trung và nhận biết “thứ quan trọng hơn” cần làm trong cuộc sống.
Điều thú vị là, sau một vài thực nghiệm, kết quả là không có ý kiến nào là hoàn toàn chính xác. Mạng xã hội không hẳn khiến con người ta trở nên ái kỷ hơn, nó chỉ tạo nhiều cơ hội hơn cho những người ái kỷ thỏa mãn tính ái kỷ của mình, và với một lượng khán giả lớn hơn. Nó không liên hệ gì đến các mối quan hệ của chúng ta với người khác hay ta thân thiết với bao nhiêu người, nó chỉ đơn giản là mở rộng mạng lưới bạn bè và số lượng tương tác xã hội của chúng ta. Và tuy công nghệ tạo cơ hội cho những sự sao nhãng (ta sẽ bàn về vấn đề này sau), nó vẫn khiến cho việc truyền tải thông tin dễ dàng hơn, là công cụ hợp tác và là cơ hội cho các tổ chức.
Điều tôi đang nói ở đây là ý kiến “internet đang hủy hoại chúng ta” hoàn toàn sáo rỗng. Có vẻ như công nghệ mới luôn mang đến những mối lo cho nhân loại. Khi TV và radio được sáng chế, người ta than phiền rằng não bộ con người sẽ trở nên lười nhác. Khi công nghệ in ấn được phát minh, người ta nghĩ nó sẽ mai một khả năng nói chuyện trôi chảy. Những lời phàn nàn những đứa trẻ bị công nghệ làm cho suy đồi cũng đã xưa như chính công nghệ vậy.
Công nghệ hiện đại không thay đổi chúng ta. Nó đang thay đổi xã hội. Có sự khác biệt đấy. Một bên là bản thân chúng ta như thế nào, và một bên chỉ đơn giản là chúng ta phản ứng lại với thế giới xung quanh ta mỗi ngày như thế nào. Thời đại mạng xã hội đang thay đổi nền kinh tế cơ bản của cuộc sống hàng ngày. Nó thay đổi một cách sâu sắc, mà đa số chúng ta không nhận ra. Và ngạc nhiên là, những người như Kim Kardashian đang hưởng lợi từ điều đó.
NỀN KINH TẾ DỰA TRÊN SỰ CHÚ Ý
Nếu bạn đã từng dành thời gian ở một đất nước cực kỳ nghèo khổ hay với những người lớn lên trong sự cảnh bần cùng, bạn sẽ nhận ra họ nói về thức ăn nhiều như thế nào – món ăn yêu thích của họ, họ sẽ ăn gì vào cuối tuần, tại sao họ thích món này và ghét món kia, và những điều tương tự.
Cuộc sống và các cuộc trò chuyện của họ luôn xoay quay thức ăn vì một lý do đơn giản là việc thiếu thức ăn khiến nó trở nên cực kỳ quan trọng. Việc bạn thích dâu hơn hay cam hơn có ý nghĩa rất lớn khi bạn hiếm khi đủ tiền mua một trong hai. Nhưng ở những đất nước Quốc tế Thứ nhất (các nước tư bản chịu ảnh hưởng của Mỹ, nói cách khác là các nước giàu, phát triển) nơi thức ăn không bao giờ là một vấn đề, những cuộc thảo luận về thức ăn đa phần rất hời hợt và chỉ vỏn vẹn vài giây.
Trong phần lớn lịch sử loài người, sự khan hiếm kinh tế trên thế giới là đất. Trước đây diện tích đất màu mỡ rất hạn chế, vì vậy nên lượng thức ăn cũng hạn chế. Và vì quá ít thức ăn, phần lớn những mối lo kinh tế và tranh cãi chính trị hàng ngày đều xoay quanh vấn đề đất đai. Đa số mọi người dành cả cuộc đời để dự liệu họ sẽ canh tác trên mảnh đất nào, trồng loại cây gì, thu hoạch ra sao, và những điều tương tự. Thức ăn luôn là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Sau này, khi cách mạng công nghiệp nổ ra, mối khan hiếm lớn nhất không còn là đất, khi máy móc giờ đã có thể giúp trồng trọt dư dả thức ăn cho tất cả mọi người. Lúc này sự thiếu hụt lớn là lao động. Bạn cần những người đã qua đào tạo để vận hành các loại máy móc có thể làm được bất kỳ điều gì để bạn có thể kiếm tiền và trở nên giàu có. Vì vậy, suốt vài trăm năm, nguyên tắc tổ chức xã hội luôn dựa vào lao động – bạn làm việc cho ai, bạn kiếm được bao nhiêu tiền, và những điều tương tự.
Và rồi, vào thế kỷ 20, khi của cải được làm ra nhiều hơn mức mà một người cần hoặc có khả năng mua. Xã hội đã không còn thiếu đất đai hay lao động, mà lại thiếu kiến thức. Con người có quá nhiều sự lựa chọn để mua với số tiền kiếm được, nhưng họ không biết phải mua cái gì. Vì vậy, người ta dành phần lớn thời gian trong ngày để tìm xem kem đánh răng nào là tốt nhất, máy nướng bánh mì có thể làm được gì, phải dùng tiền thưởng thế nào trong ngày nghỉ, và những điều tương tự. Lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị được phát minh và dần thống lĩnh xã hội, vì đó là công cụ gieo rắc thông tin mà con người cần để đầu tư nguồn vốn của mình một cách hợp lý.
Vẫn theo kịp tôi chứ? Bời vì đây là lúc internet và điện thoại thông minh làm mọi thứ rối tung – hoặc, a hèm, lúc chúng “phá vỡ” mọi thứ.
Cùng với sự ra đời của internet, thứ khan hiếm nhất trong xã hội không còn là thông tin. Trên thực tế, hiện tại chúng ta có quá nhiều thông tin đến nỗi không biết phải làm gì với chúng. Nếu bạn muốn biết về một sản phẩm mới, bạn có thể có bài viết Wikipedia và 500 nhận xét trên Amazon chỉ trong vòng 10 giây. Nếu bạn muốn ôn lại thế nào là quá trình quang hợp, bạn có thể tìm ra ngay trong vòng vài phút. Nếu bạn cần biết tất cả các diễn viên mà Kevin Spacey đã từng hợp tác, bạn cũng chỉ mất vài giây.
Thế giới không còn thiếu kiến thức. Có quá nhiều kiến thức, cũng như có quá nhiều lao động và quá nhiều đất đai.
Không, cái mà xã hội thiếu trong kỷ nguyên internet chính là sự chú ý. Vì có quá dư thông tin, lượng thông tin tràn vào xã hội đã vượt mức mà bất cứ ai trong chúng ta mong muốn hiểu và tiếp thu, trở ngại mới trong ngành kinh tế của chúng ta là sự chú ý. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế dựa trên sự chú ý.
Đó là lý do ngày nay chúng ta đều bị hơn 3000 tin nhắn quảng cáo tấn công mỗi ngày. Đó là lý do những mẩu quảng cáo này trở thành trò hề và ngày càng vô nghĩa – như con tắc kè Geico hay chàng trai trong chương trình Old Spice – vì mục đích của quảng cảo không còn là thông tin mà chỉ đơn thuần là sự chú ý.
Đó là lý do mạng xã hội đầy rẫy những nhan đề bài viết lố bịch như, “Tôi Tưởng Tôi Sắp Chết, Nhưng Bạn Sẽ Không Tin Nổi Con Gấu Bắc Cực Này Cứu Sống Tôi Thế Nào Đâu”, và khi bạn nhấn vào, nó sẽ dẫn bạn đến một chuỗi những ảnh động GIF vớ vẩn hay một video YouTube chẳng hề có liên quan gì đến gấu Bắc Cực nhưng thay vào đó là ngập tràn quảng cáo.
Đó là lý do chính trị dần mất đi bản chất là những chính sách cụ thể và ngày càng nhiều những hành động đậm chất kịch mục đích để thu hút sự chú ý tích cực hay tiêu cực đến các diễn viên và các tổ chức chính trị.
Đó là lý do mọi thứ đang trở thành một phiên bản của khiêu dâm hạng nhẹ: video âm nhạc, quảng cáo, phim và chương trình truyền hình thực tế. Và nếu nó không phải phim khiêu dâm hạng nhẹ, thì cũng là những loại khiêu dâm khác: thức ăn khiêu dâm (food porn), giết người khiêu dâm (murder porn), thảm họa khiêu dâm (disaster porn), hay thậm chí là khiêu dâm thực sự. Khiêu dâm nhận được đông đảo sự chú ý. Và ngày nay, sự chú ý là thứ hái ra tiền.
Đó là lý do Kim Kardashian nổi tiếng và tiếp tục được nổi tiếng suốt cả thập kỷ với lý do không gì khác ngoài – chắc bạn cũng đoán được – vì cô đã vốn đã nổi tiếng! Người phụ nữ này không hề có bất kỳ đóng góp nào cho nhân loại. Nhưng trong kỷ nguyên của sự chú ý, cô ấy đích thực là Master Yoda (nhân vật trong Chiến tranh giữa các vì sao. Tất cả đã nằm trong dự tính của cô ấy.
Kim Kardashian là một thiên tài. Không phải thiên tài kiểu Einstein. Không phải thiên tài kiểu “giải được phương trình vi phân trong đầu nhưng không thể buộc dây giày”. Nhưng cô ấy là một thiên tài. Một bác học (savant). Cô ấy như Rainman (tên một bộ phim của Mỹ, trong đó có một nhân vật mắc chứng bác học tự kỷ – autistic savant) trong giới của sự chú ý trụy lạc. Cũng giống như việc một người tự kỷ phi thường có thể đếm 2318 que tăm rơi trên sàn nhà chỉ với một ánh nhìn, Kim Kardashian có thể điều khiển sự chú ý của mười triệu người chỉ với cặp mông của mình.
Sự chú ý như thế nào không quan trọng. Quan trọng chính là sự chú ý. Sự chú ý là một thứ tài sản, tài sản quý giá nhất trong nền công nghiệp mới. Hàng triệu con mắt dõi theo cô ấy dù là ở nơi đâu và cô ấy lợi dụng triệt để điều đó. Cô ấy kiếm được tiền triệu từ một ứng dụng iPhone mà chẳng có công dụng gì cả và một chương trình TV cũng chẳng có nội dung gì cả. Chỉ riêng việc cô ấy đứng trong một hộp đêm cũng đủ khiến hộp đêm đó thu 2500 đô la phí vào cửa. Cô ta được trả tiền để xuất hiện trước công chúng còn nhiều hơn người thắng giải Nobel. Forbes ước tính thu nhập năm ngoái của cô ấy vào khoảng 28 triệu đô la.
Nhưng việc khiến những con người ngu ngốc trở nên giàu có và nổi tiếng không phải là một vấn đề mới trong xã hội. Dù nền công nghiệp của sự chú ý đã thổi phồng vấn đề, nó không hề tạo ra vấn đề. Nhưng khi ta áp dụng nền kinh tế của sự chú ý vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp vấn đề.
NỀN KINH TẾ CỦA SỰ CHÚ Ý ĐÃ THÚC ĐẨY CHỦ NGHĨA CỰC ĐOAN NHƯ THẾ NÀO?
Mạng xã hội là hình mẫu kinh doanh của nền kinh tế của sự chú ý. Họ hoàn toàn dựa trên những con mắt và cú nhấn chuộc để mang lại lợi nhuận. Để làm được việc này, họ thiết kế những thuật toán cho bạn nhìn thấy những thông tin nóng hổi nhất và gây chú ý nhất trong mạng xã hội của bạn. Nếu bản tin của bạn ngày nào cũng đầy những tin tức nhàm chán, bạn sẽ chẳng buồn xem nữa. Thay vào đó, Facebook cho bạn xem những sự kiện cực đoan nhất trong vòng kết của bạn với lý do đơn giản là những sự kiện cực đoan thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Điều này mang lại hiệu ứng mạnh mẽ không chỉ trên nhận thức của xã hội nói chung, mà còn trên cách chúng ta nhận thức cuộc sống riêng tư của mình.
- Nếu có vẻ như “mọi người” đều kết hôn hay có em bé hay đi du lịch vòng quay thế giới hay làm điều gì đó ngầu và hấp dẫn, điều đó chỉ là vì chúng ta tiếp xúc với những sự kiện này quá nhiều lần. Không phải ai cũng có những trải nghiệp tuyệt vời trong cuộc sống mỗi ngày, chỉ là chúng ta luôn phô bày những kỷ niệm đẹp. Kết quả là, rất nhiều người trong số chúng ta bắt đầu cảm thấy “thiếu thiếu” trong khi thật ra, chúng ta chỉ có một nhận thức lệch lạc nặng nề về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn mình.
- Nền kinh tế của sự chú ý thưởng cho những người ái kỷ và tự quảng bá bản thân vì những người này rất giỏi trong việc thu hút sự chú ý. Vì vậy, có vẻ như mọi người đang trở nên nông cạn và chỉ quan tâm đến bản thân, trong khi trên thực tế, chúng ta chỉ là ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với sự tự quảng bá của người khác.
- Về mặt chính trị, những quan điểm cực đoan, lập dị và khinh suất nhất được quan tâm nhiều nhất vì chúng độc lạ và thu hút nhiều sự chú ý. Vì vậy, nhìn vào sẽ thấy như cả thế giới đang bị cuốn vào một vòng xoáy thối nát, trong khi trên thực tế, chúng ta chỉ tiếp xúc với những con người cực đoan nhiều hơn trước.
- Những mối đe dọa như Ebola hay khủng bố trở nên giật gân, không phải vì chúng thực sự nguy hiểm như lời đồn, mà là vì lượng chú ý mà chúng thu nhận được. Khả năng bạn bị cá mập ăn thịt trong lúc bị sét đánh vẫn cao hơn là chết trong một vụ tấn công khủng bố. Khả năng bạn chết vì bị cúm trong năm nay vẫn cao hơn vì Ebola. Dù vậy, trong xã hội của chúng ta, có cảm giác như thế giới luôn luôn trong tình trạng sắp sụp đổ.
- Những sự kiện vô nghĩa nhưng giật gân như lộ ngực, bạo hành, những cuộc phỏng vấn quá đà, và người nổi tiếng làm những chuyện ngớ ngẩn mà người nổi tiếng hay làm có vẻ như đang tạo sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với bản chất thật của chúng. Nếu Kim Kardashian bị xe tại đâm chết vào ngày mai, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy một tràng khóc thương của giới truyền thông và đám tang được phát sóng trên truyền hình, nhưng có ai thực sự sẽ nhớ cô ấy? Chuyện này có làm thay đổi cuộc sống của ai không? Có lẽ là không. Trên thực tế, có thể chúng ta sẽ có thêm một album khá hay của Kayne.
Khi bạn nhìn vào những lời phàn nàn về mạng xã hội, điện thoại thông minh, và internet nói chung, đa số đều quy về một vấn đề: sự chú ý. Con người không còn giới hạn sự chú ý nữa. Con người không còn tập trung vào những gì trước mắt nữa. Con người cũng không còn nói chuyện với bạn trong bữa tối nữa.
Vấn đề là nền kinh tế của sự chú ý tạo điều kiện để dàn trải sự chú ý của một người qua tám sở thích khác nhau và 23 bạn bè khác nhau mỗi ngày. Và vì chúng ta dàn trải sự chú ý một cách quá mỏng manh, rất nhiều người đang mất đi kỹ năng sống quan trọng là tập trung.
Tập trung là thứ sinh ra thành công dài hạn. Tập trung dẫn đến những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Tập trung quyết định bạn cải thiện điều gì đó như thế nào. Tuy nhiên ngành công nghiệp hiện nay của chúng ta đang liên tục thúc đẩy ta rời khỏi sự tập trung và tiến gần đến – ô, bạn có xem cái video anh chàng lái xe máy nhảy lên nóc ô tô chưa? Thật là điên rồ!
Quanh đi quẩn lại, tôi đang nói về cái gì nhỉ? À đúng rồi… tập trung. Kỷ nguyên mới đem lại vấn đề về sự chú ý, không phải hạnh phúc hay ái kỷ hay cô độc. Và như những nhà phê bình công nghệ chỉ ra rằng, vấn đề này sẽ không tự mất đi, mà chỉ trở nên tệ hơn thôi.
LỢI ÍCH THẦM LẶNG CỦA NỀN KINH TẾ CỦA SỰ CHÚ Ý
Nhưng nền kinh tế của sự chú ý mang theo mình những lợi ích xã hội, rất nhiều trong số đó không hề hiển nhiên đối với chúng ta. Trên thực tế, một số lợi ích thực chất rất “khó xơi” ở một số trường hợp.
Lấy ví dụ một sự việc mới được phơi bày rằng Bill Cosby (rất có thể) là một kẻ cưỡng hiếp. Đây là một người đàn ông được coi là hình mẫu trong cả vài thập kỷ và cũng rất nghiêm túc với hình mẫu này, đi khắp đất nước thuyết giảng về giá trị và trách nhiệm. Nhiều phụ nữ đã cáo buộc ông tội cưỡng hiếp nhiều năm nay, nhưng phải nhờ đến nền kinh tế của sự chú ý mà cuối cùng những lời cáo buộc ấy cũng được đưa ra công chúng một cách thuyết phục.
Trước khi internet ra đời, những thứ như tấn công tình dục hay quyền lợi người đồng tính hay phân biệt chủng tộc không khoan nhượng hay chiến tranh ma túy thất bại, chúng đều là những khái niệm mơ hồ mà ta không bao giờ được diện kiến một cách rõ ràng. Chúng như chuyện cổ tích về một xứ sở xa xôi. Chúng chẳng liên quan gì đến chúng ta.
Nhưng những công nghệ mới mang những vấn đề ấy đến ngay trước mặt chúng ta, liên tục suốt ngày, dù ta có thích hay không. Tấn công tình dục luôn xảy ra và đa số thủ phạm đều thoát tội. Những người LGBT cũng là con người, và họ có quyền được đối xử như con người. Chiến tranh ma túy là một thất bại thảm hại và hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người. Và vì những sự kiện này ngày nay được truyền tải dễ dàng và đến được với phần lớn dân số, chúng ta đang thấy những chính sách xã hội này thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Năm năm vừa qua đã chứng kiến một làn sóng biểu tình và vận động chính trị, thường là ở các nước đang phát triển. Từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ đến Brazil đến Mexico, hàng triệu người đã có thể phản ứng ngay lập tức với những vấn đề chính trị trọng đại và yêu cầu những thay đổi trong chính quyền đã mục nát từ lâu. Tất nhiên đa số đều không thành công. Nhưng vẫn có một số đạt kết quả. Và it nhất, họ đã thay đổi những bài diễn văn chính trị. Chỉ cần nhìn vào những gì đang diễn ra gần đây với nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ và Ferguson và Eric Garner. Không cần biết bạn nghĩ gì, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang được áp đặt lên bạn. Bạn không thể ngó lơ. Có những viedeo. Có những đứa trẻ thiệt mạng. Không thể nào không nhìn thấy chúng, và vì thế mà cái vấn đề xưa như lịch sử nước Mỹ đang được phơi bày một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết trong vài thập kỷ qua.
Nhưng bên ngoài phạm vi chính trị, công nghệ cũng mang lại lợi ích trong các mối quan hệ của chúng ta, cho dù không phải lúc nào ta cũng nhận ra. Chúng ta là thế hệ đầu tiên vẫn còn liên lạc dễ dàng với những người bạn cũ ở trường, trại hè và đại học. Chúng ta có khả năng liên tục liên lạc với nhau, dù là tốt hay xấu. Chưa bao giờ việc truyền tại sự kiện trọng đại trong cuộc sống và tình hình cấp bách trên thế giới lại dễ dàng đến thế. Du lịch và các mối quan hệ xa – dù có lãng mạng hay không – dễ hơn bao giờ hết. Một người có thể dành ra hàng tháng thậm chí hàng năm ở nước ngoài mà không cảm thấy “mất liên lạc” với những chuyện xảy ra ở nhà.
Một điều hiển nhiên, công nghệ không nên thay thế những cuộc gặp mặt và tương tác trực tiếp với nhau. Nhưng nó chắc chắn có thể bổ trợ chúng.
Và, tất nhiên, có quá nhiều kiến thức có sẵn trong tầm tay chúng ta. Với tất cả nhức những nhức nhối mà nền kinh tế của sự chú ý có thể gây ra, bù lại là một lượng thông tin vô tận mà ta có thể tùy nghi tiếp cận bất cứ lúc nào. Bạn từng phải đến thư viện để nghiên cứu. Bạn từng phải gọi điện đến cửa hàng để biết xem thứ bạn cần mua còn hàng không. Bạn từng phải mua một bản đồ và mất năm phút tra cứu xem bạn đang muốn đi đâu.
Chúng ta đã quá dễ dàng quên đi mấu chốt của vấn đề ngay từ đầu: lượng kiến thức khổng lồ và miễn phí. Những lợi ích này quá phổ biến và hiện diện ở khắp nơi đến nỗi chúng ta còn không thể nhớ được rằng nếu không có chúng sẽ như thế nào. Và kết quả là, chúng ta đánh giá quá cao việc công nghệ đang tổn hại chúng ta và đánh giá quá thấp việc chúng đang giúp ta nhiều như thế nào.
Đúng, nền kinh tế của sự chú ý mang đến những thách thức xã hội mới như trộm cắp danh tính và bắt nạt trực tuyến và những kẻ ngu xuẩn nhắn tin khi đang lái xe. Nhưng chúng ta cũng không nên vứt bỏ điều quý giá chung với những gì đáng vứt đi.
Vấn đề không phải ở công nghệ, mà là cách ta sử dụng công nghệ. Là nó phục vụ ta hay ta phục vụ nó?
Đây là những thử thách mới mà thế hệ mới phải đối mặt. Ông bà chúng ta đã phải học cách làm chủ thời cuộc và năng lượng để khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế lao động. Cha mẹ chúng ta đã phải làm chủ trí óc và khả năng giải quyết vấn đề để khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế tri thức. Chúng ta cũng phải học cách làm chủ khả năng tập trung và tự nhận thức để có thể khai thác nguồn lợi từ nền kinh tế của sự chú ý.
Khả năng tiếp cận không giới hạn đến kiến thức mang lại vô vàn thời cơ, nhưng chỉ với những ai học được cách quản lý hệ thống tiền tệ mới: sự chú ý của họ. Trong nền kinh tế mới, tài sản quý giá nhất mà bạn có thể tích lũy có thể không phải là tiền bạc, có thể không phải là sự giàu sang, cũng có thể không phải là kiến thức, mà là khả năng điều khiển sự chú ý của bản thân mình, và khả năng tập trung.
Vì cho đến khi bạn có thể hạn chế sự chú ý của mình, cho đến khi bạn có thể ngó lơ, có chủ đích, tất cả những hào nhoáng và vụ lộ ngực, cho đến khi bạn có thể lựa chọn điều gì có giá trị với bạn và điều gì không, bạn và tôi và tất cả mọi người sẽ tiếp tục được mớm những thông tin rác mà không có hồi kết. Và nó sẽ không khá hơn, mà chỉ tệ đi.
Trong tương lại, sự chú ý của bạn sẽ đem đi rao bán. Và có lẽ những người duy nhất có thể sinh lợi là những người có thể điều khiển sự chú ý của họ.
Bây giờ, xin mạn phép, tôi còn phải đi xem mấy cái video ngớ ngẩn về mấy con mèo.
Hồng Phương dịch
Nguồn: Mark Manson
#TAMLYHOCTOIPHAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét